“Nhỏ đó lấy chồng nước ngoài vì tiền” – đây ắt hẳn là câu mà nhiều người thường nghĩ khi thấy cô gái Việt “cặp kè” với một anh Tây. Nhưng thực tế đâu phải ai cũng vậy, tình yêu vốn chẳng phân biệt màu da, dân tộc. Hà cớ gì cứ phải duy trì một lối định kiến quanh năm suốt tháng. Như câu chuyện mà tôi từng đọc được trên VNE cách đây vài năm.

Lần đầu gặp nhau, Tô Thùy Anh là nữ sinh năm nhất một trường cao đẳng, hàng ngày đi làm thêm ở một nhà hàng, còn anh Johannes Ott (người Đức) sang Việt Nam theo chương trình trao đổi sinh viên. Họ gặp nhau một cách tình cờ và yêu nhau theo cách không ai ngờ đến.

Để “cưa đổ” Thúy Anh, sáng nào Johannes cũng quần áo chỉnh tề, từ Hà Đông chạy xe đến gõ cửa phòng trọ của bạn gái ở Cầu Giấy. Tưởng Johannes chỉ đến chơi, ai ngờ anh mở laptop ngồi học bài, thi thoảng nhìn lên cười với cô gái Việt. Đến giờ trưa, khi 4 người bạn cùng phòng về, Thùy Anh mời ăn cơm, Johannes cũng ở lại, chẳng hề khách sáo.

Hôm đầu, chủ nhà lấy toàn bộ chỗ thức ăn để dành cho cả tuần trong tủ lạnh ra đãi khách, anh bạn mới quen của Thùy Anh ăn sạch sành sanh. Hôm sau được mời, Johannes lại tiếp tục ngồi xuống mâm. Đến một hôm, cực chẳng đã Thùy Anh nói với bạn: "Thôi anh đừng đến đây ăn cơm nữa".

hình ảnh

Thùy Anh và Johannes hạnh phúc trong ngày cưới (Ảnh: VNE)

"Cứ để bạn ấy ở lại dùng bữa cho vui", mấy người bạn cùng phòng gạt đi. Nghe vậy, Johannes mừng rỡ lại ngồi xuống. Một tuần sau, chỗ gạo để ăn cả tháng của phòng Thùy Anh hết nhẵn. "Nếu anh muốn ăn thì phải góp gạo", Thùy Anh góp ý. Hôm sau, anh chàng chở theo bao gạo 20 kg đến phòng trọ như yêu cầu.

"Đẹp trai không bằng chai mặt. Đã thế tôi vừa đẹp trai lại vừa chai mặt nên phải tận dụng hết thế mạnh của mình", Johannes Ott cười. Hơn 3 tháng trồng cây si và "ăn nhờ" ở phòng trọ sinh viên, một đêm, Johannes uống rượu thật say để có can đảm tỏ tình. Tình yêu của họ bắt đầu theo cách chẳng giống ai như thế.

Yêu một chàng ngoại quốc, Thùy Anh được nếm đủ chuyện dở khóc dở cười. Có lần nhìn thấy cô và anh rời khỏi nhà hàng sau bữa tối, hai bảo vệ nói với nhau: "Con bé này tối qua tao nhìn thấy đứng ở đường Lê Duẩn". Nghe câu nói không tốt đẹp gì về mình, Thùy Anh bật khóc.

Johannes bắt cô nói lý do. Nghe kể xong, anh chàng hùng hổ quay lại nhà hàng khi nãy hỏi tội. Nhưng vì không thạo tiếng Việt, anh quát hai bảo vệ: "Em yêu, vừa nãy nói gì hả?". Hai bảo vệ thấy anh chàng to con nổi nóng, có phần sợ sệt nhưng lại thấy anh ta gọi mình là "em yêu" thì bối rối. Thấy phản ứng của bạn trai và khuôn mặt ngơ ngác của hai bảo vệ, Thùy Anh phì cười kéo anh đi.

Một lần khác, vì muốn làm bạn gái vui nên Valentine đầu tiên yêu nhau, anh bịt mắt, dẫn cô đến bàn tiệc ngập ánh nến do mình chuẩn bị. Nhưng đập vào mắt Thùy Anh lại là những cốc nến dùng để thắp trên bàn thờ và lọ hoa cúc vàng. Hỏi ra mới biết, anh chàng tự vào siêu thị, nhìn thấy nến đẹp nên mua về bày, chứ không biết ý nghĩa.

Bà Thúy Vân (mẹ Thùy Anh), nhớ lại thời điểm con gái về nhà xin phép lấy chồng khi chưa đủ 20 tuổi: "Con quyết định lập gia đình khi còn quá trẻ, lại là một chàng trai nước ngoài mẹ nào không lo lắng. Nhưng từ nhỏ Thùy Anh đã tự lập, nên tôi tin tưởng con".  Sau đám cưới, Johannes đi dạy tiếng Đức, đóng quảng cáo, Thùy Anh vừa học vừa làm gom tiền lập nghiệp.

Lần đầu cùng chồng về quê hương anh, thấy Johannes mắt sáng lên, ríu rít giới thiệu khi nhìn thấy các món ăn Đức, cô gái Việt mới hiểu chồng đã hi sinh vì hạnh phúc gia đình đến mức nào. "Lúc cưới nhau hai bàn tay trắng, làm gì có tiền mua thực phẩm Đức, chắc là anh nhớ món ăn quê hương lắm nhưng chẳng bao giờ than thở", Thùy Anh kể. Theo như tôi nhớ, ở thời điểm VNE đăng tải bài viết về họ thì họ đã làm chủ một công ty nội thất, là bố mẹ của hai công chúa (7 tuổi và hơn 8 tháng tuổi).

Bây giờ chúng tôi có thể cùng nhau nếm những món ăn đắt tiền mà mình thích. Nhưng suy cho cùng, chẳng món gì ngon nếu không có tình yêu nêm nếm vào lúc nấu. Tôi hạnh phúc vì luôn có gia vị này, dù lúc hàn vi hay khi cuộc sống đã khá hơn", Thùy Anh nói.  

hình ảnh

Johannes là ông bố "bỉm sữa" chính hiệu (Ảnh: VNE)

Có lẽ trong quan niệm của nhiều người, một cô gái Việt Nam yêu một anh chàng ngoại quốc thường vì tiền, vì sự sang chảnh được đi “xuất ngoại”, thế nhưng đời sống hiện đại bây giờ đã khác. Không phải anh Tây nào cũng giàu và không phải tình yêu xuyên biên giới nào cũng vì kinh tế.

Cũng như câu chuyện của Johannes và Thùy Anh, đôi bạn trẻ đến với nhau bằng những rung cảm đơn giản, thanh thuần nhất. Johannes không phải đại gia như mọi người vẫn nghĩ, anh cũng chỉ là một người đàn ông có thu nhập tầm trung, cùng cô vợ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp.

Người ta thường nói, trong tình yêu, thời gian là phép thử lòng người, cũng chính là minh chứng cho lòng người. Người ta có thể lừa dối nhau vài ngày, vài tháng thậm chí cả năm nhưng đâu ai có thể đeo một chiếc mặt nạ mãi cả đời được.

 Vì thế, khi yêu, ai cũng mong có được một tình yêu bình dị, có thể thoải mái để mặt mộc, thoải mái thể hiện "tính xấu" mà không sợ người kia để bụng, đánh giá. Như cách chàng Tây đi “cua” cô gái Việt, thoải mái “ăn nhờ” (duyên mà không lố), sẵn sàng bảo vệ bạn gái trước những lời bàn tán của mọi người, không đủ tiền đi nhà hàng 5 sao, anh tự mua hoa nến tổ chức sinh nhật.

hình ảnh

Và rồi, họ đến với nhau, cùng xây đắp tổ ấm, cùng sinh con đẻ cái, cùng gây dựng sự nghiệp và cùng tận hưởng những khoảnh khắc bình yên. Tình yêu chân thành là thế, không cần quá màu mè, khoe mẽ cũng chỉ khiến mọi người ghen tị với hai bạn mà thôi.

Người thông minh luôn chọn một hạnh phúc đơn giản, nhẹ nhàng, quan trọng là tìm ra được người chịu đồng hành với ta trong suốt quãng đời còn lại. Nói như Hoàng Bách: "Càng trưởng thành bao nhiêu, tình yêu lại càng giản đơn bấy nhiêu".