Ngày Tết chắc chắn nhà ai cũng trưng hoa. Có nhà trưng nhiều thì cả mai, đào và các loại hoa tươi khác cho sinh động. Nhà nào ít nhất cũng phải có cành đào và lọ hoa tươi để trên bàn thờ cho ấm cúng gia đình.

Điều mà tất cả mọi người đều mong muốn là các loại hoa trưng ngày tết sẽ được tươi lâu, giữ cho nhà cửa luôn đẹp đẽ, sinh động. Đặc biệt, xét về phong thủy, hoa tươi lâu trong dịp đầu năm mới cũng là tín hiệu tốt dự báo cho một năm tốt lành, an khang với những điều tốt đẹp sẽ đến.

Vậy làm sao để hoa tươi lâu, nhiều người chỉ cắm hoa vào nước thì chưa đủ đâu nhé. Dưới đây là các giúp hoa tươi lâu cho từng loại, mọi người tham khảo để áp dụng ngay nhé!

hình ảnh

Cành đào có thể tươi rất lâu và nở đúng theo ý muốn nếu bạn  biết cách điều tiết nó, ảnh: LĐO

Cách dành riêng cho hoa đào

- Với cành đào (không có gốc): Khi chọn được cành đào ưng ý, bạn cần mang đào về nhà, đặt nơi ít gió, rửa sạch lọ trước khi cắm hoa. Đây là bước quan trọng giúp cành đào không bị nhiễm khuẩn từ lọ hoa, bình hoa. Nước cắm hoa đào cũng được chọn nước sạch.

Sau khi cắm nên thay nước trong bình 2 - 3 ngày/ lần. Mỗi lần thay nước có thể rửa lại phần gốc. Cách làm sạch này giúp hoa nở nhiều hơn, cây tươi lâu hơn.

Chú ý về việc có nên đốt gốc cành đào hay không, mọi người cần tìm hiểu rõ như sau:

Việc đốt gốc cành đào xuất phát từ quan niệm, khi cưa cành đào ra khỏi cây, phần nhựa cây sẽ chảy ra tại vết chặt (cưa/cắt), gặp không khí sẽ dễ đông kết lại thành như nút chặn lại không cho nhựa cây tiếp tục chảy ra nữa. Không những thế, vi khuẩn, nấm mốc sẽ dễ dàng xâm nhập vào phần cắt này ở gốc đào.

hình ảnh

Cẩn trọng khi áp dụng mẹo đốt gốc cành đào, ảnh: DSD

Vì thế, trước khi cắm cành vào lọ nước, nhiều người cho rằng cần đốt gốc để diệt khuẩn, nấm cũng như để các cục nhựa cây nóng chảy ra, làm thông mạch cây, giúp cành cây tiếp tục hút nước từ bình lên để nuôi hoa, như vậy nụ hoa mới tiếp tục nở và hoa mới tươi được.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì đây là việc làm sai lầm thậm chí là phản tác dụng. TS Đặng Văn Đông - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hoa và cây cảnh - Viện Nghiên cứu rau quả T.Ư cho rằng: “Theo kinh nghiệm dân gian, đốt cành đào trước hết là để diệt khuẩn, diệt nấm xâm nhập vào các bó mạch dẫn của cành đào, làm cành đào hạn chế chảy nhựa, mất dinh dưỡng của cành và làm sạch nước cắm đào... Nhưng việc đốt gốc cành đào cũng sẽ gây tắc các mạch, không cho nước và dinh dưỡng đi lên nuôi cành”.

Nếu áp dụng biện pháp đốt cành thì chỉ đốt vừa phải. Nếu đốt quá lâu, quá nhiều sẽ gây tổn thương mạch, tắc mạch, sẽ lại làm cành đào chóng tàn.

hình ảnh

Thấy hoa đào là thấy tết, ảnh: DSD

Tổng kết lại, theo các chuyên gia thì để giữ được cành đào tươi lâu trong những ngày Tết bạn nên áp dụng một số mẹo vặt sau:

+ Chỉ hơ nhanh cành đào qua lửa để mặt cắt khô se lại.

+ Đặt đào trong nhà, nơi khuất gió, tránh ánh nắng mặt trời.

+ Thay nước cắm cành đào thường xuyên.

+ Bổ sung vài viên vitamin B1 trong bình cắm.

- Với những gốc đào trồng sẵn trong đất: Bạn có thể thêm đất để đặt vừa vặn bầu cây vào. Nên chú ý giữ ẩm thường xuyên cho cây, tránh để cây bị quá nhiều nước hay quá khô đều ảnh hưởng đến quá trình nở hoa của đào.

Đào nở rộ đúng mùng 1 Tết là điều may mắn cho gia đình. Khi mua đào có thể hoa nở đã nhiều cần hãm lại, hoặc có nhiều nụ cần bung xòe vào thời gian mong muốn. Vì thế, một mẹo đơn giản ai cũng có thể áp dụng được đó là: Nếu muốn hoa nở nhanh, bạn nên dùng nước ấm để cắm.

hình ảnh

Đào có gốc tươi rất lâu, có thể trồng lại sau tết, ảnh: dSD

Với gốc đào có thể thúc hoa nở nhanh bằng cách đắp vôi xung quanh gốc. Chỉ sau một ngày, hoa sẽ nở đẹp. Nếu muốn hoa nở chậm lại, bạn nên dùng nước lạnh để cắm.

Với gốc đào nên hạn chế tưới nước, chỉ giữ đủ độ ẩm cho gốc và dùng nước lạnh.

Một cách khác cũng rất hiệu quả nếu muốn đào nở chậm, đó là khía nhẹ một vòng quanh thân cách gốc 10 - 15cm để hạn chế chất dinh dưỡng từ thân lên nuôi hoa. Với đào trồng chậu nên rải thêm một lớp sỏi lên lớp đất trong chậu có tác dụng làm mát gốc cây, để đào ra ban công hoặc ngoài sân thoáng mát sẽ giúp hoa nở chậm hơn so với đặt trong nhà.

hình ảnh

Các loại hoa khoe sắc khi tết đến xuân về, ảnh: DSD

Cách giữ các loại hoa tươi khác được tươi lâu, nở đẹp, lâu tàn

- Chọn những bông hoa tươi, cành hoa thẳng, cứng cáp và lá xanh không bị héo úa.

- Quan sát phần cành hoa. Nếu vết cắt mới thì đó là hoa mới thu hoạch. Trường hợp vết cắt thâm đen thì không nên mua vì loại hoa này đã cắt xuống từ lâu, vừa không tươi lại nhanh tàn.

- Cắt bỏ hết phần lá bị dập, nát và héo úa rồi ngâm hoa vào trong nước ấm. Nhớ cắt vát phần gốc cành hoa để giúp hoa hút được nhiều nước nhất.

- Nghiền nát 1 - 3 viên aspirin rồi hòa vào nước cắm hoa. Loại thuốc này sẽ giúp hoa tươi lâu và không bị thối gốc.

hình ảnh

Hoa cúc phổ biến nhất thì thích hợp để thờ cúng ngày Tết, ảnh: SD

Riêng với hoa cúc thì nên nhớ: Bạn có thể cho vào lọ hoa 1 chút đường trắng, nhờ mẹo này, hoa cúc có thể để tới rằm tháng Giêng cũng không biết tàn là gì.