Bài tập về nhà mỗi ngày cô cho, học sinh lớp 1 cặm cụi tập viết từ 2-3 trang, có hôm đến 4-5 trang thì việc phải thức đến 11 giờ đêm cũng dễ hiểu.

Mấy hôm trước em thấy 2-3 chị ở khu em ở có than thở bài tập lớp 1 của con quá nhiều. Bé đã đi học cả ngày mà tối về vẫn phải ăn vội bữa cơm để kịp ngồi vào bàn học. Nhưng vì cô cho bài nhiều mà bé mới làm quen trường lớp, vẫn chưa ý thức tự học nên mẹ cứ phải ngồi kế bên kèm cặp từng chút một. Mà đâu phải bé nào cũng chịu ngồi yên tập trung để kết thúc giờ học trong thời gian ngắn đâu.

Ngồi vào bàn một chút là đòi là tè, hổng lẽ mẹ bắt con nhịn. Chốc lát nữa lại quay sang đòi gọt bút, uống nước. Uống nước xong một lúc lại quay lại đi tè. Cứ như vậy giờ học của con khiến mẹ dù chuẩn bị tinh thần kỹ lưỡng lắm rồi vẫn phải nổi khùng.

Nhưng nỗi niềm này đâu phải của riêng ai.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Mấy hôm nay em thấy các mẹ bàn tán vụ bài tập về nhà của mấy bé lớp 1 mà sốt ruột giùm.

Em đọc thấy chị H.T. (quận Hà Đông, Hà Nội) mới đây cũng kể chị vừa xót con vừa đau đầu vì bé phải làm bài tập về nhà quá nhiều. Mỗi ngày đều đặn, cô sẽ cho bé về tập viết 2-3 trang nhưng có những hôm ngoại lệ nữa thì số lượng bài tập viết có khi lên đến 4-5 trang. Con chị đi học về không dám chơi, nghỉ ngơi một chút là lại ngồi vào bàn học nhưng trẻ mới vào lớp 1 đâu thể ép mọi thứ cứ băng băng mà suôn sẻ hết. Chị kể, bé nhà chị có khi phải cặm cụi làm bài đến 22-23 đêm.

Không chỉ riêng chị T. cảm nhận chương trình lớp 1 đang khá nhanh so với trình độ của các bé mới nhập học đầu tiểu học. Nếu bố mẹ nào không cho con tập đọc, tập viết, nhận biết mặt chữ trước khi vào lớp 1 thì chắc chắn không chỉ con phải vắt giò lên cổ chạy theo các bạn mà đến cả bố mẹ cũng phải bỏ hết công hết việc để kèm cặp con mỗi ngày.

Bài tập về nhà của lớp 1 được nhiều bố mẹ gọi bằng là “cuộc đánh vật” cả mẹ lẫn con đều phải bước vào cuộc chiến của riêng mình. Con thì phải ép bản thân mau nhập cuộc, còn bố mẹ thì không chỉ đau đầu tìm giải pháp mà còn đau lòng vì xót con phải học đến tận khuya.

Thật ra, bao giờ cũng vậy, giai đoạn đầu, học sinh lớp 1 luôn gặp nhiều khó khăn để thích nghi với môi trường học tập hoàn toàn khác biệt: có bài tập về nhà, có yêu cầu phải hoàn thành, có kỹ năng và kiến thức cần phải nắm được. Trẻ thích nghi nhanh sẽ hòa nhập nhanh với cuộc sống ở trường lớp. Trẻ chậm thích nghi sẽ bật khóc và không muốn đến trường, cũng không muốn đụng đến bài vở. Thậm chí có học sinh vẫn còn tè dầm đến nửa năm học. Đây là dấu hiệu cho thấy trẻ chưa thích nghi được với trường học.

hình ảnh

Ảnh minh họa

Thứ nhất, đối với những đứa trẻ như vậy, cha mẹ và giáo viên phải chú ý và kèm cặp nhiều hơn. Cha mẹ có thể nói với con rằng nếu gặp khó khăn gì ở trường thì nên nhờ giáo viên giúp đỡ ngay chứ không nên dùng giáo viên để dọa con. Điều này khiến học sinh sợ giáo viên và nỗi sợ này nếu không được xóa đi sẽ dần lớn lên, kìm kịp, không cho trẻ có được cơ hội phát huy năng lực.

Thứ hai, dần tập cho con thói quen học tập. Trẻ mới bước vào trường phải hình thành thói quen học tập thì sau này mới có lợi cho việc tự giác học tập. Phải cho con hiểu được rằng các con đã tới tuổi đến trường, là một học sinh phải có nhiệm vụ làm bài tập về nhà và đọc sách mỗi ngày. Là học sinh thì không còn có thể làm bất cứ điều gì mình muốn hay có thể nằm trên giường bất cứ khi nào. Tập cho trẻ ngủ dậy đúng giờ và đừng dễ dàng hở ra là xin nghỉ học. Sau khi học xong mỗi tối, hãy dạy con chuẩn bị bài vở theo thời khóa biểu hôm sau và soạn hết sách vở vào cặp.

Đối với kiến ​​thức sách giáo khoa, cha mẹ phải chắc chắn con đã nắm vững kiến thức bài học trong ngày chứ không được học dồn. Ôn tập mỗi ngày sẽ giúp trẻ củng cố kiến thức.

Cô giáo chỉ có bấy nhiêu thời gian đứng lớp, không thể vừa giảng dạy vừa kèm từng em một nên tốt nhất, cha mẹ phải là người cộng tác với giáo viên để trực tiếp kèm cặp con trong thời gian đầu làm quen với môi trường mới. Việc của cha mẹ là phải đọc dặn dò của cô giáo mỗi ngày, nắm rõ từng yêu cầu và hướng dẫn của cô. Sau đó tập cho bé sắp xếp sách vở, bài học, cách tổ chức môn học... để làm tiền đề cho trẻ tự học sau này.  

Việc phải hoàn thành thời gian làm bài tập trong một thời hạn nhất định cũng là cách giúp trẻ làm quen với tốc độ học tập ở lớp.

Còn trong giờ học, hãy khuyến khích bé tập trung lắng nghe cô giáo giảng, đưa tay phát biểu bày tỏ ý kiến không phải để trả lời đúng mà còn là để đặt ra câu hỏi với những gì mình chưa hiểu.

Điều quan trọng trong quá trình dạy con là cha mẹ đừng bao giờ dán nhãn cho con mình. Không thể mặc định đứa trẻ này làm gì cũng chậm chạp và tin rằng bé sẽ không bao giờ thay đổi. Điều này sẽ lấy đi sự tự tin chút ít của trẻ và lấp đầy sự tự ti trong lòng trẻ, gây khó khăn cho quá trình thích nghi khi mới vào lớp 1.