Sau ngày ông công ông táo, phố xá ngoài kia cũng bắt đầu tưng bừng, hối hả, đất trời, vạn vật nở hoa. Mùa xuân đã đến thật gần...

Chiều 27 Tết, sau những ngày cuối năm tất bật, tôi thu xếp công việc, thu dọn đồ đạc, rời thành phố tập nập về quê nhà, nơi có ba mẹ đang mong ngóng.

Năm nào cũng vậy, ba mẹ đều chờ tôi về cùng gói bánh chưng. Dù bây giờ bánh chưng có quanh năm, dịch vụ đặt mua cũng rất tiện nhưng đối với gia đình tôi thì không gói bánh chưng thì đâu còn không khí của Tết cổ truyền chứ.

Vuốt dọc từng tấm lá dong, bàn tay lạnh tê tái vì ngấm nước nhưng lòng rộn ràng, tôi nhâm nhi cái rét ngọt ngấm vào da thịt. Sắp đến Tết rồi!!! Với tuổi thơ chúng tôi, cứ khi nào gói bánh chưng, lúc đó là Tết. Gói bánh chưng vui lắm. Tụi trẻ con kiểu gì cũng chạy qua chạy lại nài nỉ ông bà bố mẹ gói cho cái bánh chưng con để xách đi chơi. Những lúc như thế bố tôi đều cười nói: “Cái bánh to xắt ra là nhỏ rồi còn gì nữa” nhưng vẫn chiều chúng tôi gói cho mỗi đứa một cái.

Mẹ tôi nói muốn bánh chưng ngon thì khâu chọn nguyên liệu là rất quan trọng. Gạo nếp mẹ thường chọn nếp cái hoa vàng. Nhân đỗ xanh phải chọn loại đỗ mới, vàng ươm, bở tơi, được đồ vừa chín tới. Thịt phải chọn loại 3 chỉ, thái to bản, tẩm ướp gia vị đậm đà thì bánh mới ngon được.

hình ảnh

Bắt đầu gói bánh, cả nhà la liệt nào là lá dong, mấy chậu gạo hạt căng tròn, trắng ngà, màu đỗ đồ chín vàng ruộm, chậu thịt thái to bản trắng hồng, thơm phưng phức, xếp cạnh nhau xòe như hình bông hoa. Từng chiếc bánh xanh, vuông vức được xếp gọn gàng rồi cho vào nồi luộc.

Những ngày giáp Tết thường rét nên thích nhất là ngồi canh nồi bánh chưng. Từng chiếc bánh lá xanh ngắt ôm lấy nhau, nằm ngăn nắp trong nồi. Rồi còn thi nhau lôi khoai, ngô ra nướng, mùi thơm nức mũi. Vừa nhâm nhi vừa trông nồi bánh chưng mới vui làm sao.

hình ảnh

Sáng hôm sau, những chiếc bánh vừa được vớt nồng lên mùi của lá dong chín. Bánh nguội dần, hương nếp cứ thơm dần, thơm dần lên. Hai tấm cửa gỗ được tháo xuống, xếp bánh lên đó, ép thật chặt, mùi của mỡ, của đậu xanh, của nếp mới ngào ngạt khắp nhà.

Bánh chưng Tết đã xuất hiện ở mâm cỗ thờ từ rất lâu, để thể hiện sự biết ơn trời đất đã cho mưa thuận gió hòa để mùa màng bội thu đem lại cuộc sống ấm no cho con người. Bánh chưng Tết còn thể hiện được chữ hiếu của người con với cha mẹ. Trong mâm cúng tất niên, những chiếc bánh thơm ngon là tinh hoa của đất trời được dâng lên ông bà, tổ tiên.

Sau bữa cơm tất niên sum họp, cả nhà ngồi chuyện trò và chờ đợi khoảnh khắc giao thừa. Sáng mồng 1, gia đình tôi sẽ bóc chiếc bánh chưng đầu tiên! Đưa sợi lạt xẻ chéo, cắt chiếc bánh làm tám, mùi nhân bánh tỏa ra quyến rũ. Cả nhà cùng thưởng thức, cầu chúc cho một năm mới may mắn, ấm no, nhiều sức khỏe và bình an.

hình ảnh

Dù qua thời gian, nhiều nghi lễ truyền thống có bị mai một, thì Tết Nguyên đán vẫn khẳng định giá trị truyền thống đặc biệt hiển nhiên với người Việt.

"Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ

Cây nêu tràng pháo, bánh chưng xanh"

Một mùa xuân mới đã về, Xuân Nhâm Dần. Kính chúc ba mẹ và anh chị thật nhiều sức khỏe, an khang, vui vẻ. 

Cầu chúc cho tất cả mọi người thật nhiều may mắn, ấm no và hạnh phúc, vuông vức như cặp bánh chưng xanh, vừa thơm phức vừa ngọt bùi!!!