Có nhiều bạn bè thân thiết đôi lúc cũng đỡ, mình cần cái là có thể giúp ngay. Như em chẳng hạn nhiều khi có việc cần, mình chạy xe đến nhà bạn gửi rồi hôm sau lấy chả sao cả. Nhưng mà đúng là thực tế có những chuyện xảy ra mình không lường trước được, chẳng hạn như câu chuyện em đọc được dưới đây trên trang báo Tuổi trẻ nè các chị em.

Anh này kể là anh từng gửi xe máy ở nhà của một người bạn rồi nhờ bạn ấy giữ dùm, sau đó người bạn này mới báo với anh là nhà có trộm, xe máy bị kẻ gian lấy mất. Sự việc xảy ra, bạn anh có lập biên bản thừa nhận mình đã giữ dùm.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Freepik. 

Tin bạn mới dám gửi xe nhờ giữ dùm, nhưng mà thời buổi này đọc báo xảy ra nhiều vụ, riết không biết đường đâu mà lần. Biết là nhờ vả phải phiền đến bạn, giờ mất xe anh cũng chẳng biết làm sao? Bỏ qua cũng không được vì đây là phương tiện kiếm sống của anh, còn đòi thì bằng cách nào? Rồi anh chợt thắc mắc liệu mình có thể kiện anh bạn kia để đòi bồi thường xe máy không?

Luật sư Vũ Quang Đức chia sẻ trên Tuổi trẻ rằng theo quy định của Bộ luật dân sự có đề cập, việc gửi giữ tài sản là do thỏa thuận giữa các bên.

Trong đó, bên giữ sẽ nhận tài sản của bên gửi rồi bảo quản theo đúng thỏa thuận và chỉ trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ.

Bên giữ chỉ được thay đổi cách bảo quản tài sản nếu thấy việc này là cần thiết nhằm bảo quản tốt hơn, song phải báo ngay cho bên gửi biết về việc này. Trong trường hợp tài sản có nguy cơ bị hỏng hoặc tiêu hủy do tính chất của bên đó thì bên giữ phải báo kịp thời để bên gửi về việc này, đồng thời yêu cầu giải quyết trong thời hạn nhất định, quá hạn mà bên gửi không trả lời thì bên giữ có quyền áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo quản và yêu cầu bên gửi trả tiền (nếu có phát sinh chi phí). Đổi lại, bên gửi có thể trả tiền công cho bên giữ, hoặc cũng có thể không tùy theo thỏa thuận giữa hai bên.

Về phía bên gửi, bên này có quyền yêu cầu lấy lại tài sản bất kỳ lúc nào, nếu đó là thỏa thuận không xác định, tuy nhiên phải báo trước cho bên giữ biết trong khoản thời gian hợp lý. Ngoài ra, nếu như bên giữ làm mất hoặc hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng thì bên gửi có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Từ những phân tích trên, Luật sư cho rằng trong tình huống này, khi đã có xác nhận về việc gửi giữ thì anh chàng này hoàn toàn có quyền yêu cầu bên giữ bồi thường chiếc xe cho mình, trừ trường hợp bất khả kháng.

Tuy nhiên, trước mắt khi xảy ra vụ việc mất xe, anh nên báo cho Công an địa phương để cùng phối hợp điều tra và tìm ra tung tích chiếc xe cũng như ai là thủ phạm. Khi giữa 2 bên không thỏa thuận được thì hoàn toàn có thể đưa vụ việc ra Tòa án nhân dân cấp huyện khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại.

Về nguyên tắc theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành, khi xác định có lỗi cũng như mối quan hệ trực tiếp giữa lỗi và hậu quả xảy ra thì lúc đó mới xác định nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Và thiệt hại về tài sản được bồi thường trong trường hợp này phải được tính theo giá trị thực tế, nghĩa là xác định giá trị chiếc xe tại thời điểm sử dụng (giá trị chiếc xe khi mới mua trừ chi phí khấu hao) để làm cơ sở bồi thường.

Đọc xong vụ việc, nhiều người thừa nhận, đúng luật có thể giải quyết như vậy nhưng mà thực tế còn có cái lý cái tình nữa, đâu thể chỉ khô khan cứng ngắc áp dụng như vậy được. Thế nên, có người ý kiến rằng mình làm căng, đòi bồi thường thì ai còn dám giữ dùm, ai dám cho gửi nhờ nữa vì đã nhờ vả rồi giờ còn đòi người ta bồi thường là sao?

Đồng ý với quan điểm này, có người thêm ý kiến rằng trước khi giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật về dân sự nói trên thì phải làm rõ là việc gửi xe ở nhà bạn được thực hiện như thế nào? Người gửi nhờ chủ nhà cho để tạm hay chính thức nói nhờ giữ dùm để không bị kẻ gian lấy mất không? Và khi gửi xe thì người gửi có trả tiền cho người giữ không?

hình ảnhẢnh minh họa. Nguồn: Freepik. 

Nếu như nhờ người ta giữ dùm mà không có ràng buộc cụ thể như thế nào về trách nhiệm, điển hình như không trả phí hoặc không nói rõ về việc gửi giữ thì người gửi xe không thể giải quyết theo cách đòi người giữ phải bồi thường thiệt hại cho mình trong trường hợp kẻ gian lấy mất xe.

Chuyện mất mát của cải tài sản là điều không ai mong muốn xảy ra, nhưng để giải quyết hợp lý và hợp tình các tình huống tương tự như thế này không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi người gửi phải cân nhắc những thiệt hơn, tránh xảy ra những hiềm khích và mất lòng giữa đôi bên.