Vài chục năm về trước, rất nhiều thanh niên trẻ mơ mộng ra nước ngoài theo con đường du học. Dù xin học bổng hay được mẹ cha “tài trợ” thì khi về nước, họ sẽ được đánh giá cao, được nhiều người coi trọng và cơ hội việc làm thuận lợi vô cùng.

Tuy nhiên, du học sinh thời hiện nay không còn được đánh giá “quá cao” nữa. Thậm chí họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc hòa nhập lại với môi trường cũ, có sự nghiệp bấp bênh, chẳng mấy suôn sẻ. Và đây cũng là một trong những thực trạng đang diễn ra ở Trung Quốc.

Wang Shan (quê Thành Đô) du học Mỹ 7 năm và tốt nghiệp thạc sĩ ngành quản lý từ một trường đại học hàng đầu. Nhưng khi về nước, cô liên tục không xin được việc, sau đó chấp nhận đi phỏng vấn cho vị trí cơ bản nhất là kiểm toán viên.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: nytimes.com)

Cuộc phỏng vấn kiểm toán viên diễn ra trực tuyến. Khi Wang Shan xuất hiện trước ống kính với mái tóc nhuộm trắng và lộ hình xăm, cô bắt gặp ánh mắt ngập ngừng hiện rõ trên khuôn mặt của người phỏng vấn. Ngay sau đó, người bên kia nở một nụ cười lịch sự, anh ta vội vàng hỏi vài câu. Trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc, Wang Shan đoán rằng mình đã trượt một lần nữa.

Cô nghĩ rằng có lẽ chính hình ảnh của các du học sinh Mỹ khiến người ta có cảm giác họ chơi bời, thiếu sự tin tưởng. Nhưng điều quan trọng nhất là trình độ thạc sĩ của một du học sinh như cô quá cao so với nhu cầu "cao đẳng trở lên" cho vị trí này. Không ai có thể nghĩ rằng ứng viên như cô có đủ kiên nhẫn để ở lại.

Thạc sĩ thất nghiệp Lily (26 tuổi) tốt nghiệp thạc sĩ tại một Học viện Mỹ thuật nổi tiếng của Pháp. Về Trung Quốc, cô sống một mình tại thành phố du lịch hạng hai và thỉnh thoảng bị bố mẹ gây áp lực về mức thu nhập quá thấp, công việc thì bình thường.

"Lương thấp, và chẳng ai biết tôi. Gần 30 tuổi rồi, vẫn chỉ có mức lương ấy, tôi không biết mình sẽ phải làm gì trong tương lai", cô bày tỏ. Tại công ty, Lily vừa lập kế hoạch, vừa thiết kế, đôi khi kiêm cả viết lách bán thời gian.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: sohu.com)

Công việc tẻ nhạt, lương tháng chỉ 5.500 tệ nhưng tiền sinh hoạt của cô chắt bóp cũng phải khoảng 6.000-7.000 tệ. Một người bạn cùng lớp đại học làm việc ở Thâm Quyến nói với Lily rằng lương trợ lý của cô ấy còn không thấp bằng cô.

Liu Meng (26 tuổi) cũng từng nhận 30 lá thư từ chối của các công ty, tất cả đến từ các công ty truyền thông cô muốn ứng tuyển, kể cả một số doanh nghiệp ít tiếng tăm. Trước đây, cô đều theo học tại các trường trọng điểm, sau đó theo học tại Đại học Công nghệ Nanyang, nơi được coi là trường "số 1 châu Á", "trường con nhà người ta".

Liu Meng yêu thích truyền thông, nhưng ngành này coi trọng kinh nghiệm. May sao, một công ty truyền thông cho Liu cơ hội thử việc, với mức trợ cấp 2.400 nhân dân tệ - chỉ bằng 1/10 thu nhập trước đây. Để tiết kiệm tiền nhà, cô xin gia đình hỗ trợ, đồng thời cô ở chung phòng, ngủ chung giường với một cô gái lạ. Căn hộ cô thuê được chia nhỏ và có 7 cô gái ở chung.

Hiện nay ở Trung Quốc, nhiều du học sinh buồn bã vì không được xem trọng khi học xong trở về quê hương. Họ thất vọng vì từng bỏ số tiền lớn để ra nước ngoài học tập nhưng chịu cảnh thất nghiệp sau khi tốt nghiệp về nước.

hình ảnh

Hình minh họa (Ảnh: Zing)

Hỡi ôi các bạn trẻ à, du học đâu phải là chìa khóa vạn năng. Và đôi khi, vì bạn "quá cao" nên chẳng ai muốn "hái". Nhiều nhân sự ở các công ty thừa nhận rằng, họ sợ tuyển du học sinh vì nhiều người hay mắc bệnh ảo tưởng, cho rằng mình phải làm được vị trí này nọ.

Kiểu như: "Tôi đi học ở Tây về, tôi có cả kho kiến thức chuyên môn hàng đầu về lĩnh vực tôi đang theo đuổi, tôi có kinh nghiệm thực tập ở các công ty lớn bên kia... vì thế lương của tôi phải gấp 2, gấp 3 lần nhân viên bình thường ở đây...".

Dù xuất phát điểm của bạn có tốt hơn, được mở mang tri thức ở nước ngoài nhưng thực tế, nhiều người khác ở trong nước cũng nổi trội không kém, có người rất xuất sắc, giỏi giang, trong khi mức lương họ đề xuất thấp hơn bạn. Vậy thì nhà tuyển dụng sẽ ưu tiên ai nào?

Thế là các bạn thất nghiệp, các bạn lại đâm ra mặc cảm với chính bạn bè của mình, những người học Đại học trong nước hay chỉ có bằng Cử nhân, nhưng đã có công việc ổn định và thăng tiến ào ào. Trong khi đó thì bạn vẫn ì ạch đi xin việc. Quá kỳ vọng và khả năng thích ứng kém sẽ khiến bạn rất dễ nản và nhanh chóng bỏ cuộc!

Trong khi đó, những bạn bè cùng lớp, cùng khoa với bạn ngày xưa, đã có công ăn việc làm ổn định, có người lương cao, có người lương vừa phải nhưng quan trọng là họ biết mình đang ở đâu, có được năng lực gì để ứng tuyển.

hình ảnh

Nhiều người chẳng cần du học, cũng có kiến thức và kỹ năng tuyệt vời. IELTS 7.5, 8.0 không còn là "hàng hiếm". Những kỹ năng về mạng xã hội, quảng cáo như SEO, chạy Ads, kiến thức đầu tư, các bạn ấy tự học và lăn lộn qua các công ty để học rất cừ. Và cũng có rất nhiều những cuộc thi uy tín giúp các bạn ấy khẳng định năng lực bản thân nữa.

Trong khi ở nước ngoài, nhiều bạn du học sinh chỉ ăn rồi ngủ, lên lớp thi cho qua điểm, cố gắng về nước càng sớm càng tốt để lấy “mác du học đi nộp đơn”, họ không làm thêm, không trải nghiệm, không dám xin việc ở các công ty lớn ở bên đó. Va vấp và thực tiễn là con số 0 tròn trĩnh, vậy ai dám tuyển?

Dù những câu chuyện được kể ra là ở Trung Quốc, nhưng thực tế ở Việt Nam cũng đầy nhan nhản những trường hợp giống vậy thôi. Cho nên mong người trẻ hãy tỉnh táo, học cách chấp nhận và nỗ lực trong sự tích cực. Cần biết rõ mình cần năng lực gì khi về nước và đôi khi phải học cách “hạ cái tôi” của mình xuống.

Nguồn: Zing