Tại sao khi còn trẻ, bạn phải nỗ lực hết sức mình để kiếm nhiều tiền và tích lũy được tiền? Câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cuộc đời mỗi con người.

Nếu có ai hỏi tiền bạc quan trọng với tôi cỡ nào, tôi sẽ chẳng ngần ngại trả lời, nó là lẽ sống của mình. Dĩ nhiên, tôi không thuộc tuýp người bất chấp sai trái để kiếm tiền mà chỉ muốn dùng tiền để có thể lo lắng trọn vẹn cho những người mà mình yêu thương.

Bởi xã hội hiện đại rồi, tình cảm dù có sâu sắc đến đâu mà chỉ biết trao gửi trong lời nói, ánh mắt, cử chỉ thì hời hợt quá. Sẽ thật tốt nếu bản thân tôi có thể dang tay giúp người thân thiết của mình lúc họ khó khăn, đau yếu, bệnh tật mà cần dùng đến nhiều tiền…

hình ảnh

Xã hội hiện đại, tình cảm dù có sâu sắc đến đâu mà chỉ biết trao gửi trong lời nói, ánh mắt thì chưa đủ (Ảnh minh họa: internet)

Kể cho các bạn nghe câu chuyện của gia đình tôi để các bạn dễ hình dung tại sao tôi lại sống chết với quan điểm có phần thực dụng như vậy. Bà ngoại tôi sinh được 2 người con là mẹ tôi và dì. Cùng là con gái với nhau nhưng tính tình thì trái ngược lắm. Dì chăm chỉ học hành, ra trường có công việc ổn định, làm chủ kinh tế mới chịu lấy chồng. Còn mẹ tôi thì cá tính mạnh, nghỉ học sớm và sau đó là lấy chồng sớm, kinh tế phụ thuộc vào ba tôi là chủ yếu.

Rồi cũng đến lúc ông bà ngoại đau yếu vì tuổi già, mỗi lần nằm viện là tốn rất nhiều tiền. Trong khi dì xông xáo lo lắng mọi thứ từ chế độ dinh dưỡng cho đến viện phí thì mẹ tôi có phần khiêm tốn hơn khi chỉ trông nom chút đỉnh. Nói thẳng ra là nhà tôi đông con, đồng lương của bố eo hẹp nên mẹ dù thương ông bà ngoại lắm cũng đành bất lực trông chờ vào dì.

Cũng vì chuyện đó mà mẹ mặc cảm khóc lóc nhiều lắm. Mẹ ân hận vì tuổi trẻ bồng bột, không biết nỗ lực học hành, làm việc để tích lũy tiền bạc. Giờ chỉ có thể ở nhà nội trợ, bán buôn nhỏ không lời lãi bao nhiêu. Con cái thèm ăn cái nọ cái kia, đi học cần mua bao nhiêu thứ đồ, cần đóng học phí… mẹ đều phải cân đo đong đếm từng li một. Rồi ông bà đau yếu cũng không có tiền giúp đỡ.

hình ảnh

(Ảnh minh họa: internet)

Nhớ hồi em út nhà tôi mới đẻ 1 tháng bị nhiễm trùng cuống rốn nên sốt cao phải cho đi viện. Lúc này đúng đợt cao điểm bệnh đường hô hấp ở trẻ nhỏ nên bác sĩ khuyên bố mẹ tôi nên cho em nằm giường dịch vụ để tránh bị lây nhiễm chéo. Tuy nhiên, giá giường dịch vụ đắt hơn rất nhiều nên dù sốt ruột vô vàn, bố mẹ cũng đành để em nằm giường thường do bảo hiểm y tế chi trả. Cũng may là ông trời phù hộ, cuối cùng em tôi cũng bình an trở lại.

Thế mới thấy, tiền quan trọng đến cỡ nào, dù tình cảm có bao la đến đâu mà không có tiền thì cũng thiếu sót nhiều lắm. Những người bạn thương yêu gặp khó khăn mà bản thân bất lực, khổ sở không giúp được gì. Hoặc đơn giản trong chuyện yêu đương nam nữ, thời buổi này “một túp lều tranh hai trái tim vàng” khó mà hạnh phúc viên mãn lắm.

Khi yêu có thể bạn không cần tiền gì nhiều đâu, nhưng khi đã cưới nhau rồi thì điều đó là không thể! Cả con trai lẫn con gái cũng vậy thôi, ai cũng muốn tiến tới với một người có gia cảnh khá giả, để cuộc sống đi lên nhanh chóng chứ không phải là chuỗi ngày chắt chiu từng đồng từng cắc. Không tiền, đó thực sự là một bi kịch.

hình ảnh

Không tiền, đó thực sự là một bi kịch (Ảnh minh họa: pixabay)

Vì vậy, chẳng còn cách nào khác là tập trung kiếm thật nhiều tiền khi còn trẻ. Bởi một khi bạn già đi, việc nỗ lực sẽ gặp vô vàn khó khăn, trở ngại. Ví dụ, khi đã có tuổi mà bất ngờ bị mất việc, bạn sẽ rất khó tìm được một công việc ngon lành như mong muốn. Bạn buộc phải chấp nhận một công việc lương thấp hơn hoặc làm khổ hơn, ở xa nhà hơn. Đó là chưa kể sức khỏe xuống cấp, nhan sắc phai tàn, không còn nhiều lợi thế để thăng tiến nữa.

Mỗi người trong chúng ta sẽ cảm thấy ổn định, cuộc sống nhẹ nhàng dễ thở khi trong tay có tiền và có gia đình yên ấm, nề nếp. Lúc này, bản thân sẽ tự tin có đủ sức làm chỗ dựa cho những người mà mình yêu thương. Không còn bật khóc bất lực khi họ cần giúp đỡ mà mình trong tay chẳng có một xu.

Còn trẻ, hãy ghi nhớ rằng “khổ trước sướng sau”. Thầy giáo dạy môn Vật lý thời Trung học phổ thông của tôi từng lặp đi lặp lại câu nói: “Các em hãy chịu khổ tập trung học hành thật tốt 3 năm THPT này để được sướng 30 năm về già” khiến tôi vô cùng ấn tượng và quyết định làm theo lời khuyên. Quả thực, ai chẳng thích vui chơi, hưởng thụ nhưng chơi có mức độ để dành trí lực kiếm tiền tích lũy cho tương lai mới là một người trẻ thông minh.