Mới đây, đọc báo Tuổi trẻ em được biết là Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vừa đưa ra Dự thảo quy định về diện tích nhà ở tối thiểu để giải quyết đăng ký thường trú cho những người ở thuê trọ, ở mượn, hoặc ở nhờ trên địa bàn thành phố này.

Có 2 nhóm được đề cập tới đó là nhóm nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước và nhóm còn lại.

- Đối với nhóm nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan đơn vị bố trí hoặc cho thuê trước đây hoặc có hợp đồng thuê nhà ở cũ do Công ty Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội là chủ sở hữu thì diện tích tối thiểu đủ điều kiện để giải quyết đăng ký thường trú là 8m2/nhân khẩu.

- Đối với nhóm còn lại thì chủ sở hữu phải đảm bảo diện tích bình quân tối thiểu là 20m2/nhân khẩu mới giải quyết đăng ký thường trú. Điều này đồng nghĩa với việc không cho phép người thuê nhà có diện tích dưới 20m2/nhân khẩu đăng ký thường trú. 

hình ảnh


Ảnh: Một tòa chung cư và văn phòng ở quận Ba Đình. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Được biết, văn bản này hướng dẫn, cụ thể hóa quy định của Luật cư trú rằng người dân đăng ký thường trú ở nơi thuê trọ, mượn hoặc ở nhờ thì phải có thêm giấy tờ chứng minh đủ điều kiện diện tích nhà ở mới được chấp nhận, chẳng hạn như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở thể hiện thông tin nhà ở và tùy điều kiện, các tỉnh ban hành diện tích tối thiểu để cấp đăng ký thường trú cho người dân nhưng không được thấp hơn 8m2 sàn/người.

Ngay khi đọc được thông tin dự thảo này, rất nhiều ý kiến trái chiều phản đối vì cho rằng quy định của Hà Nội làm khó người thuê trọ, trong khi mọi công dân đều có quyền có nơi ở hợp pháp và tự do cư trú – nghĩa là mọi người đều được tạo điều kiện để đăng ký tạm trú hoặc thường trú tùy theo nhu cầu và điều kiện.

Việc đưa ra quy định này vô tình tạo ra hàng rào phân biệt người lao động có thu nhập thấp, phân biệt giữa nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước (chỉ cần đạt 8m2 sàn/người) với nhà ở tư nhân (phải đạt ít nhất 20m2 sàn/người).

Sống ở thành phố Thủ đô chắc bà con cũng biết việc yêu cầu diện tích tối thiểu 20m2/người là quá cao, không thực tế do để sở hữu nhà ở tại Hà Nội vốn chẳng phải là điều dễ dàng, nên mới có nhiều người thuê trọ đến vậy. Quy định thế chẳng khác nào kiềm hãm việc tạo lập chỗ ở ổn định cho bà con khi sinh sống và làm việc tại thành phố Thủ đô.

Hơn nữa, dự thảo lại mâu thuẫn với quy định cấp sổ đỏ phải đạt diện tích đất tối thiểu 30m2 bởi nếu nhà 01 tầng mà có 01 gia đình từ 02 người trở lên sẽ không thể đăng ký thường trú. Điều này làm hạn chế quyền sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu, gián tiếp ép họ phải xây thêm nhiều tầng mới có thể cho thuê được.

Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, cần xem xét đánh giá tác động của quy định ảnh hưởng thế nào đến đời sống của người dân để từ đó ban hành chính sách phù hợp.

Ngay sau đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhà dân thành phố Hà Nội thông tin sẽ lùi thời gian ban hành quy định với lý do để đảm bảo đúng trình tự ban hành văn bản.

hình ảnh


Ảnh trái: Một góc TP. Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh phải: Người dân phải làm thêm 'chuồng cọp' tại hầu hết chung cư cũ ở Hà Nội để mở rộng không gian ở. Nguồn: Báo Tuổi trẻ. 

Đối với nhiều người, đặc biệt là lao động thu nhập thấp, càng lùi thời gian ban hành văn bản này chừng nào họ càng mừng chừng đó nếu như các nội dung dự thảo nêu trên không thay đổi. Bởi họ biết rằng khi chính sách thông qua, giấc mơ an cư lạc nghiệp là điều quá xa vời đối với họ, rồi đây cuộc sống của họ chắc chắn gặp nhiều trở ngại. Vì lẽ đó, rất mong các nhà chức trách trong thời gian lùi ban hành văn bản hãy suy nghĩ kỹ càng ảnh hưởng của quy định này đến đời sống của người dân thế nào rồi quyết định nhé!