Chấp nhận sống tằn tiện, đôi vợ chồng trung niên đã mua được căn nhà hơn 17 tỷ sau 25 năm dành dụm. Câu chuyện gây nhiều ý kiến trái chiều vì có người ngưỡng mộ quyết tâm của hai vợ chồng nhưng cũng có ý kiến chê trách thói chi tiêu quá ki bo này. 

Theo như mình đọc trên tamsucuocsong.vn đăng tải thì người vợ tên là Toyomi (57 tuổi) đang sống trong căn hộ cao cấp ở thành phố Yokohama (nhật Bản) cùng người chồng 60 tuổi. Ngôi nhà được thiết kế theo phong cách tối giản, với những người hàng xóm thuộc tầng lớp trí thức, thượng lưu. Có thể nói, căn hộ này là ước mơ của biết bao người và cũng là kết quả sau bao năm tháng đánh đổi của hai vợ chồng bà Toyomi. 

Người phụ nữ này vốn làm nhân viên bảo vệ bán thời gian cho bãi đậu xe trong khu dân cư nơi bà ở, còn chồng làm nhân viên ở một công ty viễn thông. Chỉ là những người làm công ăn lương, hai vợ chồng sống tằn tiện suốt 25 năm để có tiền mua căn hộ như mong muốn. 

hình ảnh

Vợ chồng chấp nhận sống tằn tiện suốt 25 năm để có nhà xịn bao người ao ước (Ảnh: tamsucuocsong.vn)

Hai người thường ăn trưa bằng cơm nắm muối vừng không nhân hoặc mì hộp. Sau này, khi dọn về nhà mới, hai vợ chồng cũng không dám mua đồ đạc quá nhiều và thường chọn hàng khuyến mãi, giá rẻ. 

hình ảnh


2 vợ chồng ăn mì gói, cơm nắm muối mè suốt 25 năm (Ảnh: tamsucuocsong.vn)

Bà Toyomi chia sẻ, 25 năm trước, hai vợ chồng tình cờ quen nhau do cùng tham dự một sự kiện xã hội do một người bạn tổ chức. Ngặt nỗi, sau khi kết hôn không bao lâu, người phụ nữ phát hiện bản thân mắc bệnh hiểm nghèo và từng nghĩ khó qua khỏi. Thậm chí, bà từng viết thư tuyệt mệnh gửi chồng.

hình ảnh

(Ảnh: tamsucuocsong.vn)

Họa vô đơn chí, sau đó chồng của bà cũng gặp tai nạn và mất khả năng vận động do đứt gân ở bàn chân phải. Sau phẫu thuật, tình hình của ông đã được cải thiện. Sau bao biến cố, thậm chí đứng ở lằn ranh sinh tử, cặp đôi luôn trân quý cuộc sống và quyết định “làm điều muốn làm” trước khi cuộc đời kết thúc. Hai vợ chồng đã chấp nhận sống khắc khổ, ăn uống, chi xài tằn tiện để mua được căn hộ trên cao để ngắm cảnh về đêm. 

Đây phải nói là một cuộc đánh đổi khốc liệt và gây nhiều tranh cãi nhưng hai người vẫn chấp nhận và cố gắng tận hưởng trong khi còn có thể. Đôi khi, có những người chọn lẽ sống thật cực đoan vì họ cho rằng chỉ đến với cuộc đời một lần duy nhất nên muốn làm tất cả những gì khiến bản thân hạnh phúc.

Mình còn nhớ trường hợp của cô gái có tên Vương Thần Ái (lúc đó khoảng 32 tuổi), đã đi làm 9 năm ở Trung Quốc rồi mua được 2 căn nhà. Cô Vương kể cô tiết kiệm 90% thu nhập hàng tháng, không bao giờ tụ tập đồng nghiệp, xin quần áo cũ của bạn bè không mặc nữa... nên mỗi năm chỉ xài khoảng 100 tệ là cùng (khoảng 300 nghìn đồng). Nhu yếu phẩm hàng ngày cũng tận dùng từ đồ miễn phí.

Những bộc bạch của Vương Thần Ái đã khiến mạng xã hội đất nước tỷ dân tranh cãi dữ dội. Có người ủng hộ, cho rằng đầu tư tiền vào bất động sản là lựa chọn sáng suốt. Tuy nhiên, cũng có người đánh giá rằng sống như vậy là quá hà khắc với bản thân. Bởi con người sinh ra để sống, để trải nghiệm, tận hưởng những niềm vui chứ không nên tự đày đọa mình, lúc mất chẳng mang theo được gì. 

Theo quan điểm của Vương Thần Ái, cô muốn sống tối giản sau thời gian dài làm việc trong lĩnh vực quảng cáo. Cô nhận ra rằng nhiều người tiêu dùng đã chi tiền cho những thứ không phù hợp với thu nhập của bản thân, chỉ để trở nên sang chảnh hơn trong mắt người khác. Với người khác thì không biết chứ với bản thân mình, cô Vương cho rằng điều này thực sự rất vô nghĩa. Mặt khác, gia đình cũng là nhân tố ảnh hưởng, khiến cô Vương học được tính tiết kiệm ngay từ khi còn nhỏ. Nhờ đó, lớn lên, nếu những thứ nào không thực sự cần thiết thì cô ấy sẽ nhất định không mua.

Theo tôi thì cuộc sống này muôn hình vạn trạng. Có người cảm thấy sung sướng khi được thỏa mãn đam mê mua sắm. Tuy nhiên, lại có người cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc vì tiết kiệm được tiền, để dành của cải. Suy cho cùng đó là lựa chọn không có đúng sai hay tốt xấu hoàn toàn mà đơn giản chỉ là sự phù hợp với cá tính, hoàn cảnh từng người. Chính cô gái có tên Vương Thần Ái trên cũng khẳng định rằng bản thân cô tôn trọng chủ nghĩa tiêu dùng của mọi người và đừng nên để bản thân trở thành nô lệ của việc chi li.