Với chị em phụ nữ, việc giữ gìn vóc dáng đẹp là chuyện mà ai cũng muốn nhưng chẳng phải ai cũng có, nhất là với chị em tuổi trung niên. Bởi, sau quá trình sinh nở thì chị em dễ tăng cân mà khó giảm cân hơn. Do đó, mọi người tìm đủ mọi cách để giảm.

Bản thân mình cũng thế. Sau đợt sinh nở thì mình bị tăng cân, mãi không giảm được. Nhìn thân hình sồ sề mình tự ti lắm. Mấy lần tâm sự với chị đồng nghiệp, chị ý khuyên dùng cái đai nịt bụng thử xem. Chị ý bảo hiệu quả lắm, chị ý cũng dùng, sau một thời gian ngắn là nó về dáng lại như cũ.

Mình cũng tin tưởng nên định làm theo. Nhưng lúc tìm thông tin về đai nịt bụng thì có nhiều loại quá nên chưa biết chọn loại nào để mua. Thế xong hôm nay định ngồi mua thì lại thấy có bài báo cảnh báo về việc sử dụng đai nịt bụng.

Thật ra khi mình tìm hiểu về đai nịt bụng, cô em chồng mình nhìn thấy đã cản rồi. Thấy em chồng mình kêu là rất hại cho sức khỏe, nguy hiểm các thứ nhưng mình không tin. Đến hôm nay đọc báo thấy còn có cả trường hợp cụ thể luôn nè các mẹ. Đọc xong mà thấy lấn cấn quá. Các mẹ có ai dùng đai nịt bụng chưa, cho mình xin review với.

Còn về trường hợp gặp nguy hiểm vì đai nịt bụng, mình chia sẻ ở bên dưới nha.

hình ảnh

Nhiều chị em dùng đai nịt bụng để giúp thon gọn. Ảnh minh họa, nguồn: VNN

Dùng đai nịt bụng 12 tiếng/ngày, cô gái phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng

Theo đó, sự việc này xảy ra ở Hàng Châu (Triết Giang, Trung Quốc). Nhân vật chính trong câu chuyện là cô Hồ.

Cô Hồ vốn là người rất chú ý tới dáng vóc của bản thân. Nghe lời quảng cáo, cô Hồ mua đai nịt bụng về sử dụng 12 tiếng/ngày. Đồng thời, cô còn dùng cây lăn bột kết hợp với tinh dầu để lăn bụng. Cô cứ nghĩ chẳng mấy chốc, mình sẽ có dáng đẹp, eo thon. Thật không ngờ, tai họa ập đến với cô cũng chỉ vì phương pháp làm đẹp này.

Gần đây, cô Hồ có đi khám sức khỏe định kỳ và vô tình phát hiện ra rằng chỉ số Creatine kinase trong các chỉ số sinh hóa máu cao tới hơn 900U/L. Tức là nó cao gấp 4 lần giới hạn của giá trị bình thường. Điều này chứng tỏ rằng cơ của cô có sự tổn thương.

Sau khi nhận kết quả, cô Hồ vô cùng lo lắng nên đã đi viện để khám kỹ hơn. Bác sĩ xem xét kết quả cũng thấy sửng sốt. Lúc này, bác sĩ mới hỏi chi tiết người phụ nữ rằng có tập thể dục thường xuyên không, có tập luyện với cường độ cao không, có hau bị đau và tức ngực không, có bị đi tiểu ra máu không…

Nghe câu hỏi của bác sĩ, cô Hồ liên tiếp phủ nhận bởi cô vốn không có tập tành gì. Sau một hồi suy nghĩ, cô có tiết lộ với bác sĩ rằng, để giảm mỡ bụng, cô sử dụng đai nịt bụng suốt 12 tiếng/ngày. Cuối cùng, cô còn bôi tinh dầu nóng và dùng cây lăn bột để lăn nhằm giảm mỡ bụng. Cô đã thực hiện biện pháp này suốt 2 tháng qua và hiệu quả giảm cân cũng thấy rõ rệt.

Nghe chia sẻ của bệnh nhân xong, bác sĩ cũng tiến hành kiểm tra chi tiết hơn. Kết quả, bác sĩ phát hiện, trên cơ thể cô hồ có một số vết bầm tím. Do đó, bác sĩ yêu cầu cô ngưng mặc đai nịt bụng, không dùng tinh dầu và cũng dừng dùng cây lăn để giảm cân ngay.

Thấy yêu cầu của bác sĩ, cô Hồ vô cùng bất ngờ song vẫn nghe lời. Một tuần sau đó, cô quay lại bệnh viện theo lịch hẹn để làm xét nghiệm máu. Bất ngờ thay, chỉ số Creatine kinase của cô đã hoàn toàn trở lại bình thường.

Nhận thấy sự thắc mắc của bệnh nhân, bác sĩ giải thích: Creatine kinase vốn chủ yếu tồn tại trong các cơ xương, não và cơ tim. Bình thường, Creatine kinase sẽ nằm trong các tế bào cơ. Một khi chỉ số này tăng cao thì trong máu thì chứng tỏ rằng cơ đã bị tổn thương hoặc cơ đang phát triển tổn thương. Lúc này, cần tìm ra nguyên nhân để khắc phục ngay nếu không sẽ vô cùng nguy hiểm.

hình ảnh

Dùng đai nịt bụng cần đúng cách. Ảnh: LĐ

Bác sĩ cũng khuyến cáo thêm với cô Hồ rằng: Việc sử dụng đai nịt bụng trong suốt khoảng thời gian dài sẽ chèn ép cơ học. Đồng thời, cô còn dùng cây lăn bột để lăn liên tục khiến các cơ bị cuốn ra ngoài. Điều này khiến các tế bào cơ và mao mạch bị tổn thương, làm càng lâu tổn thương càng lớn. Nếu không phát hiện sớm, bệnh nhân hoàn toàn có thể bị hoại tử cơ cấp tính, tổn thương thận.

Đeo đai nịt bụng có thể gây ra những hậu quả gì với sức khỏe?

Theo BS. Ngọc Kha (Bệnh viện Thể Thao Việt Nam) cho hay: Việc áp dụng phương pháp đeo đai nịt bụng có tác dụng làm nóng tại chỗ, tăng tuần hoàn, giãn mạch. Điều này nhằm khiến quá trình thoát mồ hôi nhanh hơn chứ không phải để tan mỡ hay làm vòng eo thon gọn như nhiều người vẫn đồn đoán.

Đồng tình với ý kiến này, PGS. TS Y khoa Đỗ Quang Hùng (Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ, Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết: Đai nịt bụng không thể giảm mỡ và thu gọn vòng eo được, nhất là với phụ nữ sau sinh.

Lý do là vì lúc này da bụng và cơ bụng của chị em giãn ra, không thu hồi lại được. Vết rạn và vết chảy xệ chính là bằng chứng. Vì thế, dùng đai nịt bụng lúc này chỉ có thể sắp xếp lại vùng da chảy xệ đó, cố định nó trong thời gian ngắn. Còn nếu muốn lấy lại vóc dáng nhanh chóng thì cần sự trợ giúp của cơ sở phẫu thuật tạo hình ở cơ sở uy tín.

Với những người bị béo phì, béo bụng thì cách tốt nhất là xem lại chế độ ăn uống kết hợp với tập thể dục. Nên ăn ít các món giàu calo và tập những môn giúp cơ bụng vận động nhiều để siết cơ. Thay vì uống trà sữa, nước ép, nước ngọt… thì nên dùng nước lọc. Điều này giúp thanh lọc hệ tiêu hóa và thu gọn vòng eo hiệu quả chứ đừng nghĩ chỉ cần đeo đai nịt bụng lại sẽ có ‘vòng eo con kiến’.

Đối với vấn đề dùng đai nịt bụng để siết eo, nó có thể gây ra nhiều hệ lụy với sức khỏe như:

+ Gây hại chức năng gan, thận:

Khi bạn dùng đai nịt bụng, toàn bộ phần thân giữa đều bị ép chặt. Lúc này, các cơ hô hấp sẽ bị ép chặt từ bên ngoài, khoang bụng cũng bị thu hẹp thể tích lại khiến quá trình hô hấp trở nên khó khăn. Do đó, bạn hay cảm thấy khó thở, mệt mỏi, ngồi không thôi mà cũng thở không ra hơi.

Bên cạnh đó, đai nịt bụng khiến khu vực bụng tiết nhiều mồ hôi hơn. Điều này làm tăng nguy cơ bị mất nước, mất chất điện giải. Tình trạng này có thể dẫn tới tai biến, rối loạn cân bằng điện giải, rối loạn cân bằng nước trong cơ thể. Từ đó gây hại cho chức năng gan, thận…

Đai nịt bụng ảnh hưởng tới nội tạng

Đai nịt bụng ảnh hưởng tới nội tạng. Ảnh minh họa, nguồn: VNE

+ Hại dạ dày, lá lách:

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Một số phụ nữ vì muốn sở hữu vòng eo nhỏ mà ép bản thân chịu đựng áp lực từ đai nịt bụng rất nguy hiểm. Bởi, nó gây hại trực tiếp đến dạ dày, khiến thức ăn mà chúng ta tiêu thụ vào dạ dày dễ bị trào ngược lên thực quản. Điều này gây ra hệ lụy nghiêm trọng đến các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa.

Khi thức ăn bị trào ngược lên thực quản sẽ dẫn tới tình trạng ợ nóng, đầy bụng, chướng khí. Nếu người bị hội chứng ruột kích thích hoặc người không tự chủ được tiểu tiện mà sử dụng đai nịt bụng sẽ khiến áp lực của ổ bụng tăng lên. Khi đó, tình trạng bệnh sẽ ngày một nặng hơn.

Không chỉ thế, dùng đai nịt bụng còn gây áp lực mạnh lên hệ tiêu hóa và lá lách khiến những cơ quan này bị tổn thương nghiêm trọng.

+ Ảnh hưởng đến cấu trúc xương sườn:

Sử dụng đai nịt bụng trong thời gian dài còn ảnh hưởng xấu đến cấu trúc của xương sườn. Bởi, chúng siết chặt phần cơ xương bụng khiến cấu trúc xương trở nên bất thường.

+ Gây mẩn ngứa, mụn nhọt:

Khi chị em dùng đai nịt bụng, nó sẽ siết chặt lấy vùng bụng, không có không khí ra vào. Sự nóng bức này sẽ khiến bạn tăng tiết mồ hôi ở vùng bụng khiến chị em cho rằng nó có tác dụng tan mỡ. Song, trên thực tế, mồ hoi vã ra nhưng không được làm khô sẽ đọng lại trên da, ngấm vào đai nịt. Môi trường ẩm ướt này vô tình tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn gây bệnh xuất hiện. Hậu quả là bạn dễ bị mẩn ngứa, mụn nhọt ở bụng, lưng.

+ Ảnh hưởng tới sự phục hồi của cơ thể:

Đai nịt bụng được nhiều chị em sau sinh sử dụng. Tuy nhiên, phải biết rằng, khi mới sinh con xong, cơ thể của người mẹ vẫn còn chưa hồi phục hoàn toàn. Đó là lý do vì sao chị em cần kiêng cữ, không làm việc nặng nhọc, đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ.

Nếu sử dụng đai nịt bụng lúc này có thể khiến bạn bị tức bụng, khó thở, cản trở quá trình tuần hoàn máu khiến máu không lưu thông tốt. Nếu là chị em sinh mổ thì đai nịt bụng còn khiến vết mổ có thể bị nứt ra…. Tất cả những điều này đều ảnh hưởng tới sức khỏe và khiến sự hồi phục của cơ thể chậm lại.

Đeo đai nịt bụng thường xuyên ảnh hưởng tới xương.

Đeo đai nịt bụng thường xuyên ảnh hưởng tới xương. Ảnh minh họa, nguồn: SKCĐ

PGS. TS Đỗ Quang Hùng khuyến cáo: Chị em không nên tin vào những lời quảng cáo. Sau khi sinh con, tùy vào mức độ sinh cũng như cơ địa mà chị em có thể xin sự tư vấn của bác sĩ sản khoa để giúp thu gọn vòng eo. Song, để có kết quả tốt nhất thì vận động cùng chế độ dinh dưỡng là lựa chọn hợp lý. Còn nếu dùng đai nịt bụng, chỉ nên dùng trong khoảng thời gian ngắn, đeo không quá chật và cần có sự tư vấn của bác sĩ chứ đừng lạm dụng.

Nói tóm lại thì các mẹ đừng có dùng đai nịt bụng cho chắc ăn, chứ dùng rồi chẳng biết thế nào đâu. Đọc những thông tin trên báo về tác hại của nó mà rén quá chừng. Thôi thì muốn lấy lại vòng eo cứ phải bỏ tiền đi tập tành kết hợp với chế độ ăn uống. Chứ mình nghĩ ở đấy đeo đai siết eo mà không có ‘bóp mồm bóp miệng’ lại thì cũng còn lâu mới giảm được.

Ngoài ra, các mẹ cũng có thể thử áp dụng những bài tập giảm mỡ tăng cơ. Mình thấy nhiều bài tập được chia sẻ rộng rãi mà hiệu quả lắm luôn ấy. Mình cũng định bắt đầu tập thử đây, các mẹ cũng thử xem nha.