“Mỗi lần đến Tết là em thấy mệt mỏi, mẹ em mệt mỏi, cả nhà em mệt mỏi”, đọc tới đâu thấy đúng tới đó các mẹ ơi.

Đang yên đang lành tự dưng cái tết, xưa ở nhà mẹ đẻ thì tung tăng sửa soạn xinh đẹp đi chơi tết. Nay lấy chồng rồi thì ôi thôi, nhà nội, nhà ngoại, con cái, xù đầu cả lên các mẹ ơi.

Không biết các mẹ có như em không, nghe tới tết là “oải chè đậu”. Riêng khoản dọn dẹp nhà cửa, chăn màn, chén đũa, tủ kệ là muốn té xỉu. Rồi còn đi mua sắm, nấu ăn, ngán nhất là vụ tiếp khách.

Năm nay Cô Vy, khách đến ít nhưng vẫn phải rửa chén ngày mấy bận, đồ ăn thì mùng 2 đã phải nấu nướng rồi. Tết là để nghỉ ngơi, thư giãn sau cả năm làm việc mà em thấy còn bận rộn, mệt mỏi hơn ngày thường.

Nay vô tình đọc được bài tập làm văn chê tết được chấm 9 điểm của em học sinh mà thấy nói trúng tâm trạng em quá. Em chia sẻ lên đây, các mẹ vào xem xem có đúng y hoàn cảnh chị em mình ngày tết đến xuân về không.

hình ảnh

Ảnh: VOV

Xưa thì thích tết lắm, đến khi gả đi, xa rời vòng tay mẹ thì mới biết tết thực sự “khủng hoảng”. Phận dâu con, tết nhất phải đánh đông đánh tây để nhà cửa sạch đẹp, gọn gàng, đồ ăn chất đầy, vừa thơm, vừa ngon.

Chuẩn bị đồ ăn cho cả nhà là một chuyện, món lai rai, món đãi khách lại là phần khác nữa. Tết vất vả nhất vẫn là các bà, các chị. Phụ nữ nhận về phần mình cái nhà, cái bếp nên tết chẳng khi nào ngơi tay.

Nhưng đâu phải ai cũng hiểu được mệt nhọc của người làm mẹ, làm bà trong 3 ngày xuân. Nên chị em mình phải để chồng con đọc gấp bài văn chê tết được 9 điểm này. Để họ hiểu và thương, chứ cứ im im thì mọi sự vất vả đều trở thành lẽ dĩ nhiên, như vậy thì dễ tủi thân phần mình lắm các chị em.

Theo bài văn tả tết được chia sẻ trên mạng, em học sinh đã miêu tả một mặt khác của tết. Không phải tết vui, tết hân hoan mà lại cái tết quá là mệt.

“Từ hồi nhỏ tới giờ, em toàn nghe nói Tết vui. Nhưng đó là ở đâu chứ không phải ở nhà em. Mỗi lần đến Tết là em thấy mệt mỏi, mẹ em mệt mỏi, cả nhà em mệt mỏi”.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: VTVnews (phải)

Xin vỗ tay một tràng thật to, thật dài vì suy nghĩ quá xuất sắc của em học sinh, nói thẳng, nói đúng và quan trọng là dám viết vào bài văn. Nhiều học sinh khác, sợ cô giáo cho điểm kém nên cứ tả tết vui, tết đẹp như phim ảnh thôi.

Cảm động nhất là tình cảm của em dành cho mẹ em, được bao nhiêu người con có thể nhìn thấy nỗi vất vả của mẹ? Nhiều em xem việc mẹ dọn dẹp nhà cửa, mẹ nấu ăn, mẹ rửa chén là chuyện của mẹ, ngay cả các ông chồng cũng vậy.

Riêng với em học sinh này, em thấy được nhiều thứ sâu sắc lắm. Em thích thịt kho hột vịt, nhưng mẹ em mệt, em không thích nữa. Em không muốn mẹ xanh xao, lúc nào cũng cầm chổi, cây lau nhà và cái chảo, lúc nào cũng vào bếp vì khách khứa.

Gia đình cũng ít cười vì người mẹ quá bận rộn, mệt mỏi nên sinh ra dễ cáu, dễ la mắng con lẫn bố. Cuối bài, em chỉ muốn nhắn nhủ với mẹ tết không cần hoàn hảo, bố nói thấy mẹ cười là tết trọn vẹn rồi.

Chính giáo viên sau khi chấm 9 điểm cũng đã có lời phê: “Bài viết cảm xúc chân thành. Con hiểu được nỗi vất vả của mẹ. Bài văn của con làm cô suy nghĩ nhiều. Cảm ơn con”. Chắc cô giáo cũng thấm thía nỗi khổ của người làm mẹ, làm vợ trong những ngày tết chạy không kịp thở.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: kknews

Nghe đâu thật ra bài văn này xuất hiện lâu rồi các mẹ, nhưng cứ mỗi lần được chia sẻ lại khiến cộng đồng mạng một phen dậy sóng. Vì thật sự quá đúng và quá thật, những người mẹ là hiểu rõ nhất, thấm thía nhất.

Nhiều cư dân mạng còn vào bảo sao cô giáo không chấm cho em 10 điểm. Người thì nhắn nhẹ cho chồng con để mong được thấu hiểu. Người thì khen em học sinh biết thương mẹ, lớn lên sẽ rất hiếu thảo, thành công.

Tết là để đoàn viên, vui vẻ và nghỉ ngơi sau cả năm vất vả. Nhưng có những người bà, người mẹ ngày tết còn bận rộn, cực khổ hơn ngày thường. Vì ngoài chuyện lo lắng nhà cửa, bữa cơm cho người nhà, còn gánh thêm khổ ải “khách khứa, lai rai”.

Với bản thân em, bài văn chê tết này thật sự xuất sắc, điểm 9 là xứng đáng. Hy vọng thầy cô sẽ khuyến khích học sinh dám viết ra những bài văn chân thật thế này. Chứ cứ viết theo văn mẫu, viết toàn điều tốt đẹp theo ý thầy cô thì chẳng còn ý nghĩa nữa.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân, thông tin tham khảo VOV