Khi đọc đến yêu cầu của đề bài, nhiều người lại cho rằng phép tính của em bé này rất thông minh.

Chẳng biết có ai giống em không nhưng đi học trần đời ớn nhất môn toán. Cứ đụng đến mấy con số là không hiểu sao cái đầu em nó mây mây kiểu gì ấy. Thế mà đẻ con ra, nó giống ba lại rất khoái mấy cái môn khoa học tự nhiên, đặc biệt là giải toán. May còn có lão chồng tình nguyện kèm con học, chứ mà đưa em dạy mấy cái bài này chắc em bỏ cuộc từ sớm luôn quá. Chưa kể giờ em thấy tụi nhỏ còn được học thêm mấy chương trình toán gì đó lạ lắm nha, kiểu phương pháp đổi mới, có vẻ rất hay luôn á, học sinh được suy nghĩ giải toán sáng tạo chứ không rập khuôn như trước đâu. Mà em thấy làm toán hay gì cũng vậy, cứ được thoải mái tư duy logic thì chắc sẽ hiệu quả hơn. Lên mạng thấy có khá nhiều các bài toán gây tranh cãi, dưới đây là một trong những số đó luôn nè các mẹ.

Vừa qua, dân mạng chú ý rất nhiều tới một bài toán lớp 1 với đề bài “Có tất cả bao nhiêu con ong trên hai bông hoa?” kèm theo hình vẽ minh họa hoa cùng các chú ong. Ở bên dưới có ô phép tính cho học sinh điền vào chỗ trống để ra đáp án đúng.

hình ảnh

Đề bài và phép toán của học sinh. Ảnh: VTC

Học sinh đã điền vào ô phép tính 1 + 0 = 1, nhưng kết quả chính xác được đưa ra lại là 1 + 2 = 3, đồng nghĩa với việc lời giải chính là có tổng cộng 3 chú ong. Theo như tính chất đề bài, đây là một bài toán nhận biết, yêu cầu học sinh quan sát sau đó tính tổng cộng số ong là được. Nhưng đề bài dường như có một “kẽ hở” khiến nhiều người khi đọc kỹ lại liền khen ngợi học sinh lớp 1 này có cách giải toán thông minh và logic.

Vì yêu cầu đề bài là có bao nhiêu con ong trên 2 bông hoa. Câu này nói đúng ra có thể hiểu thành 2 nghĩa là ong bay trên bông hoa và ong đậu trên bông hoa. Nếu tính theo đáp án đúng được đưa ra, thì có tổng cộng 3 con ong bay trên bông hoa. Nhưng nếu xét về số ong đậu trên 2 bông hoa thì chỉ có 1 mà thôi, nên công bằng mà nói đáp án “1 + 0 = 1” của học sinh này vẫn chính xác.

hình ảnh

Nhiều người đồng tình với phép toán bị cho là sai của học sinh lớp 1. Ảnh: VTC

Phía bên dưới, nhiều người khen ngợi học sinh lớp 1 đã đọc kỹ đề bài, rất cẩn thận và suy nghĩ cũng đầy logic. Nếu đây là một bài toán mẹo thì chắc chắn đứa trẻ đã rất tỉnh táo nên không bị “lừa” để đưa ra được kết quả chính xác.

Một số người còn cho rằng sự lấn cấn về kết quả ở đây cũng phát xuất từ phía đề bài khi đưa thông tin không rõ ràng. Thế nên mới dẫn đến những tranh cãi xung quanh bài toán này.

Theo em đọc thì lại thấy đúng là kết quả nào cũng chính xác, vì yêu cầu đề bài không nói rõ là bay trên bông hoa hay đậu trên bông hoa. Nhưng dù kết quả có ra sao thì bố mẹ của học sinh này chắc chắn cũng không thể nổi giận khi nhờ một bài toán, họ có thể kiểm tra được khả năng suy nghĩ, tư duy của con mình.

Không ít người cho rằng toán học là môn học không cần sáng tạo, chỉ cần giải toán theo công thức, tính toán đủ các bước là xong. Dù chẳng giỏi giang gì về bộ môn này nhưng em lại nghĩ khác, bất cứ lĩnh vực nào cũng cần sự sáng tạo, tư duy. Sáng tạo trong cách làm toán sẽ giúp các em khai mở thêm nhiều kiến thức mới, biết vận dụng vào thực tiễn dễ dàng hơn, tăng khả năng tư duy, không bị đi theo lối mòn, miễn sao kết quả đưa ra thật nhanh, logic và chính xác là được mà có đúng không các mẹ?