Có nhiều ngành lấy điểm chuẩn kịch trần 30 điểm, 29,75 điểm khiến thí sinh “choáng váng”.

Ngày 15/9, các trường lần lượt công bố điểm chuẩn đại học 2021, được đánh giá là có sự tăng mạnh khiến nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt. Trên các diễn đàn, cộng đồng mạng dành cho học sinh, những lời than thở của các em sau khi biết điểm thật sự rất thương. Có trường hợp rớt cả 9 nguyện vọng, vì điểm em thi rất cao nhưng không ngờ điểm chuẩn của trường còn cao hơn.

“Trường ngoại thương mà nhìn điểm muốn nội thương”

Đây là một trong số hàng trăm lời than thở của học sinh khi các trường công bố điểm chuẩn đại học 2021. Đa số các em đều quá bất ngờ vì điểm cao hơn năm trước rất nhiều. Điều này khiến việc đăng ký nguyện vọng đại học của các em dựa theo điểm thi tốt nghiệp bị “hớ”.

hình ảnh

Ảnh chụp màn hình

Nhiều em điểm rõ cao, tận 26, 27, thậm chí 28 điểm nhưng vẫn trượt nguyện vọng một cách thê thảm vì điểm chuẩn cao hơn 0,5 điểm. Đáng chú ý nhất là bình luận của một học sinh: “18 tuổi, lần đầu tiên, tôi biết cảm giác 27 điểm trượt hết cả 9 nguyện vọng thi đại học”.

Lý giải nguyên nhân trượt đại học dù thi trung bình mỗi môn 9 điểm, nhiều người cho rằng do bạn này chọn nguyện vọng phạm sai lầm. Bạn đăng ký vào những trường top như Ngoại thương, Kinh tế quốc dân thì tỉ lệ chọi cao, mức điểm chuẩn cũng chót vót, dù 27 điểm cũng khó chen chân.

Việc trượt nguyện vọng, hụt hẫng vì điểm cao vẫn không đỗ là câu chuyện chung của rất nhiều thí sinh ngay thời điểm hiện tại. Theo đánh giá, so với năm ngoái, mặt bằng điểm chuẩn năm nay tăng mạnh, có ngành tăng từ 3 - 4,5 điểm và tăng ở tất cả các ngành.

Do nhiều em không lường trước được, khi đăng ký nguyện vọng lại chọn ngành có điểm chuẩn năm trước bằng hoặc chỉ thấp hơn một chút so với điểm thi tốt nghiệp. Đến khi điểm chuẩn năm nay công bố ra thì đã vọt cao hơn 2 - 3 điểm, cuối cùng bị trượt.

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: hengai

Loạt ngành học khiến thí sinh ngậm ngùi “quay xe” vì điểm chuẩn quá cao

Nằm mơ thì nhiều em cũng không ngờ ngành học mình chọn lại có điểm chuẩn cao đến như vậy. Có ngành điểm chuẩn lấy tuyệt đối 30/30, hay ít hơn là 29,75 điểm, nhìn thôi đã khiến thí sinh lẫn phụ huynh “khóc thét”.

Một số ngành học khiến thí sinh ngậm ngùi ôm trái đắng gồm:

- Ngành Hàn Quốc học, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia Hà Nội: 30 điểm khối C00.

- Ngành Nghiệp vụ Cảnh sát, Học viện Cảnh sát nhân dân: cao nhất lên đến 29,75 điểm.

- Ngành Công nghệ thông tin, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM: 28,75 điểm.

- Ngành Kinh tế (Quản trị kinh doanh), ĐH Ngoại thương cơ sở TPHCM: 28,55 điểm, các ngành còn lại đều lấy điểm chuẩn trên 28.

- Ngành Luật thương mại quốc tế, ĐH Luật TPHCM: 28,5 điểm.

- Ngành Kỹ thuật phần mềm, ĐH Công nghệ Thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM: 27, 55 điểm.

- Ngành Marketing thương mại, ĐH Thương mại: 27,45 điểm.

- Ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt - ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch: 27,35 điểm.

hình ảnh

Thí sinh xem điểm chuẩn theo phương thức điểm thi tốt nghiệp THPT tối 15.9. Ảnh minh họa, nguồn: Thanh Niên

Với số điểm trên đây thì nhiều em thi được 26, 27 điểm cũng không đậu được nguyện vọng đã đăng ký. Lý giải về việc điểm chuẩn đại học năm nay tăng, nhiều lý do đã được đại diện các trường đại học đưa ra.

Đầu tiên là do phổ điểm thi tốt nghiệp tăng, hai là các trường đại học dành chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp THPT ít hơn năm 2020. Một lý do khác đưa ra những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quy đổi ra điểm cao dẫn đến tổ hợp thi có môn ngoại ngữ cũng tăng điểm theo.

Bên cạnh đó, những thí sinh giỏi có nguyện vọng đi du học nhưng do diễn biến phức tạp, vẫn phải ở lại xét tuyển các trường trong nước. Điều này càng khiến tỉ lệ cạnh tranh gay gắt, đẩy điểm chuẩn đại học lên cao hơn.

Những thí sinh chẳng may trượt tất cả nguyện vọng thì đừng vội nản. Sau khi có điểm chuẩn đại học, những trường còn thiếu chỉ tiêu sẽ tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT và học bạ. Trong thời gian này các em nên chú ý theo dõi thông tin các trường nhé.