Cảm ơn trời vì đây không phải là một ông bố bênh con ngang ngược, lại còn biết dạy con nhận lỗi, chịu trách nhiệm vì làm sai.

Thường khi con mắc lỗi ở nơi công cộng, nhất là làm hư hại tài sản, đối mặt với việc đền bù, cha mẹ rất dễ mất bình tĩnh. Dễ thấy nhất là cha mẹ làm ầm lên, la mắng con. Hoặc kiểu thứ hai là vô trách nhiệm, bênh con ngang ngược, nói con còn nhỏ không biết gì.

Đặt trường hợp là các bậc cha mẹ, nếu con mắc lỗi nơi công cộng, cha mẹ sẽ làm gì đầu tiên. Em đã tìm hiểu, học hỏi nhiều cách dạy con, cách xử lý tình huống khi con làm hỏng đồ của người khác. Nhưng chỉ đến khi tình cờ xem được cách xử trí của ông bố này, em như được mở mang tầm mắt.

Thì ra dạy dỗ trẻ con nhận lỗi cũng dễ, miễn là nắm bắt được tâm lý của trẻ. Hành động dạy con của ông bố khi bé gái lỡ làm vỡ bát đĩa của nhà hàng khiến ngay cả bác sĩ tâm lý cũng khen nức nở. Các mẹ cùng xem xem anh này dạy con hoàn hảo cỡ nào mà bác sĩ cũng phải tán thưởng nha.

Con đập vỡ đĩa trong nhà hàng, bố xử lý “xuất thần” khiến ai cũng nể nang

Câu chuyện này được một bác sĩ tâm lý người Đài Loan, biệt danh là Mana Bear kể lại trên một trang tin nước ngoài. Em chia sẻ lại cho các vị phụ huynh cùng xem và áp dụng nếu cần ạ.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: cwgv

Một ngày nọ, bác sĩ đến nhà hàng dùng bữa thì thấy một bé gái khoảng 3, 4 tuổi vô tình làm rơi đĩa xuống đất. Cái đĩa vỡ toang và ai cũng nghĩ bé sẽ bị bố mắng. Tuy nhiên, người bố lại ngồi xuống và hỏi con có bị thương không. Sau đó, thấy con gái lắc đầu không sao, bố ngồi xuống nhặt mảnh vỡ.

Vừa nhặt bố vừa dạy con cũng đến giúp bố nhặt mảnh vỡ đi, và phải cầm nó thế này này để không bị cứa vào tay. Có một người lạ tốt bụng cũng đến nhặt giúp, nhặt được 1, 2 mảnh thì bố xua tay không cần giúp nữa.

Đồng thời bố hỏi con gái "Chú này đã giúp con nhặt mảnh vỡ, con cần nói gì với chú ấy". Thế là bé gái ngẩng lên và nói cảm ơn chú rành rọt. Sau khi nhặt xong các mảnh vỡ, bố lại hỏi con gái có biết vì sao cái đĩa bị vỡ không. Con gái nói là do con chạy nhanh quá, con cầm đĩa không chắc.

Người bố hỏi tiếp "Vậy lần sau con sẽ cần phải làm gì?". Đứa con nói "Con sẽ phải đi chậm lại ạ". Lúc này, người bố nói tiếp "Vẫn còn một việc phải làm, đó là đến xin lỗi nhân viên nhà hàng". Lúc này con gái bỗng xúc động và òa lên không chịu. Người bố vẫn nhẹ nhàng hỏi vì sao con không muốn đi, con kể cho bố nghe đi.

Bé gái vẫn không ngừng la lên nhưng bố kiên nhẫn hỏi vài lần, bé đã thì thầm là con sợ bị mắng. Người bố liền nói: “Bố cảm ơn con đã chịu nói lý do với bố, bố biết con đang lo lắng những người kia sẽ tức giận với con. Vậy bố phải làm gì để con đỡ sợ bây giờ đây?”

Bé gái đưa ra yêu cầu là bố bế con và đi xin lỗi cùng con. Người bố còn hỏi nhỏ con có cần tập xin lỗi trước không. Thế là 2 bố con tập cách nói xin lỗi với nhau. Sau khi ổn thỏa thì đến gặp nhân viên, báo việc đã làm vỡ đĩa và cho bé nói lời xin lỗi.

Khi về chỗ ngồi, bố sờ đầu con gái và khen con đã rất dũng cảm, con gái bố rất tuyệt. Còn về chuyện có đền bù cho nhà hàng hay không thì chắc là có đó mọi người. Nhưng thực sự phải khen cách dạy con của ông bố này quá là hay.

Đứa trẻ vừa biết cách dọn đồ vỡ, vừa biết nói cảm ơn, xin lỗi. Quan trọng là khách trong nhà hàng không hề bị làm phiền bởi tiếng la mắng hay khóc lóc của trẻ con. Dạy con không cần roi, không cần dọa nạt, la mắng, ông bố này quá ư là hoàn hảo y như trong phim bước ra rồi.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: mothership

Phân tích cách dạy con của ông bố theo góc độ tâm lý

Chứng kiến cách dạy con quá hay của người bố, bác sĩ tâm lý Mana Bear cũng phải phục sát đất. Bác sĩ cũng có phân tích những ưu điểm trong từng hành động của bố.

Ngay vào thời điểm xảy ra việc vỡ đĩa, bố nhanh chóng bình tĩnh cảm xúc. Thay vì đổ lỗi, la mắng con, bố chọn cách quan tâm an toàn của con. Tiếp đến, bố dạy con dọn mảnh vỡ là để con hiểu được phải chịu trách nhiệm. Bố còn dạy con tỏ lòng biết ơn bằng câu hỏi gợi ý, chứ không phải nhắc nhở trực tiếp.

Khi yêu cầu con đi xin lỗi, bố không vội ép buộc con mà lắng nghe cảm xúc của con. Bố chủ động giúp đỡ con đỡ sợ khi đi xin lỗi và còn cho con cơ hội thực hành trước. Sau cùng, bố đã khen ngợi con, điều này sẽ khuyến khích trẻ dám nhận lỗi mỗi lần làm sai.

Yếu tố quyết định giúp bố có thể dạy con trơn tru, hiệu quả

Bác sĩ tâm lý Mana Bear cho rằng yếu tố giúp bố dạy con hiệu quả như vậy là bình tĩnh. Trong mọi tình huống, bình tĩnh sẽ giúp chuyện lớn hóa nhỏ, chuyện nhỏ hóa không. Bố đã đủ bình tĩnh để lắng nghe con, đối thoại với con, dạy con từng việc một.

Chăm con vốn đã rất vất vả, nên khi con mắc lỗi nơi công cộng, cảm giác bất lực, tủi nhục, tự trách, tức giận dễ dâng trào. Nó khiến cha mẹ chỉ muốn hét lên mắng mỏ. Để giải quyết vấn đề này, bác sĩ tâm lý Mana Bear hướng dẫn cha mẹ nên hít thở sâu, thư giãn tay chân để giúp cơ thể bình tĩnh lại.

Trường hợp quá tức giận, có thể chuyển hướng chú ý từ con sang xung quanh. Đồng thời luôn suy nghĩ con là trẻ nhỏ, con có thể sai, quan trọng là sửa chữa và đền bù. Suy cho cùng trẻ con đứa nào không mắc lỗi, đơn giản vì con còn nhỏ, chân tay lóng ngóng, đổ vỡ là chuyện thường. Chính cha mẹ cũng không nên tự tạo áp lực quá lớn cho mình.