Giống như một cơn bão lớn, Cô Vy càn quét tới nước ta và vẫn đang để lại nhiều thiệt hại nặng nề. Nhất là với những phận nghèo, họ mải miết loay hoay để tìm cách thoát ra, khắc phục.

Hơn 4 tháng dịch bùng phát, vợ chồng bà Phạm Thị Th. (52 tuổi, ngụ TP. HCM) sống tạm bợ tại gầm cầu Kênh 1 (TP. Thủ Đức). Con đường dẫn xuống nơi vợ chồng bà Th. sống tạm um tùm cỏ dại, khi đi lại cũng phải nhẹ nhàng vì nếu lỡ đụng trúng cây ven đường thì cả đàn ong bay ra "cắn sưng mặt".

Bà Th. cho biết, vì không có tiền thuê trọ nên trước dịch vợ chồng ông bà ở nhờ nhà trọ của con trai. Khi giãn cách, hai người nương nhờ dưới gầm cầu Kênh 1. Chưa bao giờ bà Th. nghĩ cuộc đời phải sống trong hoàn cảnh như vậy ròng rã gần 4 tháng trời.

"Không có điện nên chồng tôi đi bẻ củi về nấu cơm, không có nước nên lấy nước mưa chảy từ ống cống dưới gầm cầu để tắm. Dị ứng, ngứa ngáy, kém vệ sinh nhưng được cái không khí trong lành và may mắn không bị nhiễm Covid-19", bà Th. kể.

Do khu vực gầm cầu ẩm thấp, nhiều vũng nước đọng nên có rất nhiều muỗi, chuột. Chừng đó thời gian, vợ chồng bà sống nhờ vào ít gạo từ chính quyền địa phương và một "cô đi xe hơi" tốt bụng nào đó gửi tặng. Dù chỉ ăn cơm với muối, nước tương và rau muống dại mọc ven cầu sống qua ngày, vợ chồng bà cũng thấy ấm lòng.

hình ảnh

Bà Th. tâm sự đã 4 tháng sống dưới gầm cầu (Ảnh: Dân Trí)

Gọi là vợ chồng trong đời sống thực tế, còn về pháp lý, 2 người chưa từng đăng ký kết hôn. Khoảng 8 năm trước, ông bà đi làm thuê gặp nhau rồi "về ở với nhau chứ có cưới hỏi gì đâu". Do cả 2 đều có hoàn cảnh khó khăn nên nương tựa nhau sống qua ngày bằng nghề bán nước ngọt, cà phê ở ven đường. Dù nghèo khó nhưng vợ chồng ông bà vẫn luôn lạc quan và rất hiếm khi xảy ra xô xát.

Theo bà Th., sống dưới gầm cầu dù không đảm bảo vệ sinh nhưng thông thoáng. "Con gái đã lập gia đình nhưng hoàn cảnh cũng khó khăn, con trai đã 30 tuổi nhưng làm lao động tự do nên bữa đói bữa no, mướn nhà trọ hết 1,8 triệu đồng/tháng chưa kể điện nước. Tiền nhà cũng chiếm hết cả tháng lương của nó. Nó khổ lắm, tôi làm mẹ thì nhờ vả sao cho đặng", bà Th. tâm sự.

Mỗi ngày, bà Th. bán nước ven đường để mưu sinh. Từ khi thành phố nới lỏng giãn cách, vợ chồng bà đã quay trở lại với công việc bán nước. Mỗi ngày, bà đẩy xe ra bán từ 8h sáng đến khi trời tối mịt. Từ ngày được "lên bờ" buôn bán lại, bà Th. mừng lắm nhưng cũng chạnh lòng vì ế ẩm.

"Xe qua lại nhiều nhưng hiếm ai ghé lại. Lúc trước ngày bán được 200.000-300.000 đồng, nay giảm xuống chưa tới 100.000 đồng, trừ tiền vốn ra thì không đủ ăn. Ăn uống sáng giờ tiết kiệm lắm cũng hết 30.000 đồng rồi", người phụ nữ 52 tuổi rầu rĩ.

Thấy mẹ quá cực khổ, con trai bà Th. đã khuyên bà tối về phòng trọ của mình nghỉ ngơi. Dù vậy, bà Th. cho biết ở chung với con có nhiều bất tiện và không muốn làm gánh nặng cho con. Bà cầu mong công việc buôn bán thuận lợi để có tiền mướn nhà trọ ở riêng.

Đã 30 tuổi, anh Nguyễn Văn T., con bà Thu vẫn chưa dám cưới vợ. Phần vì không có tiền bạc, phần vì anh muốn lo cho mẹ. "Nó cưới vợ chẳng lẽ tôi lấy mấy lốc nước ngọt làm quà?", bà Th. nghẹn ngào.

hình ảnhKhông muốn nhờ con, bà Th. cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn (Ảnh: Dân Trí)

Có lẽ nếu chỉ nhìn bề nổi, hẳn nhiều người sẽ lắc đầu chép miệng khi thấy một cặp vợ chồng sống dưới chân cầu. Ai cũng sẽ hỏi: “con cháu bà đâu” hay “người thân họ hàng đâu, sao lại ra nông nỗi này”. Thế nhưng,lặng nghe tâm sự của bà Th., chúng ta mới hiểu thế nào là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”.

Dẫu biết cha mẹ sinh con, ai cũng mong tuổi già sẽ được tuổi trẻ giúp đỡ, nhưng khi chứng kiến máu mủ của mình quá khó khăn, họ không đành lòng dựa dẫm. Không phải vì họ tự ái cao mà bởi họ nghĩ mình không nên là gánh nặng khi tay chân còn lành lặn, còn có sức lao động kiếm ra đồng tiền.

Riêng với hoàn cảnh của bà Th., con cái chẳng hề ích kỷ. Nhất là anh con trai đã nhiều lần động viên mẹ về sống với mình. Nhưng với một người mẹ đã đi bước nữa, thật khó để gật đầu, bởi bà còn có một người chồng chưa hôn thú. Nếu tách ra thì chẳng thể gọi nhau hai tiếng bạn đời, nhưng nếu gộp chung thì giữa con riêng và bố dượng đôi khi dễ xích mích.

Vậy là cực chẳng đã, họ phải ra riêng. Ngày trước khi còn kiếm được chút tiền, hai vợ chồng còn có thể thuê phòng trọ, nhưng dịch dã ập tới khiến họ trở tay không kịp, trở thành hai kẻ vô gia cư rồi rủ nhau sống dưới chân cầu - nơi tối tăm, ẩm thấp và nhiều côn trùng nguy hiểm.

hình ảnh

Nhiều người nghèo vẫn đang loay hoay trở lại với cuộc sống bình thường mới (Ảnh: Dân Trí)

Một lần nữa, hoàn cảnh của gia đình bà Th. khiến xã hội trăn trở, làm sao để dân mình có một mức sống tốt hơn, có được đảm bảo về an sinh xã hội. Ngẫm mà thương lắm cho những phận nghèo, những người bỏ quê lên phố thị mong một cơ hội kiếm tiền nhưng thực tế lại quá tàn nhẫn.

Đến với Sài Gòn, mới thấy có nhiều phận đời đa màu sắc. Mỗi người có một câu chuyện, một hoàn cảnh, và đằng sau gánh nặng oằn trĩu về miếng cơm, manh áo là những nỗi niềm mông lung khi nghĩ về ngày mai. Họ, đều là những người vô cùng nghèo, nhưng vẫn lạc quan và kiên định trước mọi bão giông.

Nhìn họ, chúng ta hãy cảm thấy may mắn nếu còn có chăn ấm nệm êm, có bữa cơm đàng hoàng tử tế. Và hãy biết trân quý đồng tiền, đừng ăn chơi cho đến cạn kiệt, mà hãy làm khi lành để dành khi đau. Sau cùng, nếu có thể san sẻ, giúp đỡ cho những mảnh đời nghèo khó, xin mọi người đừng chần chừ e ngại, của ít lòng nhiều, lá rách ít đùm lá rách, để cuộc sống này có thêm gam màu tươi sáng hơn.

Nguồn: Dân Trí