“Bụt nhà không thiêng” có lẽ đúng với trường hợp này, mẹ là giáo viên giỏi mà con học bét lớp.

Miệng đời cay nghiệt hay bảo “cha làm thầy, con đốt sách”, ngầm chỉ giáo viên mà không dạy được con mình. Mấy chuyện này em cũng thấy nhiều, nhưng người trong cuộc đôi khi cố chấp, không chịu hiểu. Việc dạy học sinh và dạy dỗ con ruột của mình là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.

Dạy học sinh cần chuyên môn, nhưng dạy dỗ con cái, đôi khi chuyên môn cao siêu cũng chẳng ích lợi gì. Em vô tình đọc trên mạng bài chia sẻ của mẹ Cola, chị suy sụp vì chẳng dạy được con. Mẹ là giáo viên xuất sắc nhưng con đứng bét lớp, nói ra thật sự quá xấu hổ, quá mất mặt.

Chuyện mẹ làm giáo viên, con bét lớp của mẹ Cola

Mẹ Cola cho biết mình là giáo viên tiếng Anh cấp 2 và được đánh giá là giáo viên xuất sắc. Bản thân chị đã dạy nhiều em trúng tuyển vào trường cấp 3 trọng điểm. Không ngờ về đến nhà, chị trở thành một bà mẹ thất bại. Ai mà ngờ, mẹ là giáo viên nhưng con đứng bét lớp.

Đối mặt với con gái, kinh nghiệm giảng dạy hơn 10 năm của chị dường như thất bại toàn tập. Càng ngày điểm con càng tệ, lần kiểm tra gần nhất, con đứng nhất từ dưới đếm lên, chị suýt ngất. Bao nhiêu bình tĩnh, tự tin của người giáo viên giỏi đã tan tành mây khói.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: sina

Chị tức giận nói với con: “Bố mẹ làm việc kiệt sức mỗi ngày để lo cho con. Nhưng còn con thì sao, suốt ngày không tập trung việc học, con có xứng đáng với bố mẹ không?”. Trước sự chất vấn của mẹ, con gái chị nổi loạn, bảo ngày nào cũng bị đối xử như tù nhân, chán sống rồi.

Tranh cãi kết thúc bằng một cái vả chát chúa, sau đó, chị dành cả đêm hối hận, tức giận và bất lực. Vì sao chị lại không thể dạy được chính con của mình. Giáo viên đầy kinh nghiệm lại có một đứa con đứng bét lớp.

Vài ngày sau, chị lại mắng con, nói rằng con của cô giáo Li luôn đứng top 3 của lớp. Con thì càng học càng kém, cùng là con cô giáo mà sao lại khác như vậy. Thật sự xấu hổ. Con liền trả lời giật ngược, bảo mẹ suốt ngày so sánh với con nhà người ta.

Con bé hét lên: “Sao mẹ không tự so mình với cha mẹ nhà người ta. Nếu được lựa chọn, con không muốn làm con mẹ đâu”. Thật sự làm chị tổn thương rồi. Sau này có người khác khuyên bảo chị, nói con của họ từng nghĩ quẩn vì bị ép học, chị mới ngộ ra. Từ đó về sau chị không dám ép con học giỏi nữa.

Có lẽ trong câu chuyện của mẹ Cola, chị đã sai trong cách giáo dục con. Áp lực giáo viên giỏi phải dạy con mình giỏi đã khiến chị trở nên khắt khe, vô lý.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: sohu

Đừng ép trẻ phải học giỏi như con nhà người ta

Với một đứa trẻ, ép buộc chưa bao giờ mang lại kết quả tốt đẹp đâu mọi người. Em đọc câu chuyện của mẹ Cola mà suy nghĩ nhiều lắm. Em sợ bản thân rồi cũng sẽ giống chị, kỳ vọng quá nhiều với con, ép con giỏi, ép con ngoan.

Đọc báo gần đây mà cứ thấy lo, vì chuyện học sinh nghĩ quẩn quá nhiều. Em không muốn mình đi vào những vết xe đổ đó. Trước đây, em còn nghĩ sẽ cho con học chữ trước, dù con em mới học lớp chồi mẫu giáo. Nhưng giờ đọc câu chuyện này, em chẳng còn muốn để con học sớm nữa. Con cứ học đúng lứa tuổi, đúng khả năng của mình là được.

Nếu khả năng con chỉ là 7 điểm, nên khuyến khích con cố gắng. Tiến bộ thì cũng phải từ từ, nếu không thể thì chính bản thân phụ huynh phải học cách chấp nhận. Sức khỏe tâm lý của con quan trọng hơn điểm số, thứ hạng.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: QQ

Nhà giáo dục nổi tiếng Dong Jinyu đã từng nói: “Đằng sau mọi vấn đề của đứa trẻ, đều có cha mẹ không chịu lớn lên”. Đằng sau những đứa trẻ có vấn đề về học tập và tâm lý, thường có những bậc cha mẹ hay tự tạo áp lực. Để không lặp lại chuyện của mẹ Cola, mọi người cần tránh những sai lầm khi dạy dỗ con.

Thứ nhất là không được bỏ qua cảm xúc của trẻ thơ. Thứ hai là đừng kỳ vọng quá mức ở trẻ. Thứ ba là đừng so sánh con với con nhà người ta. Mẹ là giáo viên xuất sắc nhưng con đứng bét lớp thì đã sao. Không ai quy định mẹ giáo viên phải dạy con học giỏi cả.

Quan trọng, mẹ là giáo viên thì nên dùng kinh nghiệm sư phạm của mình, tìm ra nguyên nhân, khó khăn trong học tập để giúp đỡ con tiến bộ. Đó mới là việc mẹ Cola cần làm chứ không phải xấu hổ với thầy cô khác, mắng nhiếc con.

*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân