Phản ứng của mẹ khi con bị phê bình sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới tương lai con sau này, vì thế mẹ hãy đặc biệt chú ý.

Cho con đến trường, hẳn bố mẹ nào cũng mong muốn con mình được dạy nhiều điều hay lẽ phải. Tuy nhiên, dù muốn hay không thì chắc chắn sẽ có những lúc trẻ bị phê bình do mắc phải những lỗi sai gì đó. Khi nghe tin con bị phê bình, trách phạt, tâm lý chung của phụ huynh có lẽ lúc nào cũng là lo lắng và nóng lòng muốn tìm hiểu lý do tại sao. Chính vì sự nôn nóng này, nhiều người đã bị mất bình tĩnh dẫn đến những cách xử lý tình huống vô cùng sai lầm, và cách ứng xử của bố mẹ lại hoàn toàn có thể ảnh hưởng tới cuộc đời, tương lai về sau của trẻ đấy ạ.

Bố mẹ nổi giận, quát mắng, con ngày càng thu mình

Rất nhiều bậc phụ huynh thương yêu con với tư tưởng không được nuông chiều con, thậm chí họ sẵn sàng áp dụng những “biện pháp mạnh” để uốn năn, rèn giũa con nên người. Thế nhưng hiện nay, phương pháp giáo dục sử dụng roi đòn, những lời quát mắng đã không còn phù hợp nữa. Và thói quen dạy dỗ này của bố mẹ, dù có phát xuất từ tình yêu thương nhưng chắc chắn cũng sẽ để lại nhiều tổn thương tâm lý cho con.

hình ảnhẢnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Khi nghe tin con bị phê bình, trách phạt, những phụ huynh này thường có tâm lý sợ con hư hỏng nên ngay lập tức nổi giận, quát mắng để con sợ mà chừa đi tật xấu. Càng làm như thế, những đứa trẻ lại càng trở nên sợ hãi, tự ti, co mình lại trong thế giới riêng của bản thân. Cũng vì vậy, khoảng cách giữa bố mẹ - con cái sẽ ngày một xa hơn. Sử dụng bạo l ực sẽ không khiến con nhận ra lỗi lầm của mình, mà phương pháp này chỉ tạo ra những tổn thương tinh thần, sự ức chế, cảm giác sợ hãi. Đến lúc trẻ lớn lên, những cảm giác này bị dồn nén lâu năm có thể “bùng phát” và biến đổi con trở thành một con người lì lợm, thích chống đối, không nghe lời bố mẹ nói nữa. Nếu con trở nên như thế, hành trình nuôi dạy, giáo dục con của bố mẹ càng này sẽ càng gặp nhiều khó khăn hơn.

Bố mẹ bênh con chằm chặp, trẻ sẽ mãi chẳng thể lớn lên

Trái ngược với thái độ không thấu hiểu là phản ứng bênh con chằm chặp của khá nhiều phụ huynh. Không cần tìm hiểu nguyên nhân, không cần biết đúng sai, câu chuyện thế nào, tình huống ra sao, chỉ cần nghe con bị phê bình, trách phạt, một số phụ huynh xót con sẽ ngay lập tức đến hỏi cô giáo “cho ra lẽ”.

Họ luôn cho rằng con mình rất ngoan, con luôn luôn đúng và bị mọi người hùa vào bắt nạt, ức hiếp. Phản ứng này thoạt đầu nhìn vào có thể biện minh bằng tình yêu thương, nhưng nếu làm như vậy, bố mẹ đang yêu thương con không đúng cách. Đứa trẻ khi làm sai lại được bênh vực đương nhiên sẽ rất hả dạ, thích thú. Con không nhận ra được lỗi sai của mình và sẽ tiếp tục tái phạm, thậm chí có xu hướng hình thành tính ích kỷ, coi mình là trung tâm của vũ trụ. Nếu không muốn trong tương lai con trở thành con người như vậy, bố mẹ không nên nhầm lẫn giữa việc bênh vực mù quáng và tình yêu thương mình dành cho con.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Bố mẹ giúp con nhìn nhận ra lỗi sai là cách tốt nhất

Cách xử lý đúng đắn nhất của bố mẹ khi con bị phê bình chính là tìm hiểu kỹ nguyên nhân câu chuyện, lắng nghe từ nhiều phía để đưa ra cách xử lý tốt nhất. Nếu con thực sự bị thiệt thòi, bố mẹ có thể tìm cách trao đổi với giáo viên và góp ý khi nhận thấy hành động của cô giáo là chưa đúng mực. Điều này sẽ giải tỏa được uất ức trong lòng con và giúp con tin tưởng hơn vào bố mẹ mình, không có cảm giác cô đơn, lo lắng sợ sệt.

Ngược lại, nếu con thực sự đã làm sai, bố mẹ cũng cần thẳng thắn chỉ ra lỗi sai của trẻ và giúp con nhìn nhận lại bản thân, rút kinh nghiệm đồng thời không tái phạm trong những lần sau. Hãy giải thích cho con hiểu tại sao con lại bị phê bình, phân tích tình huống, hậu quả, cho con thời gian suy nghĩ về những điều mình đã làm. Lúc này, bố mẹ cần tâm lý, mềm mỏng nhưng cũng phải nghiêm khắc vừa đủ để con nhận ra lỗi sai và có hướng muốn sửa sai, tuyệt đối không đùa giỡn hay có thái độ hời hợt, thờ ơ sẽ khiến con không nghiêm túc ý thức và nhìn nhận được vấn đề.