Bữa giờ nghe tin sắp tiêm ngừa ‘cô vy’ cho trẻ từ 5 – 11 tuổi, nhiều mẹ không khỏi mừng vui vì con trẻ sớm được bảo vệ trước bệnh dịch rồi, trong khi đó một số khác tại tỏ ra lo lắng vì việc tiêm vắc-xin như thế này còn khá mới, lo sợ ảnh hưởng đến trẻ.

Nhiều mẹ hỏi em là có biết trẻ trong độ tuổi này sẽ được tiêm loại nào không và nếu trẻ từng là F0 thì có được tiêm không?

Khác với người lớn có nhiều loại vắc-xin để tiêm, việc tiêm loại nào phụ thuộc vào độ tuổi cũng như sự phân bổ lượng vắc-xin cho khu vực đó, còn đối với trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 11, chỉ có 2 loại để tiêm. Tất nhiên, việc tiêm chủng này được tổ chức khi đã được kiểm nghiệm kỹ lưỡng về tính phù hợp cũng như an toàn cho trẻ khi tiêm.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Nghĩ là các mẹ sẽ cần, nên em tổng hợp một số thông tin cần thiết liên quan đến việc tiêm vắc-xin này dựa trên nguồn báo Tuổi trẻ và Dân Trí. Hy vọng rằng các mẹ xem xong và sớm có quyết định cho con mình nhé.

#1. Trẻ từ 5 – 11 tuổi sẽ được tiêm vắc-xin ngừa ‘cô vy’ loại nào?

Loại vắc-xin được tiêm cho trẻ ở nhóm tuổi này do Bộ Y tế phê duyệt là Pfizer và Moderna.

- Đối với vắc-xin Pfizer: Liều lượng tiêm là 10mcg, bằng 1/3 so với liều dùng của người từ 12 tuổi trở lên và không dùng vắc-xin của người lớn để tiêm cho trẻ trong nhóm tuổi này.

- Đối với vắc-xin Moderna: Đặc biệt không tiêm cho trẻ 5 tuổi, chỉ tiêm cho trẻ từ 6 đến 11 tuổi và tiêm cùng loại với người lớn, liều lượng tiêm bằng 1/2 liều của người lớn (tương đương 0,25ml).

Trẻ sẽ được tiêm 2 mũi và mỗi mũi cách nhau 4 tuần. Khác với người lớn, việc tiêm vắc-xin cho trẻ trong nhóm tuổi này sẽ không thực hiện tiêm trộn. Do đó, nếu tiêm mũi 1 loại nào thì sẽ tiêm mũi 2 loại đó.

#2. Trẻ từ 5 – 11 tuổi sẽ được tiêm ở đâu?

Việc lập danh sách, rà soát tiêm chủng sẽ được thực hiện theo các trường học. Tuy nhiên, ngoài trường học, chiến dịch tiêm chủng này còn được mở rộng tại các cơ sở tiêm chủng cố định và điểm lưu động, với mục tiêu phủ rộng vắc-xin đến toàn bộ trẻ trong nhóm tuổi này. Trước mắt sẽ tiêm trước cho trẻ 11 tuổi (lớp 6) rồi đến các cấp độ tuổi thấp hơn tiếp theo.

#3. Sau khi tiêm, nên theo dõi phản ứng của trẻ ra sao?

Tùy theo từng loại vắc-xin mà sẽ xảy ra phản ứng khác nhau với tỷ lệ khác nhau, cụ thể:

- Đối với vắc-xin Pfizer: Đau tại vị trí tiêm (chiếm trên 80%), kiệt sức (chiếm trên 50%), đau đầu (chiếm trên 30%), đỏ và sưng tại vị trí tiêm (chiếm trên 20%), đau cơ và ớn lạnh (chiếm trên 10%).

- Đối với vắc-xin Moderna: Đau tại vị trí tiêm (chiếm 98,4%); mệt mỏi (chiếm 73,1%); đau đầu (chiếm 62,1%); đau cơ (chiếm 35,3%); ớn lạnh (chiếm 34,6%); nôn mửa (chiếm 29,3%); sưng đau ở nách (chiếm 27%); sốt (chiếm 25,7%); ban đỏ tại vị trí tiêm (chiếm 24%); sưng tại vị trí tiêm (chiếm 22,3%); đau khớp (chiếm 21,3%).

Ngoài ra, theo nhiều báo cáo của các nước trên thế giới sau khi đã tiêm vắc-xin ‘cô vy’ cho trẻ, chưa ghi nhận tình trạng phản ứng sau tiêm dẫn đến bệnh viêm cơ tim, viêm mang tim ở cả 2 loại vắc-xin.

#4. Thời gian theo dõi sau tiêm là bao lâu?

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, mẹ cần đi cùng để theo dõi phản ứng của con sau tiêm, đặc biệt là trẻ 5 tuổi. Do đó, sau khi tiêm, mẹ cần ngồi lại theo dõi thêm 30 phút và về nhà tiếp tục theo dõi trong 28 ngày, đặc biệt chú ý trong vòng 7 ngày đầu tiên.

Chỉ khi trẻ có biểu hiện bất thường, nôn, tiêu chảy, tím tái, khó thở, phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái, sốt cao liên tục trên 38,5 độ C, không đáp ứng thuốc hạ sốt thì mẹ cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử lý.

Trong 3 ngày đầu sau khi tiêm, mẹ nên hỗ trợ trẻ 24/24, tránh để trẻ vận động mạnh, làm hại sức khỏe.

#5. Trẻ từng là F0 thì có được tiêm không? Nếu có thì nên là sau bao lâu?

Theo chuyên gia khuyến cáo, trẻ sau khi là F0 được 3 tháng hoặc sớm hơn tùy trường hợp, có thể tiêm vắc-xin phòng bệnh, vì liên quan đến thời gian kháng thể tồn lưu và thời gian trẻ phục hồi sức khỏe.

Thực tế, có nhiều trẻ là F0 lại phục hồi rất nhanh, các dấu hiệu hoàn toàn bình thường. Do đó, mẹ không nên lo lắng, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm cao, việc trì hoãn tiêm chủng cho trẻ có thể dẫn đến những hệ lụy không ngờ tới.

Tuy nhiên, việc khám sàng lọc cho trẻ trước khi tiêm là rất quan trọng, cần phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Đối với trẻ từng là F0 có hội chứng viêm đa cơ quan, nên để trẻ phục hồi hoàn toàn rồi mới tiêm vắc-xin cho trẻ.

#6. Trường hợp nào cần trì hoãn việc tiêm chủng này?

- Trẻ đang có bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển.

- Trẻ gặp các vấn đề khác phải trì hoãn như đang sốt, đang có tình trạng nhiễm trùng, đang trong đợt điều trị, hóa trị ung thư…

- Trẻ bị hội chứng MIS-C.

#7. Trường hợp nào cần thận trọng khi tiêm cho trẻ?

- Trẻ có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào.

- Trẻ từng có rối loạn về tri giác, hành vi, tự kỷ, tăng động giảm chú ý.

Đối với các nhóm trẻ đặc biệt này, gồm trẻ mắc bệnh bẩm sinh mạn tính, khám sàng lọc thấy tim phổi bất thường hoặc có tiền sử phản vệ độ 3, trẻ bị hội chứng MIS-C… thì phải được khám sàng lọc và tiêm tại cơ sở y tế tuyến huyện trở lên. 

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Quân đội Nhân dân và VTV. 

Trên đây là một số thông tin cần thiết, hy vọng sau khi chia sẻ xong, mẹ sẽ sớm có quyết định sáng suốt cho con mình nhé.