Nhiều mẹ bầu nghĩ 3 tháng đầu mới cần cẩn thận nhiều nhưng tháng 7 mới là tháng cần được chú ý kỹ nhất.

Em thường nghe các bà, các mẹ dặn là 3 tháng đầu có thai phải giữ gìn cẩn thận, vì lúc này thai còn nhỏ và yếu, rất dễ sẩy. Nhiều mẹ cũng nghĩ như vậy nên tam cá nguyệt đầu tiên làm gì cũng nhẹ nhàng, đến nỗi đi lại cũng từng bước một thận trọng lắm luôn.

hình ảnh

Ảnh minh họa: Freepik

Đến 3 tháng giữa, khi em bé dần lớn lên và thai nghén cũng giảm triệu chứng hơn, các mẹ lại dễ buông lỏng. Nhưng thai kỳ mà, phải đến khi tận tay ôm con vào lòng, cho con bú no dòng sữa mẹ thì mới gọi là thành công rực rỡ nha các mẹ.

Từ đây, cho đến lúc con chào đời bình an thì trước đó vẫn phải luôn cẩn thận đó các mẹ nha, bởi không chỉ 3 tháng đầu mà lúc mang thai tháng 7 dễ sinh biến chứng. Người nhà và mẹ mang thai phải nhớ chú ý thời gian này mà giữ gìn.

Mẹ bầu 7 tháng nguy cơ sinh non

Chị Lâm (tên nhân vật đã thay đổi) là một ví dụ giải thích vì sao mang thai tháng 7 mẹ bầu vẫn phải thật cẩn thận. 3 tháng đầu chị rất chú ý, lo sẩy thai nên tránh hoàn toàn việc nặng và tập trung nghỉ ngơi, bảo vệ thai nhi.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: timesofindia

Qua thời gian thử thách, nghĩ con đã ổn định, chị bắt đầu thoải mái hơn. Ở tháng thứ 7, thấy buồn tay buồn chân, chị bắt đầu làm việc nhà nhiều hơn. Vốn là người tham công tiếc việc mà lại ở không dưỡng thai theo lời bác sĩ lại càng không yên nên hễ thấy nhà cửa bừa bộn, có chút bụi bẩn chị lại xắn tay áo dọn dẹp. Dọn trong chưa đủ, chị còn quét ngoài, thấy không có gì ghê gớm lại càng sung sức mà táy máy. Một ngày nọ, khi đang xách xô nước ra vườn dội đám bùn sau mưa thì thấy nhói đau ở bụng, máu hồng rỉ giọt.

Chị lúc này mới hoảng hốt, liền nhờ người nhà đưa đi kiểm tra. Bác sĩ nhận thấy đây là dấu hiệu sinh non, nguyên nhân là do vận động quá độ và mang vác vật nặng. Chị phải nằm lại bệnh viện theo dõi một thời gian dài, may sao tình hình sau đó cũng dần cải thiện.

Nghĩ lại một trận nằm bệnh vừa rồi, chị vừa hối hận vừa sợ nên ngoan ngoãn nằm yên dưỡng thai, không ham hố ôm đồn mọi thứ nữa.

Thai tháng thứ 7 dễ sinh nhiều bất ổn

Trên thực tế, mỗi người sẽ có những ý kiến ​​khác nhau về vấn đề này. Nhưng có một điều khẳng định, đó là từ tháng thứ 7 trở đi thai bắt đầu sẽ to nhanh. Không gian trong bụng mẹ sẽ dần thu hẹp, lúc này mẹ cần chú ý hơn khi đếm thai máy.

Bên cạnh đó, từ tháng thứ 7 thì thai nhi dần đi vào tư thế ổn định. Lúc này mẹ nhớ đi khám để kiểm tra vị trí của con. Sớm phát hiện vị trí thai không chính xác thì có thể dễ dàng điều chỉnh sớm ngôi thai cho thuận, sinh nở suôn sẻ.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: parents

Mặc dù có nhiều lý do dẫn đến sinh non nhưng mang thai tháng thứ 7 cần chú ý nhiều hơn. Nếu lúc này bà bầu thường xuyên làm việc quá sức, hoặc không chú ý đến chế độ ăn uống thì càng dễ bị sinh non.

Trong ba tháng cuối của thai kỳ, cử động của người mẹ sẽ ngày càng vụng về, kèm với đó là cảm giác đau lưng, đau vùng "dưới đồi" hoặc đau chân nếu cơ thể hơi mất thăng bằng. Cộng thêm sự khó chịu do bệnh trĩ và táo bón, mẹ sẽ luôn cảm thấy trong người không mấy dễ chịu.

Mang thai tháng 7 bà bầu cần ăn gì?

Mang thai tháng thứ 7 là mẹ đang ở đầu giai đoạn thứ ba của thai kỳ. Lúc này, thai nhi rất cần chất đạm nên mẹ cần chú ý tăng cường bổ sung các nguồn thực phẩm giàu đạm, dầu thực vật nhưng không nên ăn nhiều mỡ động vật. Đây cũng là lúc mẹ dễ bị táo bón nên chế độ ăn nên chọn thực phẩm giàu chất xơ thực vật. Cụ thể, các chất dinh dưỡng mẹ bầu 7 tháng cần tăng cường gồm:

1. Chất đạm

Cần 75-95g mỗi ngày, chủ yếu đạm từ thịt, cá, tôm, đậu và các sản phẩm từ đậu nành; sữa và các sản phẩm từ sữa; trứng và các sản phẩm từ trứng.

2. Chất béo

Chất béo dung nạp vào cơ thể phải với lượng thích hợp và có nguồn gốc từ dầu, sữa, thịt, ngũ cốc và các loại hạt. Để đáp ứng đủ nhu cầu, trung bình cần 400-450g ngũ cốc mỗi ngày; khoảng 25g dầu thực vật và khoảng 60g chất béo mỗi ngày. Lưu ý lượng chất béo này nên được điều chỉnh tùy theo mức tăng cân của mỗi bà bầu.

3. Chất xơ

Cần 20-30g/ngày, chủ yếu từ ngũ cốc, các loại đậu, các loại rau xanh thẫm, khoai tây và trái cây. Mẹ bầu có thể ăn bánh mì nguyên cám, bánh quy nguyên cám, lúa mì, khoai lang và các món ăn nhẹ khác được dùng như bữa phụ trong ngày để bổ sung thêm chất xơ.

4. Vitamin C

Cần 130mg/ngày, chủ yếu từ rau và trái cây. Việc bổ sung vitamin C có thể thúc đẩy quá trình hấp thụ sắt, đồng thời điều trị chứng thiếu máu trong thai kỳ.

5. Chất sắt

Cần 25mg/ngày chất sắt mỗi ngày chủ yếu từ gan động vật, thịt nạc, các loại hạt, trứng, đậu và trái cây. Cần nhớ axit phytic, axit oxalic, chất xơ trong thực vật, trà và cà phê, protein trong sữa sẽ ức chế sự hấp thu chất sắt, vì vậy khi bổ sung phải ăn riêng từng món.

Tóm lại, phụ nữ mang thai 7 tháng dễ biến chứng, cũng là giai đoạn bất ổn nhất nên cần phải quan tâm không thua kém gì 3 tháng đầu tiên. Mẹ nhất định phải nhớ đi khám đầy đủ, đúng hẹn; ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết đáp ứng nhu cầu cơ thể cần. Bên cạnh đó, mẹ mang thai cần giữ tinh thần lạc quan để tránh ảnh hưởng đến thai nhi và dọa sinh non.