Đi làm và đóng BHXH gần đủ 20 năm phải nói là quá trình tích lũy không hề dễ dàng, đặc biệt là với các bạn trẻ mau chán hay thích thay đổi công việc như bây giờ.

Trước đó, em từng chia sẻ với bà con rằng ngoài các lý do như mắc bệnh nặng hiểm nghèo hoặc ra nước ngoài định cư thì bà con có quyền yêu cầu nhận BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc nếu đóng BHXH chưa đủ 20 năm và cũng chưa đủ tuổi nghỉ hưu.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Xe và Thể thao. 

Nhiều bà con đọc tới đây, hỏi rằng giờ đóng BHXH gần đủ 20 năm rồi, có nên dừng lại chờ 1 năm sau nhận BHXH một lần không hay là đóng tiếp?

Để em giải thích cho bà con rõ từng trường hợp rồi bà con xem xét kỹ và đưa ra quyết định đúng đắn, phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình nhé.

* Nếu đóng BHXH gần đủ 20 năm, bà con dừng lại không đóng nữa và chưa đủ tuổi nghỉ hưu

Lúc này, sau 1 năm nghỉ việc bà con không còn nhu cầu tiếp tục tham gia BHXH nữa có thể làm thủ tục yêu cầu nhận BHXH một lần.

Theo quy định, mức hưởng BHXH một lần được tính như sau:

- Cứ mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 thì được nhận 1,5 tháng lương bình quân đóng BHXH.

- Cứ mỗi năm đóng BHXH từ sau năm 2014 thì được nhận 02 tháng lương bình quân đóng BHXH.

Sau khi nhận BHXH một lần xong, toàn bộ các quyền lợi khác liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN của bà con coi như không còn. Trong trường hợp bà con muốn nhận lương hưu hoặc các chế độ BHXH khác thì phải đóng BHXH và tích lũy thời gian lại từ đầu theo đúng quy định của pháp luật.

* Nếu đóng BHXH gần đủ 20 năm, nên đóng tiếp cho đến khi về hưu

Lúc này, bà con sẽ nhận lương hưu mỗi tháng cao hơn so với trường hợp chỉ đóng đủ 20 năm vì hiện nay, mức 45% sẽ tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đối với lao động nữ. Nên thêm thời gian đóng sẽ được tính thêm 2% cho đến tối đa là 75%.

Chưa hết, nếu mức hưởng lương hưu hằng tháng vượt trên mức 75% bình quân tiền lương tháng đóng BHXH thì bà con còn được nhận khoản gọi là trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.

Theo tính toán, với lao động nữ cần 30 năm đóng BHXH để được nhận lương hưu hằng tháng ở mức tối đa và với lao động nam là 35 năm.

Do đó, nếu bà con đóng BHXH vượt số năm quy định trên thì cứ mỗi năm đóng BHXH vượt mức này sẽ đưiợc tính thêm nửa tháng lương bình quân đóng BHXH.

Bên cạnh đó, trong thời gian nhận lương hưu, bà con còn được cấp thẻ BHYT miễn phí với tỷ lệ chi trả lên đến 95% chi phí khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật và nếu qua đời thì người thân còn được nhận trợ cấp mai táng phí, tương đương 14,9 triệu đồng (10 tháng lương cơ sở ở thời điểm hiện tại) và chế độ tuất hằng tháng hoặc một lần tùy trường hợp cụ thể.

Trong quá trình đóng tiếp BHXH, nếu bà con mất việc nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì có thể được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đáp ứng đủ điều kiện về trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, thời gian đóng cũng như việc nộp hồ sơ đề nghị hưởng.

Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp mỗi tháng được tính bằng 60% mức lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng trước khi thất nghiệp và thời gian hưởng trợ cấp này tùy thuộc vào thời gian bà con đã đóng nhưng ít nhất là 03 tháng và cao nhất là 12 tháng. Đồng thời, với bà con đi làm trước năm 2009, còn được hưởng thêm khoản gọi là trợ cấp thôi việc trong trường hợp này.

Bà con nên nhớ, chúng ta không thể nhận đồng thời trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc cùng với lương hưu nhé, chúng ta chỉ có sự lựa chọn 1 trong 2 thôi.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Zing News và VnBusiness. 

Nhìn vào so sánh và phân tích nêu trên, chắc chắn ai cũng thấy rằng đóng BHXH gần đủ 20 năm và tiếp tục đóng nữa sẽ có lợi hơn rất nhiều, vừa được nhận lương hưu, vừa được nhận trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cùng chế độ BHYT, chế độ mai táng phí và chế độ tuất nếu không may qua đời.

Bà con nắm rõ được những quyền lợi này để cân nhắc chọn lựa và quyết định phù hợp nhằm đảm bảo cuộc sống của mình được ổn định khi về già, tránh phụ thuộc con cái. Chúc bà con sẽ có quyết định lựa chọn sáng suốt nha.

Thêm nữa, nếu bà con đã đóng BHXH với thời gian quá dài mà không nhớ rõ mình đã đóng được bao lâu thì hoàn toàn có thể đăng nhập vào ứng dụng VssID (BHXH số) để tra cứu quá trình tham gia BHXH và biết được mình đã đóng được bao nhiêu năm rồi để từ đó cân đối, tính toán nhằm đưa ra quyết định phù hợp nhé. Dù vậy, có thể quá trình cập nhật hệ thống gặp một số sai sót nhất định, trong trường hợp cảm thấy không đúng, bà con có thể liên hệ cơ quan BHXH để được trình bày giải đáp thắc mắc và khiếu nại bổ sung vào hệ thống cho đủ, tất cả vì quyền lợi của mình.