Bác trai viết rất rõ ràng điểm mạnh, điểm yếu của bản thân và mong muốn được làm việc lâu dài. Chính khao khát của bác ấy làm nhiều người trẻ phải hổ thẹn.

Trong nhóm FB Tôi là dân Bình Thạnh có đăng tải bài viết của một người đàn ông 60 tuổi bị liệt nửa người, chỉ có thể gõ chữ bằng 1 ngón tay bên bàn tay trái. Dù bất tiện là vậy nhưng ông không muốn nghỉ hưu sống đời nhàn hạ. Ông muốn xin một công việc phù hợp với khả năng và điều kiện sức khỏe của bản  thân. 

Sơ yếu lý lịch của ông rất đáng gờm khi ông từng là phóng viên, người viết bình luận thời sự, biên tập viên báo chí và sau này ông là biên tập viên kiêm phát thanh viên giọng chuẩn miền Nam làm việc cho một công ty truyền thông. Ở tuổi 60 với chừng ấy kinh nghiệm, ông rất hy vọng mình sẽ tìm được nhiều việc làm trên mạng xã hội.

Ông còn liệt kê rất rõ ràng, xúc tích về điểm mạnh, điểm yếu và nguyện vọng của mình. Và đúng như ông miêu tả về giọng văn của mình, cách ông viết thư xin việc rất ngắn gọn, trọng tâm và đầy đủ. Cách trình bày cũng sạch sẽ, ngôn từ giản dị nhưng thu hút. 

hình ảnh

Thư xin việc của người đàn ông 60 tuổi. Ảnh FB Tôi là dân Bình Thạnh

Bức thư xin việc này được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội và gây nên sự chú ý lớn:

"Tôi có khả năng viết tốt với văn phong giản dị, rõ ràng, cô đọng, mạch lạc, thiên về ngôn ngữ đậm nét Sài Gòn, miền Nam.

Tôi có óc hài hước khá đậm, yêu nhạc P.H., yêu thú cưng, các em bé, kính yêu người già, yêu thương dân lao động bình dân.

-Tôi muốn tìm việc làm online lâu dài, mang tính sáng tạo và linh hoạt thích hợp với khả năng vốn có của mình. Bất cứ việc gì trừ viết bài giới thiệu sản phẩm, dịch vụ kinh doanh thuần túy.

- Tôi muốn được cộng tác với những những công ty, nhóm hay cá nhân trực tiếp sản xuất phim để viết kịch bản ở các thể loại hài, tình yêu, tình cảm gia đình và những câu chuyện đời thường trong cuộc sống. Mỗi kịch bản, trước mắt, dài khoảng 10 phút đến 15 phút.

- Tánh tôi hiền, hơi chậm chút, rất chịu lắng nghe, dễ điều chỉnh bản thân để thích ứng với công việc.

Rất mong được bà con, bạn bè quan tâm, ủng hộ. Tôi xin chân thành cám ơn."

hình ảnh

Ảnh minh họa, th.depositphotos

Đọc được bức thư xin việc của người đàn ông 60 tuổi, mọi người vô cùng cảm động và mong muốn sự chia sẻ của mình sẽ giúp bác trai nhanh chóng tìm được việc làm ưng ý. Thậm chí các bạn còn gợi ý thêm cho bác ấy công việc phù hợp và khen ngợi vì thị trường content hiện nay rất hiếm những người dày dạn kinh nghiệm, văn phong đậm nét Sài Gòn như bác này:

- Con rất nể phục chú! Chúc chú luôn có sức khỏe, luôn vui vẻ và lạc quan trong cuộc sống ạ! Con mong chú có việc làm để trang trang đời sống.

- Cháu có lướt sơ Facebook của bác và cháu có cảm nhận lối viết lách, suy nghĩ cũng như xu hướng viết của bác mang tính thế hệ cũ khá hay khá lạ trong cái thời đại hiếm hoi những thứ như này. Và theo kinh nghiệm và kiến thức của cháu, cháu cảm thấy có thể bác sẽ phù hợp ở vị trí viết kịch bản cho kênh youtube ạ.

- Chúc chú nhiều sức khỏe và sớm có công việc như mong muốn ạ.

- Và con khâm phục chú khi biết chú chỉ viết bằng một ngón tay trái. Con cám ơn chú đã cho con động lực làm việc. Và chúc chú sẽ thật sớm có một công việc như ý!

- Rất cảm động, chúc chú gặp được nhiều may mắn và sức khỏe.

Có thể tạm gọi là xu hướng khi rất nhiều bạn trẻ đồng loạt rủ nhau bỏ phố về quê sống đời an nhàn, nghỉ hưu non khi độ tuổi chưa tới 30. Dẫu biết mỗi người luôn có lý do riêng nhưng thay vì bình tĩnh đối mặt hoặc tìm cách cân bằng cuộc sống để tiến về phía trước thì các bạn lại buông xuôi, đem theo số tiền ít ỏi về quê trồng hoa chụp ảnh thảnh thơi. 

hình ảnh

(Ảnh minh họa: greennetactivity.files.wordpress, wiki.tino)

Bỏ phố về quê, có người duy trì được, có người tháo chạy ngược lên phố chỉ bởi ở quê không có việc làm, không có tiền và bản thân các bạn cũng “ớn” cái nhàn hạ khi đang tuổi sung sức nhất. Cũng có những người không bỏ phố, không bỏ quê nhưng bỏ trôi ước mơ khao khát của mình. Các bạn vùi đầu vào games, vào những buổi tụ tập ăn chơi làm khổ cha mẹ hoặc tự cho phép mình lười biếng vì “mỗi người chỉ sống có 1 lần, làm chi cho cực”.

Tất nhiên là chúng ta không cười chê, không phán xét nhưng hãy đọc lá  thư xin việc của người đàn ông 60 tuổi để thấy nếu các bạn còn lười nhác, không chịu làm việc thì thật xấu hổ đến mức nào. Bác trai này lớn tuổi nhưng vẫn khao khát làm việc, hai bàn tay chỉ còn gõ được 1 ngón nhưng không bỏ cuộc. Sơ yếu lý lịch cũng thật sự đáng nể khi sau ngần ấy thời gian miệt mài, hết mình với công việc nhưng sự đam mê đến giờ phút này vẫn chưa hề tắt. 

hình ảnh

Ảnh minh họa, ankemedia

60 là tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng điều đó không phải là mối bận tâm đối với nhiều người. Còn làm được cứ làm, còn sống với đam mê được thì cứ sống để thấy mình không vô dụng. Con cháu nhìn vào cũng được truyền nguồn năng lượng cực lớn để sống thật rực rỡ, làm việc thật hết mình. 60 tuổi hay 100 tuổi, nếu còn sống là còn làm việc không phải để kiếm tiền mà để thấy mình không tụt hậu, có ngày bận rộn, có ngày thảnh thơi như những người trẻ khác. 

Vậy thì vì sao chúng ta lại dễ dàng buông xuôi công việc, hằng ngày chỉ ăn ngủ, chơi bời cho thời gian trôi qua vô nghĩa? Nhìn người đàn ông trên đây siêng năng tuyệt vời như vậy, liệu bản thân chúng ta có tự nhìn lại chính mình để phấn đấu nhiều hơn?