Câu hỏi về mức lương tại công ty cũ quả thật là một câu hỏi rất nhạy cảm khi chẳng may nhà tuyển dụng đặt ra cho bạn trong quá trình phỏng vấn. Tùy vào mỗi người, mỗi hoàn cảnh và mỗi vị trí mà những ứng viên khác nhau sẽ có cách trả lời khác nhau.

Song mới đây, 1 nữ sinh đã chia sẻ tình huống dở khóc dở cười khi đi xin việc. Cụ thể dòng chia sẻ của cô bạn như sau: "Đi phỏng vấn HR (nhân sự) hỏi mức lương công ty cũ. Em trả lời là: 'Hợp đồng công ty cũ của em quy định bảo mật về mức lương mong chị thông cảm và em nghĩ công ty nào cũng có quy định như vậy'.

Chị HR bảo chị nghĩ chẳng có gì phải bảo mật, cuối buổi phỏng vấn còn bồi thêm câu: 'Em không tôn trọng nhà tuyển dụng'. Theo mọi người thì em có sai trong trường hợp này không và em nên trả lời như thế nào?".

Bên dưới bài viết đã nhận về nhiều bình luận góp ý của cộng đồng mạng. Hầu hết đều tỏ ra khó hiểu trước thái độ của chị HR trong câu chuyện trên. Bởi dù đúng hay sai thì nữ sinh cũng trả lời khá lịch sự, không đáng để nhận về thái độ thiếu tôn trọng như vậy.

 "Bạn có thể hỏi lương của giám đốc, lao công, bảo vệ, phòng marketing hay sale... là bao nhiêu? Chị ấy không trả lời được thì bạn bĩu môi nói rằng: 'Em thấy cũng chẳng có gì bảo mật'. Để xem chị đó đặt mình vào trường hợp như bạn sẽ trả lời thế nào", một ý kiến bày tỏ.

hình ảnh

(Ảnh minh họa: nghenghiep.timviecnhanh)

Có lẽ, mức lương luôn được coi là thứ quan trọng khi đi xin việc. Chỉ khi có được mức lương tốt thì nhân viên mới có động lực đi làm và cảm thấy công sức mình bỏ ra được đền đáp xứng đáng. Mức lương ở mỗi công ty lại khác nhau và thường được bảo mật.

Dẫu vậy, nhiều người cho rằng nữ sinh viên không nên né tránh câu hỏi này. Bởi nó thể hiện bạn không biết cách giải quyết vấn đề khi nhân sự đặt ra hoặc bạn có điều gì đó bất ổn không muốn nói về mức lương cũ của mình.

Khi hỏi về mức lương cũ của bạn, hầu như nhân sự đều có dụng ý. Thông thường, mỗi vị trí tuyển dụng đều đã có khoảng lương được định sẵn. Nếu mức lương cũ của bạn cao hơn ngân sách họ đưa ra cho vị trí này, dù đánh giá cao năng lực của bạn, nhà tuyển dụng phải cân nhắc lại.

Thực tế cho thấy rằng, ứng viên sẽ không muốn nhận việc mới với lương thấp hơn mức mà họ được nhận trong quá khứ. Khi đã thấy rõ kết quả này, nhân sự sẽ nói thẳng với bạn luôn.

Vậy câu hỏi đặt ra, nên trả lời như thế nào trước câu hỏi về mức lương ở công ty cũ? Có ba cách bạn có thể chọn, tùy thuộc vào mức độ bạn muốn chia sẻ, mức độ chi tiết mà nhà tuyển dụng yêu cầu. Có những cách nào để bạn nói về mức lương cũ của mình?

Đầu tiên, thay vì nói một con số chính xác, bạn có thể cung cấp một con số chung chung. Chẳng hạn như: Mức lương cũ của em trên 12 triệu. Phương án hai, nếu mức lương của bạn đã tăng lên trong thời gian bạn làm việc, bạn có thể cung cấp mức lương khởi điểm và mức lương hiện tại.

hình ảnh

Ảnh minh họa (Ảnh:twoeggz/ doisongphapluat)

Bằng cách này, bạn không những cung cấp thông tin về lương cho nhà tuyển dụng, mà còn giúp chứng minh rằng bạn có khả năng học hỏi tốt và năng lực của bạn đã được cải thiện. Bạn nên biết rằng, không dễ để được tăng lương khi làm việc ở cùng một công ty. Bạn có thể nói: “Em bắt đầu làm Copywriter tại công ty A ở mức 9 triệu và mức lương hiện tại của em sau 3 năm là 12 triệu”.

Cuối cùng, bạn hoàn toàn có thể nói về mức lương cũ một cách chính xác, bao gồm lương, thưởng, phụ cấp. Chẳng hạn, “mức lương của em ở công ty cũ là 12 triệu, ngoài ra em được hỗ trợ 800.000 đồng tiền ăn mỗi tháng”.

Xin hãy nhớ rằng, cung cấp thông tin về mức lương cũ của bạn cho nhà tuyển dụng không có nghĩa đây sẽ là mức lương của bạn ở công việc tiếp theo. Các nhà tuyển dụng luôn hiểu rằng, nhiều người tìm việc đang muốn có thu nhập cao hơn khi chuyển sang một công việc mới. Đặc biệt là khi vai trò mới đi kèm với nhiều trách nhiệm hơn.