Em bé vừa ra đời đã có vết sẹo lớn chằng chịt sau lưng, thương con.

Có một số người sinh con ra không như ý muốn lại đi chê con. Họ đâu biết rằng, sinh ra được một đứa con khỏe mạnh, lành lặn đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Nhiều người mẹ, họ phải chấp nhận việc sinh ra một đứa trẻ không được như con người ta. Với họ, chỉ cần con được sống, con có cuộc đời bình thường đã là may mắn lắm rồi.

Tình cờ gần đây, em xem được hình ảnh của em bé sơ sinh với một vết sẹo chằng chịt trên lưng. Nhìn con rất tội, có người yếu vía sẽ thấy rờn rợn. Nhưng bố mẹ con không chê con vì sẹo, ngược lại còn thương con hơn. Nghe quá trình con phải phẫu thuật trong bụng mẹ, rồi kiên cường chào đời, càng thêm khâm phục nghị lực sống của con.

hình ảnh

Ảnh: ameridisability

Chuyện em bé vừa chào đời ở lưng đã đầy sẹo cũng xảy ra khá lâu rồi mọi người, từ năm 2019. Nhưng mỗi lần nhìn bức ảnh gia đình bên tấm lưng không lành lặn của đứa trẻ bé bỏng, thật sự không cầm được niềm xúc động.

Nay em xin được chia sẻ câu chuyện của em bé này một lần nữa. Chỉ mong tạo động lực cho các mẹ đã nuôi nấng những đứa trẻ không được hoàn hảo như con nhà người ta. Trên đời này vẫn có những em bé không hoàn hảo, nhưng con được sống, chào đời bình an, với gia đình đã là phước báu rồi.

Đây là chuyện của gia đình chị Jessica Trinkle, nước Mỹ. Thời điểm năm 2019, chị lúc đó 26 tuổi đang mang thai được 23 tuần. Trong lần đi khám thai, hình ảnh siêu âm cho thấy thai nhi bị bệnh u tủy xương. Đây là một dạng tật nứt đốt sống nghiêm trọng.

Căn bệnh này sẽ ngăn cản xương sống hình thành đúng cách và có thể gây ra khuyết tật về trí tuệ và thể chất. Dù con sinh ra bình an vẫn có thể phải ngồi xe lăn, hạn chế vận động suốt đời.

hình ảnh

Ảnh: ameridisability

Em bé này là con thứ hai của chị Jessica, lúc hay tin con bệnh hiểm nghèo, chị gần như suy sụp. Chị khóc hết nước mắt nhưng không từ bỏ hy vọng. Chị lên mạng tìm hiểu, vào nhóm các bà mẹ gặp cảnh ngộ tương tự để hỏi thông tin. Rất may, có người cho chị biết có thể can thiệp bằng cách phẫu thuật mở thai.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ sẽ tiến hành mở ổ bụng, đóng lỗ hở ở lưng của thai nhi. Sau đó, tiếp tục để con ở yên trong bụng mẹ và nuôi thai đến khi con đủ ngày đủ tháng chào đời.

Với cách phẫu thuật mở thai sẽ giúp giảm đáng kể nhu cầu chọc dò tủy sống khi sinh. Đồng thời cải thiện khả năng vận động và chức năng chân của trẻ. Phẫu thuật thai nhi tuy nguy hiểm nhưng có thể ngăn ngừa tổn thương. Khiến tật nứt đốt sống không tiến triển trong thai kỳ.

Đặc biệt dạng phẫu thuật mở thai này chỉ thực hiện trong khoảng tuần thai 19 – 26. Chị Jessica không suy nghĩ nhiều, ngay lập tức đồng ý. Đêm trước khi đi phẫu thuật, người mẹ ôm con gái 3 tuổi dỗ con ngủ, lặng lẽ khóc nức nở.

hình ảnh

Ảnh: ameridisability

Khi thai được 25 tuần, bác sĩ làm phẫu thuật mở thai, 13 bác sĩ và y tá tham gia. Cuộc phẫu thuật thành công và mẹ tiếp tục mang thai em bé đến tuần thứ 37, không có biến chứng. Nhưng cũng từ lần phẫu thuật đó, con chưa chào đời đã mang vết sẹo lớn trên lưng.

Vào ngày 6 tháng 2 năm 2019, em bé được chào đời ở tuần thứ 37, nặng 2409 gram bằng phương pháp sinh mổ. Em bé chào đời vô cùng khỏe mạnh, không cần nằm lồng ấp mà được gặp ngay bố mẹ.

Hành trình lọt lòng của em bé có vết sẹo to trên lưng Parker được ví là chào đời 2 lần. Một lần là phẫu thuật mở thai để “vá” lỗ hổng nứt đốt sống. Lần thứ hai chính là chào đời như bao em bé khác.

Dù bị nứt đốt sống nhưng nhờ phẫu thuật từ trong bào thai, em bé đã có thể di chuyển hông và đầu gối, mắt cá chân và bàn chân. Dù phải dùng đôi giày chỉnh hình để tập chịu trọng lượng, tự đứng được trên chân mình nhưng đó đã là niềm vui lớn lao.

hình ảnh

Ảnh: ameridisability

Bệnh nứt đốt sống là một tình trạng kéo dài suốt đời. Nếu không được phẫu thuật và can thiệp sớm, rất có thể mất năng lực đi đứng cả đời, phải ngồi xe lăn. So với phẫu thuật sau khi sinh, việc mổ cho con từ trong bụng mẹ sẽ giúp tăng khả năng đi lại khi lên 2 tuổi cao gấp đôi. Đồng thời bé ít chịu các vấn đề thần kinh.

Dù phẫu thuật mở thai mang lại rủi ro, dễ bị sinh non, bắt buộc phải sinh mổ thì cũng rất đáng để thử. Vì nếu không, đứa trẻ sinh ra sẽ có thể “bất động” nửa thân dưới, cả đời của con vì thế sẽ sống rất khổ.

Hiện tại thì em bé kiên cường đó đã hơn 3 tuổi, thích tô màu, bơi lội. Tin vui là 80% cơ chân của bé từ đầu gối trở lên có thể kiểm soát. Con đã đi những bước đầu tiên từ năm 2 tuổi có sự hỗ trợ. Hy vọng với sự kiên trì làm vật lý trị liệu, con sẽ bước ra khỏi nghịch cảnh, tự đi vững trên đôi chân của mình.

Bố mẹ của em bé cũng cho biết, họ mong con họ chào đời khỏe mạnh, lành lặn, không có vết sẹo. Nhưng đến hiện tại, việc con vẫn bình an đã là quá đủ. Vết sẹo đó không làm họ bớt đi việc yêu thương con.

Các mẹ thấy không, việc mang thai suôn sẻ, sinh ra đứa con khỏe mạnh, lành lặn đã là niềm hạnh phúc lớn lao. Cho nên, con chào đời, nếu không được nét kháu hay lỡ có vết bớt thì bố mẹ đừng vội chê con, tội nghiệp con lắm.