Một số ông bố quá vô tâm, trông con thì nạnh vợ, con ngã ngay trước mắt còn chẳng thèm đỡ dậy, kỳ cục thật sự.

"Nếu được làm lại tất cả, tôi sẽ không chọn sinh con thứ hai", đây là bày tỏ xót xa của một người mẹ, sau khi quá mệt mỏi vì chăm cùng lúc hai con. Chồng thì chẳng chia sẻ, đã vậy, tình cảm vợ chồng ngày càng nhạt nhẽo.

Đỉnh điểm của câu chuyện khi người mẹ nhìn thấy con ngã bố chẳng thèm đỡ dậy. Đến lúc này, chị quá hối hận vì sinh thêm con thứ hai. Nếu có một đứa con, có lẽ gia đình sẽ tốt hơn thế này. Con được chăm sóc cẩn thận, vợ chồng cũng đỡ xa cách.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: sohu

Không hiểu sao em đọc những chia sẻ của người mẹ, tuy thấy thương cho hoàn cảnh của chị, nhưng cũng thấy chị có chỗ đáng trách. Sinh thêm con thứ hai là do quyết định bản thân chị. Việc không chăm sóc được con, vợ chồng xa cách cũng đâu phải do đứa con nhỏ gây ra.

Nhưng theo cách chị nói thì dường như lỗi là ở đứa con thứ hai. Còn bảo hối hận khi sinh con ra, chỗ này là chỗ rất đáng trách ở vị trí của một người mẹ. Và cũng là điểm đáng thương, phải bức bách đến mức nào chị mới oán trách con như thế.

Theo lời kể, chị Phi ngày trước rất xinh đẹp. 4 năm đại học rất nhiều người theo đuổi nhưng chị từ chối. Chưa tốt nghiệp, bố mẹ chị không cho yêu đương. Sau khi tốt nghiệp và đi làm, theo nguyện vọng bố mẹ, chị đã nhanh chóng có người yêu. Tiếp đến là kết hôn và sinh con, chỉ trong vòng 3 năm, chị đã có 2 đứa con.

Những tưởng hạnh phúc trọn vẹn vì gia đình đề huề, đủ nếp đủ tẻ, nhưng chị lại cho biết nếu được làm lại, chị sẽ không sinh con thứ hai. Từ khi sinh đứa đầu, cả gia đình đều dồn việc cho chị. Ban ngày đi làm, về nhà thì chăm con, phục vụ cả nhà từ cơm nước, quần áo, nhà cửa.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: kuai

Đến lúc sinh đứa thứ hai, chị hoàn toàn kiệt sức, trong khi đó, chồng chị như “một bóng ma”, ở nhà mà như không. Anh ta chỉ biết xem ti vi, bấm điện thoại, con ngã khóc lóc thảm thiết vẫn mặc kệ. Cuối cùng, người đến đỡ con dậy, dỗ con nín khóc vẫn là chị dù đang bận tối mắt tối mũi.

Đã nhiều lần nói chuyện với chồng nhưng anh ta nói không thích trẻ con, con không chịu chơi với bố thì liên quan gì anh ta. Hiện tại, chị hoàn toàn thất vọng, chẳng buồn nói nữa. Nhưng rõ ràng, người đáng trách là anh chồng, chị lại đổ thừa do sinh con thứ hai mà ra.

Theo chị, tình cảm vợ chồng chưa đủ sâu sắc đến mức phải sinh con thứ hai. Nền tảng hôn nhân không vững chắc thì không nên sinh con. Như chị mô tả là con chào đời không đúng lúc. Tiếp đó, chị bảo rằng sinh một đứa con sẽ có 3 năm xáo trộn. Người mẹ trong lúc này phải gánh vác nhiều trách nhiệm khiến chị không kham nổi.

Ai có con rồi sẽ hiểu được vì sao chị oán trách, giận lây sang con. Một nách hai con mà chồng không phụ giúp, vừa mệt thân lại khổ lòng. Nhiều khi căng thẳng, thiếu ngủ, áp lực đến cùng cực. Vậy mà nhờ chồng trông con 5 phút vẫn bị từ chối thẳng mặt. Cảm giác không được thấu hiểu, giúp đỡ, gặp đúng người chồng vô tâm có thể đẩy vợ vào tuyệt vọng, oán hờn.

Nhưng nói gì thì nói, con do mình sinh ra, là một người mẹ, không thể oán trách con như vậy được. Là mẹ tự chọn sinh con ra nhưng lại đổ thừa tại con mà mẹ khổ. Thôi thì chuyện đã rồi, chỉ mong con nhanh lớn, mẹ bớt khổ. Tới đó thì lại mẹ con vui vẻ, lại bảo rằng không hối hận vì đã từng quyết định sinh ra con.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa: sohu

Để tránh cảnh sinh con thứ hai, chưa kịp hạnh phúc đã lâm cảnh tủi thân, xem con là “cục nợ đời”, mẹ cần cân nhắc kỹ những điều sau:

  • Thứ nhất, tình cảm vợ chồng có hòa thuận hay không. Việc sinh con thứ hai có phá vỡ sự cân bằng ban đầu của gia đình hay không?
  • Thứ hai, sau khi sinh con thứ hai, tình hình kinh tế của gia đình có gánh nổi hay không?
  • Thứ ba, nếu sinh con thứ hai, có ai có thể giúp chăm sóc em bé hoặc con lớn không?
  • Thứ tư, bản thân người mẹ có đủ sẵn sàng và thực sự mong muốn có thêm con không?

Nếu đã cân nhắc đầy đủ những chuyện này thì hãy sinh thêm con. Còn không, hãy cứ tạm ngừng, khi nào chuẩn bị sẵn sàng thì sinh. Bởi vì một khi đứa trẻ đến trong bụng mẹ, muốn thay đổi bất cứ điều gì cũng đã muộn.

*Bài viết thể hiện góc nhìn cá nhân