Tiền thì ai cũng cần để nuôi sống bản thân và gia đình nhưng kiếm tiền trên xác của người đã khuất thì đúng là thất đức quá bà con ạ.

>>> TP.HCM hỗ trợ toàn bộ chi phí lo hậu sự cho người nhiễm bệnh qua đời: 17 triệu/trường hợp

Tình hình ‘cô vi’ vẫn chưa yên ổn mà thấy đâu đó trong xã hội cứ xuất hiện những hình ảnh xấu xí này. Trong lúc khó khăn bà con đùm bọc nương nhau mà sống thì lại có kẻ cơ hội trục lợi để kiếm tiền thì hành vi này thật đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm mới được.

Theo tin em đọc được trên báo Thanh Niên sáng nay, qua thời gian theo dõi điều tra sau khi nghe phản ánh của người dân và báo chí, tối hôm qua ngày 11/8/2021, Công an quận Bình Tân, TP.HCM đã tạm giữ nhóm 8 người thường xuyên tập trung tổ chức 'sang nhượng' quan tài để mang đi hỏa táng ở Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để xử lý.

hình ảnhẢnh: Ngang nhiên sang nhượng quan tài trước khu vực trung tâm hỏa táng, quận Bình Tân, TP.HCM. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Qua điều tra ban đầu, lợi dụng việc nhiều xe cấp cứu, xe chở quan tài đến hỏa táng ở Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa, nhóm này đã móc nối hoạt động để trục lợi suốt nhiều ngày, trước khi bị Công an tạm giữ. Bước đầu, nhóm này thừa nhận đã có hành vi chen lấn, cãi cọ khi xếp tài móc nối để thu lợi từ 1 đến 1,5 triệu đồng. Công an cho biết vẫn đang tiếp tục điều tra và làm rõ.

Được biết vụ việc này xảy ra khi những ngày qua, lượng xe chở thi hài về Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa rất đông, đã có nhóm người túc trực mở dịch vụ ‘sang nhượng’ xác đi hỏa táng. Đáng nói là nhóm này sử dụng xe cấp cứu, xe tải chở 1 – 2 quan tài rồi bốc số thứ tự theo quy định của Trung tâm chờ tới lượt vào lò hỏa táng cả ngày lẫn đêm. Nhưng sau đó nhóm này đã sang quan tài qua xe có tài trước, mỗi xe chất nhiều cái. Chính vì vậy đã khiến không ít tài xế đến sau phải xếp hàng đợi cả ngày trời mới tới lượt.

Nghe kể, lúc xe của nhóm này hoạt động hết công suất thì họ sẽ rảo khắp nghĩa trang, nơi các xe đang đậu chờ tới lượt vào lò hỏa táng nếu phát hiện xe nào dư chỗ thì nhóm này sẽ bắt chuyện rồi đề nghị chở thêm quan tài với giá 1,5 đến 2 triệu đồng/cái tùy kích cỡ, để hỏa táng trước. Thêm nữa, nhóm này còn điều nhiều xe đến xếp hàng, kể cả bắt tay với một số tài xế như muốn thao túng lượng xe vào lò hỏa táng. Có lúc xe của họ còn cố tình chen lấn để giành lượt xếp hàng của xe khác.

Đã có tài xế bức xúc vì trước nỗi mất mát của nhiều gia đình và do tình hình ‘cô vi’ nên không có thân nhân theo xe đến lò hỏa táng mới xảy ra nạn ‘sang nhượng’ xác của người đã khuất như thế này. Vì thế mà gần đây, Trung tâm hỏa táng đã thêm quy định là mỗi xe chỉ được chở tối đa 5 quan tài.

Cùng thời điểm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết đã nắm bắt được sự việc này nên sẽ quán triệt với Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa để chấn chỉnh lại tình trạng nêu trên.

Em biết bà con nào rơi vào hoàn cảnh có người thân qua đời vì ‘cô vi’ đọc xong tin này sẽ rất phẫn nộ và mong cơ quan chức năng vào cuộc xử lý mạnh tay. Có người còn thắc mắc rằng liệu hành vi của nhóm này sẽ bị xử lý ra sao?

Theo Công an quận Bình Tân, TP.HCM thì họ cần thêm chứng cứ để xử lý, trước mắt họ nhận định rằng hành vi này tương tự với “cò” hoạt động ở bệnh viện.

hình ảnh


Ảnh trái: Nhóm sang nhượng quan tài đi hỏa táng tập trung ở phía đối diện cổng chính của trung tâm hỏa táng. Ảnh phải: Một thành viên trong nhóm có hoạt động bát nháo ở Trung tâm hỏa táng Bình Hưng Hòa. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

Vụ việc này cần phải điều tra và làm rõ rằng hành vi trao đổi giữa tài xế và ‘cò’ là thỏa thuận hay là sự đe dọa, ép buộc hay uy hiếp tinh thần để thực hiện. Yếu tố này quan trọng và quyết định các đối tượng sẽ bị phạt hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nếu có sự ép buộc bằng hành vi đe dọa hoặc thủ đoạn khác nhằm uy hiếp tinh thần thì có thể xem đây là hành vi cưỡng đoạt tài sản và bị xử lý theo Điều 170 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với mức phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trong trường hợp đây là sự thỏa thuận, bên tài xế chấp nhận đưa khoản tiền cho ‘cò’ để có lượt đưa quan tài đi hỏa táng sớm hơn, hoàn toàn không có sự ép buộc nào thì tương tự như hành vi ‘cò’ bệnh viện như Công an nhận định sơ bộ trước đó chỉ bị phạt hành chính theo Nghị định 167 với mức phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng.

Như vụ ‘cò mồi’ ở bệnh viện, một số người lý giải rằng có lẽ vì mức phạt quá nhẹ nên hành vi này cứ tái đi tái lại vì họ cho rằng cứ làm rồi bị tạm giữ, xử phạt và thả ra, cứ như thế mà họ vẫn ngang nhiên hoạt động. Chỉ khuyên bà con cần phải cẩn trọng trước lời chiêu dụ để không mất tiền oan uổng.