Nhận tiền lương qua thẻ ATM không còn xa lạ với đa số người lao động như chị em tụi mình. Không phủ nhận những tiện ích khi sử dụng thẻ này, nhưng có một số điều em muốn chia sẻ để chị em biết mà tránh, đừng để mình mất tiền vì 3 sai lầm cơ bản này.

Bởi xã hội ngày càng phát triển, thì bọn tội phạm nhất là loại công nghệ cao càng tinh vi hơn. Chúng thường dùng một số thủ đoạn mà chúng ta không ngờ tới nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Theo em đọc trên trang Vietnamnet, có 3 sai lầm mà chị em tụi mình thường mắc phải dễ làm mồi cho bọn tội phạm.

#1. Không quan sát khe đọc thẻ có skimmer hay không

Thật ra ngay cả em, hồi trước ít có chú ý điểm này, nhưng sau vài lần đọc báo thấy có vụ mất tiền mới tìm hiểu kỹ. Khe đọc thẻ bình thường nguyên vẹn, nhưng nếu có sự ‘can thiệp’ của tội phạm nó thường bị tháo lắp, sửa chữa.

hình ảnhẢnh: So sánh giữa ATM có skimmer và không có skimmer. Nguồn: Vietnamnet. 

Thông thường các khe đọc thẻ sẽ có mũi tên hướng dẫn, nhưng nếu không thấy rất có thể đó là skimmer. Không chỉ vậy, khe đọc thẻ bình thường sẽ có đèn nhấp nháy để khách dễ quan sát nếu rút tiền vào ban đêm, trong khi đó nếu bị gắn skimmer chồng lên, chỗ đó sẽ che mất đèn nhấp nháy.

Được biết, skimmer là một thiết bị nhỏ gắn bí mật trên cây ATM của bọn tội phạm dùng để đánh cắp thông tin của khách hàng bao gồm thẻ và cả mã PIN. Skimmer thường được thiết kế to hơn khe đút thẻ một chút, được gắn chồng lên khe thẻ thật sự của máy ATM. Khi khách hàng giao dịch, đưa thẻ vào khe, khi đó thẻ cũng đồng thời đi qua skimmer trước rồi đến khe đút thẻ thật của ngân hàng. Lúc này, dữ liệu của khách hàng sử dụng thẻ sẽ bị đánh cắp bằng thiết bị quét dãy từ tính và lưu vào dải băng đen, nâu hoặc xám.

Các skimmer hiện đại có thể dùng vài ngày, lưu trữ hàng trăm ngàn tài khoản ngân hàng, còn sao chép được cả dấu vân tay. Thậm chí nó còn kết nối bluetooth được nên chỉ cần cách 10m là có thể đánh cắp dữ liệu, một số khác còn có thẻ sim, sau khi lấy cắp thông tin chúng sẽ gửi trực tiếp cho bọn tội phạm này.

Vậy nên nếu phát hiện dấu hiệu trên, hoặc có nghi ngờ, không an tâm thì hãy thử kiểm tra các cây ATM lân cận, hoặc tốt nhất đến trực tiếp phòng giao dịch ngân hàng để làm thủ tục rút tiền, hơi mất thời gian nhưng đảm bảo an toàn.

#2. Không quan sát để biết có camera siêu nhỏ gắn trên ATM

Bọn tội phạm thường lắp camera siêu nhỏ trên máy ATM hay bất kỳ chỗ nào hòng quay lén và lấy được mã PIN của khách khi đăng nhập để rút tiền. Vì thế, trước khi thực hiện rút tiền tại ATM, chị em nên quan sát xung quanh xem có camera không, đặc biệt, nếu thấy có chấm nhỏ đen, nhô ra bất thường thì rất có thể chúng là camera siêu nhỏ do bọn tội phạm gắn.

Thậm chí, có trường hợp dùng camera cảm biến nhiệt, nên sau khi nhập xong hết mã PIN, chị em nên vuốt lại lần nữa trên toàn bộ bàn phím. Và để đảm bảo an toàn, hãy lấy tay che lại khi đăng nhập mã PIN để rút tiền nhé.

#3. Không biết có bàn phím giả được gắn chồng lên

Bàn phím giả thường được thiết kế to hơn bàn phím thật của ATM, nguyên lý hoạt động cũng như skimmer đọc thẻ. Khi khách hàng nhập mã PIN thì khi đó bọn tội phạm cũng sao chép và ghi lại được mã PIN đó. Để phát hiện ra điều này, chị em cần xem lại bàn phím có nhô cao bất thường không, nếu thấy bất thường đó có thể là dấu hiệu bị tháo lắp, sửa chữa. Chú ý, nếu các máy ATM và thiết bị khác trên máy đã cũ kỹ mà bàn phím mới toanh thì rất có thể đó là bàn phím giả. Các cạnh của bàn phím giả thường cách xa với bề mặt của máy.

hình ảnh


Ảnh trái: Camera thu nhỏ trên ATM. Ảnh phải: Bàn phím giả được gắn chồng lên bàn phím thật. Nguồn: Vietnamnet. 

Đọc xong em vẫn thấy rút tiền ở các cây ATM có tiện lợi nhưng nhiều nguy hiểm, đó chỉ mới nói tới bọn tội phạm công nghệ cao, còn các bọn tội phạm khác nữa, nên chị em nếu có nhu cầu rút tiền hãy chú ý cẩn thận, tránh mất tiền nhé!

Khi bối cảnh các ca nhiễm mỗi ngày đều tăng, cuộc sống của người dân gặp khó khăn thì mối nghi ngại nhất là phát sinh thêm tội phạm chiếm đoạt tài sản đâu, nên phải cẩn trọng.