“Tôi lúc đó như 1 người điên, vội vàng gọi cho bác sỹ cấp cứu nhưng sau khi họ đến thì họ nói rằng con trai tôi đã qua đời”

So với cách chăm con của nhiều người mẹ trên thế giới, phụ nữ Việt thường có xu hướng cho con ngủ chung giường ngay từ khi sinh ra cho đến lúc con bước vào tuổi dậy thì. Nhiều người cho rằng đây là thói quen hoặc ngủ chung với con từ lâu nên đã “bện hơi”, để con ngủ riêng sẽ khó ngủ và không yên tâm. Tuy nhiên trên thế giới đã có rất nhiều trường hợp trẻ nhỏ gặp hội chứng đột tử (SIDS) vì lý do ngủ chung giường với cha mẹ. Câu chuyện đau lòng của người mẹ đơn thân mất con trai chỉ sau 1 giấc ngủ dưới đây hy vọng sẽ là bài học đáng nhớ dành cho phụ huynh.

Ngủ chung giường với con, mẹ mất con mãi mãi

Theo đó, Amanda Saonedo cho biết cô là bà mẹ đơn thân, nuôi dạy 2 con trai. Vì vậy cô luôn dành tình yêu và thời gian cho con mình bất cứ lúc nào có thể, kể cả khi ngủ cô vẫn luôn muốn ngủ cùng con để tận hưởng những giây phút ấm áp bên con. Vậy nên từ ngày sinh Trae, ngày nào cô cũng cùng con trai mình ngủ chung cho đến khi con được 3 tuổi, mọi thứ vẫn rất an toàn. Ngày Saonedo sinh đứa thứ 2 là Ben, cô tiếp tục cho con ngủ cùng mình như thói quen từ trước đến nay. Và hơn nữa, Saonedo luôn tự tin rằng sẽ không có chuyện gì tồi tệ xảy ra với Ben cả vì cô đã từng áp dụng thành công với đứa con trai đầu lòng, nên cô mặc nhiên không lo lắng.

Tuy nhiên vào 1 buổi sáng, Saonedo thức giấc và phát hiện ra Ben không còn động đậy nữa.

hình ảnh

Ben, con trai của Amanda Saonedo qua đời khi ngủ chung với mẹ. Nguồn hình: cnn

"Tôi lúc đó như một người điên, vội vàng gọi cho bác sỹ cấp cứu nhưng sau khi họ đến thì họ nói rằng con tôi đã qua đời. Tôi điên cuồng giải thích với bác sỹ rằng khi tôi tỉnh dậy, không có 1 thứ gì đè lên người con cả, vậy thì tại sao điều tồi tệ này lại xảy ra với con trai của tôi. Bác sỹ giải thích rằng do Ben ngủ trên giường cùng với tôi. Điều này khiến cho nệm sẽ không được cứng cáp và bằng phẳng giống như nệm cũi. Vì vậy nó đã làm con tôi bị ngạt thở. Hoặc có thể tôi đã nằm quá gần nên đã lấy hết oxy khiến Ben không có đủ không khí để thở. Đó là điều khiến tôi ân hận và tự trách bản thân rất nhiều". Saonedo chia sẻ trong sự hối hận muộn màng, cô chỉ còn biết thét gào lên 2 chữ “giá như”. Có 1 điều có lẽ khiến người mẹ này đau khổ nhất đó là mặc dù cô đủ hiểu sự nguy hiểm khi cho trẻ sơ sinh ngủ chung giường nhưng vì bản thân còn cứng nhắc về cách chăm sóc con nên đã để lại 1 bài học đau thương. Tuy nhiên bất chấp sự đau buồn của mình, Saonedo vẫn không ngần ngại kể câu chuyện này cho mọi người mẹ vì nó có thể sẽ cứu một mạng người.

hình ảnh

Amanda Saonedo và con trai Ben. Nguồn hình: cnn

Phòng ngừa hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, bất chấp những thông điệp về sức khỏe cộng đồng trong nhiều thập kỷ nhằm ngăn ngừa đột tử ở trẻ sơ sinh bất ngờ, mỗi năm có khoảng 3.500 trẻ sơ sinh qua đời vì bệnh này mỗi năm ở Mỹ. Vì vậy để con có 1 giấc ngủ an toàn, các bà mẹ cần:

- Cho trẻ sơ sinh nằm ngửa trong tất cả các giấc ngủ ngắn và ban đêm cho đến khi trẻ được 1 tuổi. Điều này áp dụng ngay cả với những em bé đang vật lộn với chứng trào ngược dạ dày thực quản

- Nếu em bé ngủ gật trên ghế ô tô, xe đẩy, xích đu, địu trẻ sơ sinh, hãy di chuyển con bạn lên bề mặt ngủ bằng phẳng càng sớm càng tốt

- Đảm bảo bề mặt của nôi, cũi của trẻ không bị lõm khi em bé nằm trên đó. 

- Trên nôi, cũi ngủ của trẻ tuyệt đối không nên để đồ vật trang trí, không có đồ chơi dễ thương, không có gối, không có gì ngoài đứa bé. Nếu bạn lo lắng về việc con mình bị lạnh, bạn có thể sử dụng quần áo ngủ cho trẻ sơ sinh.

- Chỉ đưa trẻ vào giường của bạn để cho bú hoặc dỗ dành. Trẻ sơ sinh ngủ chung giường không được khuyến khích vì có thể xảy ra trường hợp đột tử như cậu con trai của người mẹ Saonedo được nhắc đến trong bài viết trên.

- Không bao giờ đặt trẻ ngủ trên ghế dài, ghế sô-pha, hoặc ghế bành và không để trẻ ngủ trên gối cho con bú hoặc miếng đệm tựa như gối.