Nhiều người nghĩ ngộ ghê, đi đường chấp hành luật giao thông. Sai là sai mà đúng là đúng, chứ sao kiểu biện hộ nửa vời thế kia.

>>> Đi theo Google Maps, nhiều tài xế qua hầm Thủ Thiêm bị "tuýt còi": Mẹ chú ý để tránh

Rồi chưa kể nghĩ mình đi xe đạp, đi bộ là CSGT không dám phạt. Không hoàn toàn như vậy đâu nhé.

Trang VTC News vừa rồi đưa tin, Công an TP.HCM vừa thực hiện chuyên đề xử phạt xe đạp đi vào đường cấm trên đường Phạm Văn Đồng, đoạn qua thành phố Thủ Đức, TP.HCM.

Theo ghi nhận, lúc 4 giờ sáng ngay tại giao lộ Phạm Văn Đồng với Kha Vạn Cân, dù đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng có một số người đi xe đạp tập thể dục vẫn vượt đèn đỏ bất chấp nguy hiểm. 30 phút sau, ngay tại giao lộ Phạm Văn Đồng và Tô Ngọc Vân, hướng về Quốc lộ 1 đã xuất hiện một đoàn người đạp xe đạp tập thể dục ngang nhiên vượt đèn đỏ, thậm chí thấy CSGT lập chốt vẫn vô tư đi qua.

hình ảnh


Ảnh: CSGT lập chốt xử phạt xe đạp đi tập thể dục chạy vào làn ô tô. Nguồn: VTC News. 

Lúc CSGT yêu cầu dừng xe thì một người phụ nữ trong nhóm giải thích là mình biết luật, rồi còn xưng mình làm bên tư pháp, là người tuyên truyền luật, nhưng lúc nãy là nhìn thấy đèn… cứ tưởng màu xanh nên đi, chứ bình thường chấp hành đúng lắm.

Chưa hết, một nhóm khác tương tự khi gặp CSGT có yêu cầu xuất trình giấy tờ thì một người vi phạm lý giải do đi tập thể dục buổi sáng nên đâu có mang giấy tờ, vả lại ai tập thể dục cũng đi vào đây vì đường dễ đi.

Dù biện hộ thế nào thì đúng là đúng mà sai là sai, cho nên mỗi người vi phạm bị phạt 250 ngàn đồng và được phép nộp phạt tại chỗ, sau đó nhận biên lai đóng phạt.

Thực tế là trên đường Phạm Văn Đồng vào buổi sáng thường vắng xe lưu thông nên nhiều người đi xe đạp ngang nhiên như là khu vực chỉ dành cho mình, đi vào đường dành cho ô tô. Dù đã bị phạt rồi nhưng vẫn chưa thấy tình trạng này thuyên giảm. Thậm chí khi gặp CSGT thì họ né, còn không có là cứ chạy ào ào.

hình ảnh


Ảnh chụp Biên bản xử phạt. Nguồn: VnExpress.

Không chỉ ở TP.HCM mà Hà Nội cũng xảy ra tình huống tương tự. Đó là trên đường Võ Nguyên Giáp, hằng ngày từ 5 đến 7 giờ sáng, có một nhóm đông người đạp xe tập thể dục đi vào làn đường dành cho ô tô. Khi thấy CSGT chốt chặn xử phạt, nhiều trường hợp đã quay đầu bỏ chạy sang đường gom – theo nguồn tin từ trang VnExpress cho hay.

Đã có nhiều trường hợp bị lực lượng chức năng dừng xe xử lý. Được phỏng vấn hỏi vì sao, một trong số người vi phạm trả lời “Hôm nay tôi thấy mát trời nên đi sớm, thấy đường vắng đã rẽ vào và đi sát lề bên phải vì hôm đó không có dụng ý chạy dài, tranh thủ mượn mấy con dốc để tập. Đây là đường dành riêng cho ô tô, tôi hiểu điều đó và nếu tôi đi ra làn ô tô thì nguy hiểm thật, đằng này tôi bám sát vào làn bên trong và đi chậm vì tôi nghĩ chẳng có ô tô đi vào”.

hình ảnh


Ảnh chụp những người lái xe vi phạm. Nguồn: VnExpress. 

Một người vi phạm khác nói rằng “Anh em đam mê xe đạp nên cứ thấy đường nào đẹp và vắng xe là thích đi, biết đi vào cũng rất là nguy hiểm vì đó là đường cao tốc. Do chuẩn bị các giải đua nội bộ, nên anh em muốn tập luyện thường xuyên và tăng tốc lên. Vả lại nay đường gom dưới kia vướng nhiều sỏi, cát nên chỉ định đi ở đây một đoạn rồi rẽ vào bên đó”.

Theo Công an thành phố Hà Nội, ngay tại đường Võ Nguyên Giáp – khu vực có nhiều xe đạp vi phạm đã có trang bị các biển báo cấm ngay phía đầu đường nhưng vẫn có một số người cố tình đi, nhất là vào khoảng thời gian từ 5 giờ rưỡi đến 7 giờ. Đa số đi tập trung thành nhóm đông người dàn hàng ngang chủ yếu mục đích là đi tập thể dục. Khi phát hiện lực lượng chức năng, nhiều người dừng lại, không chấp hành và quay đầu xe, gây nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông trên đường dẫn tới tai nạn.

hình ảnh


Ảnh: Nhiều người đi xe đạp tập thể dục bất chấp nguy hiểm vượt đèn đỏ. Nguồn: VTC News. 

Về cơ bản, theo Luật giao thông đường bộ năm 2008, người lái xe đạp chỉ được chở 01 người trừ khi chở thêm 01 trẻ em dưới 7 tuổi thì được chở tối đa 02 người.

Người lái xe đạp cần tuân thủ:

- Không đi xe dàn hàng ngang.

- Không đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác.

- Không sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

- Không sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh.

- Không được buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh.

- Không được có hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Còn người đang ngồi trên xe đạp cần tuân thủ:

- Không mang, vác vật cồng kềnh.

- Không sử dụng ô.

- Không được bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác.

- Không được đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lá.

- Không được có hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.

Lưu ý, người lái xe đạp và người ngồi trên xe đạp máy đều phải đội mũ bảo hiểm có cài quy đúng quy định.

Đã có Luật quy định thì người vi phạm sẽ bị phạt hành chính. Căn cứ Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, cụ thể:

hình ảnh


Ảnh: Cho rằng làn đường ô tô thông thoáng nên nhiều người chạy xe đạp vào làn đường tập thể dục. Nguồn: VTC News. 

#1. Phạt tiền từ 80 ngàn đồng đến 100 ngàn đồng đối với hành vi:

- Không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định.

- Dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước.

- Không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của biển báo hiệu, vạch kẻ đường, trừ các hành vi không tuân thủ đèn giao thông và đi vào đường cấm.

- Vượt bên phải trong các trường hợp không được phép.

- Dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường.

- Chạy trong hầm đường bộ không có đèn hoặc vật phát sáng báo hiệu; dừng xe, đỗ xe trong hầm đường bộ không đúng nơi quy định; quay đầu xe trong hầm đường bộ.

- Lái xe đạp, xe đạp máy đi dàn hàng ngang từ 03 xe trở lên, xe thô sơ khác đi dàn hàng ngang từ 02 xe trở lên.

- Người lái xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, hoặc chở người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù).

- Để xe ở lòng đường đô thị, hè phố trái quy định của pháp luật; đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông, đỗ xe trên đường xe điện, đỗ xe trên cầu gây cản trở giao thông.

- Không tuân thủ các quy định về dừng xe, đỗ xe tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt.

- Dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường, gây cản trở giao thông.

- Không nhường đường cho xe đi trên đường ưu tiên, đường chính từ bất kỳ hướng nào tới tại nơi đường giao nhau.

- Xe đạp, xe đạp máy, xe xích lô chở quá số người quy định, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu.

- Xếp hàng hóa vượt quá giới hạn quy định, không bảo đảm an toàn, gây trở ngại giao thông, che khuất tầm nhìn của người điều khiển.

- Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở.

hình ảnh


Ảnh: CSGT xử phạt đối với người đạp xe lấn làn ô tô. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

#2. Phạt tiền từ 100 ngàn đồng đến 200 ngàn đồng đối với hành vi:

- Lái xe đạp, xe đạp máy buông cả hai tay; chuyển hướng đột ngột trước đầu xe cơ giới đang chạy; dùng chân điều khiển xe đạp, xe đạp máy.

- Không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.

- Người đang lái xe hoặc chở người ngồi trên xe bám, kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang vác vật cồng kềnh; điều khiển xe kéo theo xe khác, vật khác.

- Không nhường đường cho xe xin vượt khi có đủ điều kiện an toàn hoặc gây cản trở đối với xe cơ giới xin vượt, gây cản trở xe ưu tiên.

- Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (có thể hiểu là vượt đèn đỏ, đèn vàng).

#3. Phạt tiền từ 200 ngàn đồng đến 300 ngàn đồng đối với hành vi:

- Lái xe lạng lách, đánh võng; đuổi nhau trên đường.

- Đi xe bằng một bánh đối với xe đạp, xe đạp máy; đi xe bằng hai bánh đối với xe xích lô.

- Đi vào khu vực cấm; đường có biển báo hiệu nội dung cấm đi vào đối với loại phương tiện đang điều khiển; đi ngược chiều đường của đường một chiều, đường có biển “Cấm đi ngược chiều”.

- Người lái xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ.

- Chở người ngồi trên xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật.

- Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 mg đến 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 mg đến 0,4 mg/1 lít khí thở.

hình ảnh


Ảnh: Nhóm đạp xe tăng tốc để né tránh chốt CSGT đang tuần tra kiểm soát trên đường Phạm Văn Đồng. Nguồn: Báo Thanh Niên. 

#4. Phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng đối với hành vi:

- Lái xe đi vào đường cao tốc, trừ phương tiện phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc.

- Gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, không tham gia cấp cứu người bị nạn.

- Lái xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở.

- Không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ.

Ngoài việc bị phạt tiền, người lái xe đạp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi lái xe lạng lách, đánh võng, đuổi nhau trên đường, đi xe bằng 1 bánh sẽ bị tịch thu xe.

Nắm rõ các quy định này, nếu đi xe đạp mẹ nhớ tuân thủ nha.