Tuổi lên 3, con ương bướng, nhiều mẹ gặp phải tình huống đến là đau đầu.

Các mẹ có con đang tuổi lên 3 chắc ở nhà với con 1 ngày thôi cũng muốn nổ não. Không hỏi nhiều cũng quậy phá khắp mọi ngóc ngách. Đã vậy còn hay cãi lại, mà lại ưa gây rắc rối nữa.

Anh trai em đang ở cùng nhà mẹ. Anh có một con trai cũng tuổi lên 3. Em kể các mẹ nghe nha, mới hôm trước trả treo lại bố trước mặt ông bà nội mà bố nó đến là đứng hình luôn. Chẳng là thằng bé vẽ bậy vào bản phác thảo của bố nó làm bố nó nổi khùng nhưng không nỡ đánh. Bất lực nhưng lại không thể làm gì con nên anh trai em mới chỉ vào mặt nó, gằm: “Còn quậy phá nữa thì đừng ở nhà này nữa. Đi luôn đi.”

Nghe bố nói, thằng bé rơm rớm nước mắt, mếu máo nhưng vẫn kịp trả treo: “Nhà của nội mà. Bố lấy vợ rồi bố đưa vợ đi đi. Con chưa lấy vợ con được ở.”

hình ảnh

Ảnh minh họa

Bữa hôm đó nhằm cuối tuần, ai cũng ở nhà. Vậy là được một phen bụm miệng không kịp luôn các chị ạ.

Nhiều mẹ cho biết, khi con lên 3, trẻ bắt đầu nghịch ngợm, hay trả treo. Nếu không được uốn nắn từ lúc này trẻ rất dễ hư. Sự kỷ luật là một trong những cách nhiều phụ huynh áp dụng nhưng đôi khi không thể tránh khỏi sơ suất. Việc giận quá, mất khôn, đuổi con đi biết là không nên nhưng cũng từng nhiều người đã phải thốt ra như vậy. Cái kết của những dại dột đó đôi khi khiến bố mẹ phải vừa chưng hửng lại vừa buồn cười.

Mới đây, một đứa trẻ nghịch phá, gây ồn ào đến mức không chịu nổi khiến mẹ phải lỡ miệng đuổi đi: “Nếu con cư xử không tốt, mẹ sẽ đuổi con ra khỏi nhà.”

Nghe câu này, theo lẽ thường, phần lớn trẻ sẽ rất sợ hãi, bật khóc và năn nỉ để mẹ nguôi giận bởi mẹ biết đó bé đã đến tuổi rối loạn tâm lý chia ly rồi. Nhưng trong trường hợp này, đứa trẻ đáp lại theo cách điềm tĩnh đến ngỡ ngàng.

Cậu bé bình thản bước vào phòng, xếp quần áo vào ba lô, cả những món mà cố nhét cỡ nào cũng không nhét nổi rồi sau đó bước ra ngoài. Vẻ mặt điềm tĩnh dường như thách thức càng khiến cơn giận của mẹ lên đến đỉnh điểm. Người mẹ lúc này mới vứt luôn cả chén ăn của con, bảo cậu đi được thì đi luôn, ra ngoài tự mà kiếm sống lấy.

hình ảnh

Ảnh: Sohu

Không chút do dự, cậu bé cứ thế bước ra khỏi nhà, đi thẳng một mạch từng bước thong thả, đầu còn không thèm ngoảnh lại luôn.

Người mẹ vừa giận vừa tức cười đã kịp chụp lại bức ảnh con bỏ đi. Qua ảnh có thể thấy cậu nhóc dáng người nhỏ bé, tay cầm chén ăn màu xanh ngọc, đầu cắt kiểu úp tô, vai quẩy balo màu vàng rực đi thẳng một lèo tiến về phía trước như thể thế gian này chỉ cần chén ăn, tã bỉm là có thể thong dong bước đi ngạo nghễ được rồi.

Nhiều người khi xem thấy ảnh này không nhịn được cười:

“Biểu cảm của đứa trẻ dường như muốn nói: Tôi không sợ trời, chẳng sợ đất vì đã mặc tã? Hahahahaha

“Trong cuộc chiến giữa mẹ và con thì trẻ con dễ thương luôn giành chiến thắng. Nhìn vậy muốn giận cũng phải phì cười thôi chứ biết sao.”

“Nhìn nhóc con cầm trên tay chén ăn và quẩy ba lô mà bật cười. Có một đứa trẻ để cãi nhau với nó cũng vui lắm chứ.”

“Không đâu, tụi ăn bột nó khôn lắm đấy. Biết có đi cỡ nào mẹ cũng hốt về nên cứ ung dung, tự tại thôi.”

Đúng thật, trẻ con đôi khi có hư nhưng lại làm những hành động hết sức đáng yêu sau đó khiến bố mẹ phải phì cười mà cho qua.

Chắc chắn trong độ tuổi trẻ lên 3, mẹ chăm con sẽ không tránh khỏi những lúc nổ não, tức phát hờn. Nhưng cứ chiều theo cảm xúc của mình thì đôi khi không thể dạy được con mà bản thân cũng cảm thấy rất bất lực.

Để giải quyết, trước hết, mẹ hãy thử tách mình khỏi bé một ít thời gian nếu có người gửi tạm. Khoảng 15 phút bình tĩnh lại, mẹ sẽ biết mẹ nên làm gì tiếp theo.

Kế đến, mẹ nên tới bên con để trò chuyện. Ngồi xuống ngang tầm mắt với trẻ, nhìn thẳng vào mắt bé và giải thích rõ những gì mẹ đang cảm thấy, phân tích cho con hiểu con sai ở đâu.

Những câu nói trong lúc giận dữ thường lỡ lời như “Sao con nghịch ngợm thế? Nếu con nghịch ngợm như vậy nữa thì mẹ sẽ không cần con nữa đâu!” hoặc “Mẹ sẽ đuổi con khỏi nhà nếu con nghịch ngợm như vậy lần nữa.” không những không có tác dụng mà còn phản tác dụng. Nếu nhạy cảm, trẻ sẽ bị tổn thương và cảm giác an toàn sẽ giảm đi rất nhiều.

Dạy con là cả một quá trình. Nó không có công thức chung cho tất cả mọi gia đình, mọi bố mẹ. Điều mấu chốt hơn cả vẫn là sự kiên nhẫn và tình yêu của bố mẹ. Thời gian sẽ giúp mẹ có được câu trả lời làm gì tốt cho con, làm thế nào sẽ phù hợp với con của mình.