Em để ý hình như năm nào cũng có vụ bể hụi xảy ra, người mất tiền, còn có kẻ "xộ khám". Vậy đó mà sao nhiều người vẫn có niềm tin vô bờ bến vào đường dây hụi nhỉ?!

Thời gian qua em từng chia sẻ với bà con biết bao vụ bể hụi rồi chủ hụi bị bắt, nhưng có lẽ vụ việc em sắp kể ra đây, theo bài đăng trên báo Tuổi trẻ em đọc có lẽ là vụ gây thiệt hại nhiều nhất.

Trước đó bà Phạm Thị N., 54 tuổi, ngụ Nam Định đã tạo được niềm tin của nhiều người nên đứng ra làm chủ hụi. Bà lập đường dây hụi thu góp của bà con ở các xã Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy thuộc tỉnh này. Thời gian đầu bà thanh toán sòng phẳng lắm, nên ai nấy đều tin.

hình ảnh


Ảnh: Công an tỉnh Nam Định điều tra làm rõ vụ lập đường dây hụi không có thật nhằm chiếm đoạt 21 tỷ và 889 chỉ vàng (Ảnh minh họa). Nguồn: Vietnamnet. 

Lâu dần mọi người tin tưởng hơn nên gom góp nộp cho bà số tiền nhiều hơn, lên đến cả tỷ bạc mỗi người. Đến một ngày nọ, bà N. không cân đối được khoản thu chi nên không thể thanh toán các đường dây hụi, khiến các con hụi lao đao.

Qua quá trình điều tra mới biết, bà cứ xoay dòng tiền và để có đủ khoản trả nợ và lãi cho các con hụi khi đến hạn, bà đã tự dựng lên nhiều dây hụi không có thật nhằm thu tiền cùng vàng của đông đảo bà con với tổng là 21 tỷ đồng cùng 89 cây vàng.

Đến ngày 28/9/2022, bà N. bị Công an tỉnh Nam Định bắt giam với quyết định khởi tố về hành vi gạt người nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 4 Điều 174 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào có hành vi này nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá trên 500 triệu đồng sẽ bị phạt ‘ủ tờ’ từ 12 năm đến 20 năm, hoặc chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn phải bị áp dụng hình phạt bổ sung là nộp phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đồng thời buộc trả lại số tài sản đã chiếm đoạt cho các bị hại.

Trong trường hợp các bị hại có yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản, tùy vào giá trị tài sản bị thiệt hại chứng minh được, người phạm tội phải chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của Bộ luật dân sự. Tuy nhiên, nếu hai bên có thể thỏa thuận thương lượng được vấn đề này thì không cần phải đưa ra Tòa giải quyết, còn nếu ngược lại thì buộc phải đưa nhau ra Tòa giải quyết dùm.

Dù gì đi nữa, biết là vụ việc sẽ được giải quyết đấy, nhưng từ lúc khởi tố vụ án, bắt giam người phạm tội đến điều tra và đưa vụ án ra xét xử cùng với việc trả lại tài sản đã chiếm đoạt và bồi thường tiền (nếu có) sẽ rất lâu và mất nhiều thời gian, có khi khiến bị hại nản lòng bỏ cuộc.

hình ảnhẢnh: Bị can Phạm Thị N. (áo màu xanh, bên trái) tại Cơ quan Điều tra. Nguồn: Zing News. 

Vì vậy, tốt nhất là bà con nên cẩn thận, đề phòng đừng tham gia vào các đường dây hụi hiện nay. Tuy pháp luật cho phép việc lập ra hụi nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân nhưng bây giờ có vẻ như các đường dây hụi đã biến tướng đi nhiều khiến người thiệt thòi nhất là các con hụi khi hụi bị vỡ, chủ hụi ôm tiền bỏ trốn.

Đọc xong vụ án này, có bạn đọc nọ kể rằng cứ vài ba năm ở quê bạn lại xảy ra vụ tương tự, chiêu thức ban đầu thường là các chủ hụi hay khoe mẽ, tỏ vẻ mình là người giàu có, nhiều tiền nhưng thực chất là đó không phải là tiền của họ, để chiếm lòng tin của nhiều người. Thấy thế nên nhiều người tin tưởng gom góp tiền đổ mồ hôi sôi nước mắt có được, thậm chí là cả tiền dành dụm rồi bỗng một ngày chủ hụi đột nhiên biến mất khiến các con hụi mất trắng có khi lại ôm thêm nợ nần. Vậy đấy mà một vòng lẩn quẩn cứ xảy ra hoài không biết khi nào mới thôi.