Trong những năm gần đây, kỳ thi tuyển đầu vào lớp 10 tại các trường THPT không còn gọi là “khó khăn” nữa mà nó đã trở nên khắc nghiệt đến mức vắt kiệt sức của các sĩ tử. 

Sẽ không có một cơ hội khác cho các thí sinh thi lại vào lớp 10. Chất lượng đầu vào sẽ quyết định trực tiếp đến việc học sinh có thể vào THPT được hay không và cũng là tấm vé vòng loại để xem xét khả năng trúng tuyển vào một trường đại học lý tưởng theo ước mơ hay không.

Một học sinh thi vào lớp 10, nếu chẳng may không thể đậu vào trường công, gia đình không đủ điều kiện cho con theo học trường tư thì xem như cánh cửa tương lai đã hẹp lại. Các em phải tự định đoạt cuộc đời mình từ rất sớm qua kỳ thi gay gắt này.

hình ảnh

Số lượng học sinh tham dự thi tuyển trung học phổ thông tăng, giáo dục có những đổi mới, điểm chuẩn các trường công lập nâng mạnh... là các yếu tố khiến tỷ lệ trúng tuyển vào lớp 10 bậc THPT ở các tỉnh, thành phố khác nhau giảm đáng kể. Chẳng hạn, chỉ tính riêng TP.HCM, trong kỳ tuyển sinh 2022-2023 có khoảng hơn 20.000 học sinh TP.HCM sẽ rớt lớp 10 công lập. 

Thông tin này không vui chút nào vì nó có nghĩa là chỉ hơn một nửa số thí sinh tham dự xét tuyển sẽ trúng vào trường công. Số còn lại, nếu cha mẹ có điều kiện sẽ cho con theo học các trường thuộc hệ dân lập, hoặc học trung cấp nghề, hoặc bỏ học vì không còn chọn lựa nào khác 

Điều này khiến không ít phụ huynh căng thẳng cực độ. Nếu phải rơi vào trường hợp con rớt tất cả các nguyện vọng vào trường công lập và thậm chí cả dân lập thì phụ huynh sẽ phải làm gì tiếp theo?

Đáng ngạc nhiên là nhiều gia đình có suy nghĩ rằng thà để con ra đời, đi làm sớm, kiếm kinh nghiệm làm việc còn hơn theo học trung cấp nghề. Có lý do gì khiến không ít gia đình có chung lối suy nghĩ như này? 

Không cho con học nghề là vì lý do gì?

Đã là cha mẹ, ai cũng mong con mình có một tương lai tốt đẹp, học hành đỗ đạt đến nơi đến chốn, có một công việc ổn định và một chỗ đứng vững vàng trong xã hội dễ bị đào thải như hiện nay. 

Để đạt được điều này, có rất nhiều yếu tố cần và đủ đòi buộc.

Ở cấp trung học cơ sở, mục tiêu giáo dục suy cho cùng sẽ quy về con điểm để nói chuyện. Học sinh giỏi giang, chăm chỉ, điểm cao, đương nhiên cha mẹ sẽ bớt gánh lo. Nhưng không phải em nào cũng có thế mạnh về học thuật. Nếu chẳng may học chậm, tiếp thu kém, điểm thấp hoặc thậm chí nợ môn thì cha mẹ thật sự sẽ rất lo lắng. 

Đến khi chuẩn bị thi tuyển vào trung học phổ thông, sai lầm không được phép xảy ra, tức là thắng thua chỉ quyết định trong mỗi một kỳ thi tuyển đầu vào lớp 10. Khi tỷ lệ vào các trường trung học phổ thông ngày càng giảm, những em học sinh có thành tích thấp hơn một chút này nhiều khả năng phải tính đến con đường đăng ký học ở các trường trung học dạy nghề.

Lúc này, như một phản ứng dứt khoát, nhiều phụ huynh chắc nịch khẳng định rằng: "Tôi thà con tôi đi làm sớm còn hơn đi học trung học nghề." 

Cơ bản, có lẽ nhiều người cho rằng đây là một tuyên bố ích kỷ. Suy cho cùng, học sinh mới chỉ xong cấp 2 thì có thể làm được gì ngoài lao động chân tay? Các em còn quá nhỏ, xét về kỹ năng lẫn kiến thức đều không phù hợp với môi trường lao động, kể cả lao động chân tay lẫn trí óc. Liệu xã hội cạnh tranh khốc liệt này có cho các em cơ hội? Vậy nếu từ chối cho con đi học tiếp thì đâu là lý do? 

Trình độ giáo viên

Hiện nay, các giáo viên ở các trường trung học phổ thông có trình độ khá đồng đều. Họ đều tốt nghiệp cử nhân, là những giáo viên giỏi, có chuyên môn và học sinh nhờ vậy sẽ được đào tạo giỏi hơn.

Nhưng giáo viên ở các trường trung cấp nghề lại không đồng đều về chất lượng. Đầu vào tuyển dụng cũng không đòi hỏi tiêu chí cao đối với các giáo viên này. Chưa kể, họ có thể hưa qua trường lớp sư phạm bài bản nên khả năng truyền dạy của những giáo viên này chưa thể đảm bảo, chất lượng học sinh vì vậy sẽ là câu hỏi lớn với phụ huynh học sinh. 

Không khí học tập

hình ảnh

Ảnh minh họa. Nguồn: hzxded

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông là một sự phân luồng, có sự phân loại chất lượng học sinh sâu sắc. Những học sinh khá, giỏi sẽ được chọn vào các trường trọng điểm. Những học sinh có điểm thấp hơn một chút sẽ vào các trường trung cấp chuyên nghiệp. Học sinh các trường này thường có điểm thấp hơn và thường là những học sinh có tính tự giác kém. Khi học chung trong môi trường với những em thích chơi hơn thích học, không chịu tự giác nâng cao giá trị bản thân thì đương nhiên các em sẽ bị ảnh hưởng và học hành kém đi. Đó là kết quả mang tính cộng hưởng, đúng như câu nói gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. 

Giá trị bằng cấp không được công nhận

Bây giờ là thời đại của trình độ học vấn, nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường còn khó có cơ hội tìm được việc làm thì nói gì đến học sinh học nghề. Dù học sinh học hết lớp 9 nếu học trung cấp, lên cao đẳng thì cũng có thể thi vào đại học nhưng chặng đường học tập đằng đẵng như vậy, không khỏi khiến phụ huynh lo lắng. 

Nhiều công ty đặt nền tảng học vấn làm tiêu chí khi tuyển dụng. Giữa rất nhiều hồ sơ bằng cử nhân, thạc sĩ, thì cánh cửa nào sẽ mở cho học sinh học trung cấp nghề ở vòng phỏng vấn?

Học nghề liệu có vô giá trị?

Trong suy nghĩ cố hữu của các bậc phụ huynh luôn có câu “học nghề là vô bổ”. Vậy có đúng không? Không cần biết đó là trường nào, ở đâu chăng nữa cũng có học sinh chăm ngoan và học sinh quậy phá. Nếu xã hội không công nhận bằng cấp học nghề, liệu có phải không công bằng? 

Giáo dục trước tiên phải có công bằng. Mặc dù tỷ lệ tuyển sinh trung học phổ thông được điều chỉnh nhưng sự quan tâm dành cho các trường nghề cũng ngày càng cao, nhằm tạo thêm một lực lưỡng lao động chất lượng cao, có trình độ. Những học sinh học nghề, trung bình cần 2 hoặc 3 năm là đã thành thạo nghề và có thể đáp ứng nhu cầu làm việc. Trong khi đó, sinh viên phải mất ít nhất 4 năm trên giảng đường nhưng ra trường chưa hẳn đã thạo việc. 

Học sinh học nghề nếu giỏi và có chí nâng cao tay nghề, có thể học lên cao đẳng và lấy bằng cấp cao hơn.

hình ảnh

Học nghề sửa chữa ô tô có cơ hội việc làm ở khắp mọi miền

Nếu muốn nâng cao trình độ học vấn trong tương lai, học sinh có thể vượt qua kỳ thi tự luận , lấy bằng đại học hoặc học lên cao học. Tất cả đều phụ thuộc vào ý chí vượt khó của chính học sinh đó. 

Một thực tế cần phải nhìn nhận là học sinh học nghề có trình độ nghề chuyên nghiệp hơn, chỉ cần chọn đúng chuyên ngành thì tương lai sẽ có con đường tốt đẹp. Mặc dù ngày nay là thời đại của bằng cấp, nhưng vẫn có một số công ty lại chuộng người giỏi kỹ thuật hơn so với bằng cấp.


Học sinh học nghề cũng tìm được việc tương đối dễ dàng, nhiều trường trung cấp nghề có quan hệ hợp tác với doanh nghiệp, gửi nhân tài đến các doanh nghiệp quanh năm. Các em không chỉ có việc làm ổn định mà còn được đảm bảo an sinh xã hội. So với những sinh viên đại học lang thang tìm việc thì sự ổn định của các em cũng rất đáng ghen tị. 

Nếu chẳng may rớt lớp 10, học nghề không là một lựa chọn tăm tối. Nếu học sinh chọn học nghề vì bị điểm kém, phụ huynh cũng không nên chê bai quá nhiều. Trong khả năng phù hợp, với nhiều học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, đây lại là một bước khởi đầu tốt đẹp. Quan trọng là khi chọn nghề, phải tìm hiểu về nhiều khía cạnh khác nhau, chẳng hạn như mô hình quản lý của trường, bầu không khí, đội ngũ giảng viên và tính chuyên nghiệp.

Cuối cùng, không ai sống cho ai, cuộc đời tự mình định đoạt. Học sinh đã theo nghề thì phải chuyên tâm học, không nên bỏ cuộc, phải nghiêm khắc tự kỷ luật bản thân, có ý thức tự giác và ý thức học tập tốt.