Mấy bữa trên mạng xã hội rần rần về status chia sẻ của một bạn nào đó về thu nhập của cử nhân ra trường đi làm được 5 năm và thu nhập của cô bán hủ tiếu vỉa hè.

>>> Chê ở chung cư bất tiện nên mua nhà đất ngoại thành: 7 năm mẹ vất vả vì chọn sai

Ai bảo đi học là sướng chứ mình thấy áp lực, nhất là nhiều gia đình có cha mẹ kỳ vọng quá nhiều vào đứa con. Bán trâu bò, ruộng vườn ở quê cho con đi học, vậy mà ra trường đi làm lương có 5-6 triệu, làm mấy năm trời mới lên tới mức mười mấy triệu.

Có bà mẹ la làng, công tình cho con cái đi học, giờ ra trường đi làm lương thua người bán hủ tiếu ngoài đường, rồi nhiều bạn trẻ cứ nghe vậy, lần theo suy nghĩ đó đâm ra nản lòng, nghĩ không biết mình học Đại học có ý nghĩa gì không?

hình ảnh


Ảnh: Nhiều người chạnh lòng vì thu nhập không bằng một cô bán hủ tiếu. Nguồn: Vietnamnet. 

Bởi bạn ấy so sánh thế này nè các mẹ. Cô bán hủ tiếu mỗi ngày bán được 80 tô, mỗi tô cô bán với giá 30.000 đồng, và lời 10.000 đồng mỗi tô. Vì thế mà thu nhập mỗi ngày sau khi trừ chi phí cô được 800 ngàn đồng, tính ra cả tháng thu nhập của cô là 24 triệu đồng. Còn mấy bạn trẻ học Đại học có bằng tốt nghiệp hẳn hoi, mới đầu ra trường đi làm lương chỉ 5-6 triệu đồng, sau 5 năm đi làm thì lương chỉ tầm 12 triệu đồng. Theo lối mòn suy nghĩ đó không biết đến khi nào mới có thu nhập khủng để mua nhà, sở hữu xe sang như cô bán hủ tiếu hay anh bán bánh mì…

Nhưng sự so sánh này là khập khiễng và chỉ mang tính phiến diện khi mỗi người chỉ thấy phần nổi chứ không hề thấy những cố gắng, nỗ lực đằng sau đó các mẹ ạ.

Đây nè mẹ nha.

Thứ nhất, ai mất nhiều thời gian làm việc hơn?

Mẹ cứ thử nghĩ với cử nhân Đại học đi làm, mỗi ngày bỏ ra bao nhiêu tiếng đồng hồ để làm việc, sáng dậy lúc mấy giờ, bắt đầu làm việc khi nào và kết thúc sau bao lâu. Thông thường mọi người cứ tự ước lượng thời gian trung bình cho mỗi ngày làm việc của mình là 8 tiếng đồng hồ. 1 tháng chỉ có 26 ngày làm việc đối với trường hợp chỉ được nghỉ ngày Chủ nhật và có 22 ngày làm việc đối với trường hợp được nghỉ cả ngày thứ Bảy và Chủ nhật.

hình ảnh


Ảnh: Tình huống cử nhân ra trường đi làm 10 năm thu nhập không bằng cô bán hủ tiêu được chia sẻ chóng mặt trên nhiều diễn đàn. Nguồn: Ảnh chụp lại màn hình. 

Trong khi đó, nhìn thấy cô bán hủ tiếu ngoài vỉa hè có thể chỉ bán một buổi sáng, hoặc buổi chiều tối nhưng đâu phải chỉ nhiêu đó thời gian. Trước đó cô còn phải đi chợ chọn mua thực phẩm, rồi sơ chế các thức và nấu nước lèo. Xong xuôi mới trưng ra bán được, bán xong hết rồi thì lại mất thời gian để dọn dẹp, rửa chén bát và các dụng cụ nấu nướng… Thế là hết ngày. Trung bình một ngày có thể họ mất nhiều hơn 8 tiếng cho việc chuẩn bị, bán và dọn dẹp.

Thứ hai, về số tiền thu và các khoản khi gặp rủi ro khi không làm việc

Như kết quả ước tính bên trên, đó là ở mức lý tưởng. Nhưng bán buôn mà đâu phải lúc nào cũng được đắt khách đâu, có ngày đắt, ngày ế, ngày làm không đủ bán còn ngày ngược lại. Cho nên thu nhập đâu phải lúc nào cũng ổn định như vậy. Trong khi đó, với cử nhân Đại học đi làm, lương cứ đều đều mỗi tháng, có khi tăng do thưởng hoặc tăng ca chẳng hạn, chứ ít khi giảm.

Rồi chưa kể mấy ngày mưa bão, là mấy người buôn bán bao buồn, vì khách họ thường ít hơn. Còn cử nhân Đại học, mưa nắng gì cũng đi làm, lương cứ đều đều mỗi tháng chuyển vào tài khoản.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: VnExpress. 

Mấy lúc bệnh hoạn, ốm đau không dậy nổi để bán thì ngày đó xem như không có thu nhập, trong khi cử nhân đi làm thì khác, vì mỗi tháng có trích đóng các khoản BHXH, BHYT, BHTN, cho nên lương vẫn được trả nếu chọn hưởng theo chế độ ngày phép (được nghỉ hưởng nguyên lương), hoặc ít hơn một chút nếu chọn nghỉ theo chế độ BHXH (ốm đau là được 75% ngày lương đóng BHXH).

Thậm chí khi sinh nở, nghỉ liên tục 6 tháng lương vẫn có đủ tiền lương do được BHXH chi trả theo chế độ thai sản, còn thất nghiệp thì được hưởng 60% lương tháng đóng BHXH, và sau này về hưu cũng có tiền.

Trong khi đó với cô bán hủ tiếu, không được đóng các khoản phúc lợi đó, do vậy, khi ốm đau, sinh con, thất nghiệp hay là về hưu, các chế độ đều không có. Họ phải tự thân tích lũy và phải tự tham gia các khoản bảo hiểm thì may về sau mới có các chế độ hỗ trợ khi bệnh tật, ốm đau, sinh nở hay về hưu.

So sánh nhiêu đây mẹ đã thấy được ai vất vả hơn chưa?

Có ý kiến cho rằng, việc so sánh này còn ngụ ý coi thường những người làm nghề lao động chân tay và không có sự tôn trọng đối với họ. Chính vì vậy mà nhiều bạn trẻ bắt đầu có tư duy lệch lạc và thật đáng buồn là họ mau chóng tìm đến con đường kiếm tiền nhanh chóng thay vì đầu tư cho việc học.

Mỗi ngành nghề, công việc đều có sự vất vả khác nhau và cho kết quả khác nhau. Không thể so sánh thu nhập của cô bán hủ tiếu với cử nhân Đại học được vì không cùng hệ quy chiếu, bởi những điểm khác biệt về thời gian, công sức họ bỏ ra, có cả các quyền lợi khác nữa.

hình ảnh


Ảnh trái: Tình huống cử nhân ra trường đi làm 10 năm thu nhập không bằng cô bán hủ tiêu được chia sẻ chóng mặt trên nhiều diễn đàn. Nguồn: Chụp lại màn hình. Ảnh phải: Ảnh minh họa. Nguồn: Pixabay. 

Mẹ nên nhớ đầu tư cho giáo dục là con đường chậm, nhưng không bao giờ sai lầm và lãng phí.

Nhiều người lấy thước đo người đó làm ra được bao nhiêu tiền để đo sự thành công. Ở đâu đó vẫn có những bạn trẻ với tư tưởng học hết cấp 3 sẽ đi xuất khẩu lao động cho nhàn hạ và lương cao, vì nghĩ tới thước đo lợi nhuận trước mắt thu được. So sánh như vậy khiến nhiều bạn trẻ nỗ lực phấn đấu học thi để chen chân vào cửa Đại học và quyết lấy được tấm bằng cử nhân cũng phải chùn bước, nản lòng.

Đó chỉ là so sánh nông cạn, thấy lợi trước mắt mà quên cái hậu về sau. Mẹ cần hiểu rằng học tập không phải là con đường nhanh nhất để thoát nghèo nhưng nó mở ra nhiều cơ hội để phát triển bản thân và thành công. “Có bột mới gột nên hồ”, việc học phải thực hiện nghiêm túc mới mang lại khởi đầu tốt đẹp và mở ra nhiều mối quan hệ lẫn kiến thức hơn cho tương lai. Nhưng nói thế không phải chê những người lao động phổ thông vì để đạt mức thu nhập mong muốn, họ phải tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm và làm nhiều để trau dồi tay nghề, chứ cứ nhìn phần nổi để so sánh rồi cho là bất công, ngờ vực và cổ súy cho lối suy nghĩ thà buôn bán nhỏ lẻ còn giàu hơn cố gắng học hành.

Cuối cùng, dù theo con đường nào mà bản thân không có sự cố gắng, không có mục tiêu và lý tưởng thì cũng chẳng thể thành công.

Cứ giữ tư tưởng làm tàn tàn, mỗi ngày vô ra công ty đúng giờ, quy định 8 tiếng nhưng chỉ làm 5-6 tiếng, còn lại ăn cắp giờ công ty để lướt báo, chat chit, mua hàng online, làm việc riêng khác rồi đến tháng nhận lương thì có làm bao nhiêu năm vẫn sẽ như vậy, khó có thể hơn được cô bán hủ tiếu ngoài vỉa hè, nên đừng than thở, ỉ ôi trên mạng mẹ nha. Nên nhớ, trên con đường thành công, không có dấu chân của kẻ lười biếng. Nhìn quãng thời gian dài hạn, mẹ sẽ thấy nếu có học hành đàng hoàng, tới nơi tới chốn thì vẫn hơn các mẹ ạ. Đầu tư cho giáo dục là đầu mối đầu tư sinh lời lâu hơn nhưng không bao giờ sai lầm và lãng phí.

Vậy nên đừng so sánh khập khiễng nữa. Mỗi người mỗi con đường riêng, hãy nỗ lực, cố gắng để đi trên con đường mình đã chọn.

Với tư cách là người mẹ, đừng chỉ nên nhìn bề nổi rồi gây áp lực với con cái mẹ nha.