Từ ước muốn ban đầu là có hoa quả sạch cho con, chị Thu Hương không ngờ vườn dâu tây trên sân thượng 70 m2 mang về thu nhập 20-30 triệu đồng mỗi tháng.

Sân thượng tầng bốn với 500 chậu và hàng nghìn cây giống dâu tây là nơi khởi nghiệp của chị Thu Hương, 30 tuổi ở thị xã Phúc Yên. Vốn là chỉ ở nhà nội trợ, năm 2018 chị bắt đầu trồng dâu khi đang sống ở Hà Nội. "Hồi đó sinh con thứ hai xong, tôi rảnh rỗi nên hay lên mạng. Nhìn những bức ảnh dâu tây chín mọng tôi không kìm lòng được nên mua về trồng thử", chị kể.

Ban đầu, chị Hương mua vài chậu nhựa, trồng ở ban công nhà mẹ đẻ. Chưa từng trồng trọt, Hương không biết cách chọn giống, cũng chẳng rõ chăm sóc cây thế nào đúng kỹ thuật. Nhiều lần chị mất tiền oan vì mua phải giống kém chất lượng hoặc trộn đất trồng (giá thể) không đúng.

Theo chị Hương, dâu tây là loại cây khá "đỏng đảnh". Muốn trồng thành công phải trộn giá thể đúng công thức và nắm được bệnh cơ bản trên cây để xử lý. Giá thể gồm đất tơi xốp và các loại phân hữu cơ (phân bò hoai, phân trùn quế, phân vi sinh...với tỷ lệ không quá 20%). Cây thường mắc những bệnh như trĩ, rệp, nhện, nấm... nên được xử lý bằng cách phun các dòng thuốc sinh học, phun nước rửa lá.

Dâu tây cần trồng ngoài trời không có mái che do cần ánh sáng trực tiếp. Mùa hè nắng gắt có thể căng lưới mỏng.

"Trồng dâu là cả một quá trình, hàng ngày bạn phải luôn không ngừng học hỏi tìm tòi, kiên trì thì mới thành công. Tôi đã trải qua rất nhiều lần từng chỉ muốn vứt đi cho xong nhưng vẫn không nỡ", chị nói.

Trong hai năm trồng dâu ở Hà Nội, chị chuyển nhà hai lần, lần nào cũng khuân đủ 60 chậu dâu theo. Nhờ học hỏi kinh nghiệm trên mạng và thực hành nhiều, chị Thu Hương dần làm chủ được kỹ thuật.

Nguồn: Chia sẻ tiền và cuộc sống

hình ảnh