Tình hình là vật giá mọi thứ leo thang, trong khi lương bổng chẳng thấy tăng. Cho nên nhà nhà, người người đều tính đến chuyện tiết kiệm và gia đình ông hàng xóm em cũng không ngoại lệ.

Vốn sở hữu lô đất ở vị trí đắc địa, ông hàng xóm em cho thuê nào là quán café, nào là các sạp bán hàng. Mỗi tháng chỉ tính tiền cho thuê mặt bằng thôi, ông dư sức nuôi cả nhà và thuê cả cô giúp việc nữa. Ấy vậy mà đại dịch vừa rồi ập tới, ông cũng phải tính đến chuyện tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu để đảm bảo ngân sách gia đình.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Unplash. 

Một ngày nọ, ông quyết định thông báo với cả nhà rằng, từ nay tất cả phải thực hiện chiến dịch ‘siêu tiết kiệm’. Nhà có người già, trung niên và trẻ nhỏ nên vấn đề dinh dưỡng là vô cùng quan trọng, do đó chi phí cho việc ăn uống vẫn giữ nguyên. Thay vào đó ông sẽ cắt giảm triệt để vấn đề sử dụng năng lượng.

Kể từ đó, trừ tủ lạnh và tivi ra, các loại máy móc còn lại trong nhà đều bị ngắt điện vô thời hạn. Đặc biệt nhất là chiếc máy lạnh cũng đã được gỡ xuống rồi cất vào tủ cho an toàn. Còn bình nước nóng lạnh cũng đang được rao thanh lý. Vì nhà bếp sẵn than nên cứ cần nước nóng là có ngay. Bồn tắm vòi sen cũng cắt luôn vì máy bơm nước cũng sẽ được ‘cho nghỉ’ vô thời hạn. Ai muốn dùng cứ chịu khó múc nước ở bể ngầm mà dùng, vừa tiết kiệm lại vừa khỏe người.

Tiếp đến, ông thực hiện các chính sách: ăn trưa không mở đèn, thanh lý bàn ủi để khỏi ủi đồ, thanh lyy1 luôn cả máy tính để thằng con khỏi chơi game... Bất kỳ máy móc nào trừ tủ lạnh và tivi, tốn điện đều phải bị ngắt hết. Rồi ông dẫn chứng ngày xưa các cụ đâu có điện để xài vẫn sống khỏe ngày qua ngày đấy thôi.

Ai nấy đều ỉu xìu khi nghe ông Bốn "thông báo" các quy định mới trong nhà, dù muốn hay không cũng phải làm theo trong tư thế miễn cưỡng.

Sau vài ngày thực hiện chiến dịch, có vẻ như mọi người bắt đầu quen dần. Đến ngày cuối tháng, ‘chốt sổ’, người giúp việc báo cáo với ông Bốn rằng tiền điện tháng này chỉ có 300.000 đồng thôi. Mới nghe tới đây, ông Bốn mừng lắm vì nghĩ rằng cách của mình có hiệu quả.

Nhưng cô giúp việc kể thêm ông mới giật mình rằng, thiệt hại và chi phí cho tháng này tăng gấp 3 lần so với trước vì từ máy lạnh, máy tính đến các bóng đèn ‘rủ nhau’ hư nên thành ra vợ ông đã gọi mang đi sửa. Đến nơi người sửa bảo tiền sửa còn tốn nhiều hơn tiền mua mới nên đành phải mang về. Chưa kể, con của ông Bốn và 2 đứa cháu đang đi bệnh viện đo mắt vì lên độ do cứ phải học trong bóng tối. Tổng thiệt hại tính đến nay gần 50 triệu.

Đến khúc này, mặt ông Bốn biến sắc, còn vợ con và cháu ông cười hả hê. Nhất là bà vợ của ông bĩu môi bảo rằng tháng này coi như siêu thiệt hại chứ siêu tiết kiệm cái nỗi gì.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Pexels và Pixabay. 

Em kể ra đây để mọi người thấy rằng tiết kiệm quá không phải là tốt đâu, cần phải tính toán cách làm một cách hợp lý với thực tế, nếu không thiệt hại nhiều lại còn tốn kém hơn nữa đấy. Hy vọng câu chuyện này sẽ là bài học cho các gia đình trong việc thực hiện chiến dịch ‘siêu tiết kiệm’ trong thời buổi kinh tế khó khăn này nhé.