Mỗi ngày bỏ ra có bao nhiêu tiền đâu, vậy mà về già được hưởng từng ấy tiền, ai mà không thích. Nhiều người cứ tính toán tiền đóng BHXH nhưng lại không nghĩ đến chuyện về già không đi làm thì mình sẽ sống thế nào?

Đọc chia sẻ của bà V. – một giáo viên đã nghỉ hưu được 7 năm trên trang Dân Trí cho biết, cuộc sống hưu trí hiện tại của bà rất an nhàn, mỗi ngày bà nuôi chim, chăm vườn hoa trước nhà… rồi thi thoảng vài ba tháng lại cùng bạn bè đi du lịch. Trước đây đi làm, bà đóng BHXH đầy đủ thế nên đến lúc về hưu mỗi tháng bà được nhận hơn 8 triệu đồng rồi còn có thẻ BHYT miễn phí nữa. Với từng ấy số tiền, bà hoàn toàn có thể thoải mái tiêu xài khi năm nay đã ngoài 60 tuổi.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. 

Khác với bà, một số người lao động tự do, nông dân dù không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc, nhưng họ ý thức được vấn đề lương hưu khi về già nên tham gia BHXH tự nguyện, ước tính mỗi ngày công chỉ bằng tiền đóng BHXH tự nguyện tối thiểu của 1 tháng, đủ để về già có khoản lương hưu kha khá.

Ngược lại vẫn có nhiều người không bắt buộc nên cũng chẳng tham gia BHXH, đến khi về già không có khoản tích lũy, lại không còn đủ sức khỏe làm công việc có thu nhập ổn định, không nơi nương tựa nên khả năng phải đối diện với nhiều rủi ro trong cuộc sống là rất lớn.

Thử làm bài toán so sánh tiền đóng BHXH và khoản mình nhận được khi về già để rồi thấy, mình được lợi nhiều hơn là mất đó bà con. Đây nè, giả định rằng bà con tham gia BHXH tự nguyện, mỗi tháng có thể đóng mức thấp nhất là 297.000 đồng/tháng trong vòng 20 năm, trong đó có 10 năm được Nhà nước hỗ trợ.

Như vậy tính tổng số tiền BHXH phải đóng tầm khoảng 75,2 triệu đồng. Nếu như người này nghỉ hưu và sống được thêm 20 năm nữa thì tổng số tiền hưởng lương hưu hằng tháng, tiền BHYT và chế độ tuất có thể lên đến 622 triệu đồng đối với nam và 739 triệu đồng đối với nữ.

Được biết, theo quy định của pháp luật về BHXH hiện hành, mức hưởng lương hưu hằng tháng bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH theo quy định tương ứng với 20 năm đóng BHXH đối với lao động nam và 15 năm đóng BHXH đối với lao động nữ, sau đó, cứ thêm mỗi năm sẽ được tính thêm 2% nhưng mức tối đa sẽ bằng 75%.

Trong trường hợp mức hưởng lương hưu vượt quá giới hạn 75% thì phần vượt quá sẽ được tính làm căn cứ để hưởng trợ cấp một lần khi nghỉ hưu.

Ngoài nhận lương hưu mỗi tháng, bà con còn được nhận tấm thẻ BHYT miễn phí và khi mất đi còn được hưởng chế độ tuất gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất cho người thân còn sống trong trường hợp đủ điều kiện theo luật định.

Sau khi nghe phân tích xong, một số người bắt đầu có thay đổi suy nghĩ, tính đến chuyện lâu dài. Chẳng hạn như bà P. sau khi làm lụng vất vả, mỗi tháng bà cố gắng cân đối thu nhập, để dành một khoản để đóng bảo hiểm tự nguyện cho con.

Hoặc như trường hợp của chị M. chồng mất sớm nên một mình vất vả nuôi 2 con, dù chưa thực sự thoát nghèo nhưng chị cũng cố gắng tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn mình có thể tự lo cho mình khi về già, không phụ thuộc vào con cái.

hình ảnh


Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnamnet và Cổng thông tin điện tử BHXH Việt Nam. 

Đấy, mọi người thấy, rõ là chỉ cần mỗi ngày mình tích lũy một chút, về già chúng ta không còn phải lo lắng chuyện tiền nong để đảm bảo cuộc sống nữa.