Tiếp tục cơ hội làm giàu trên chính mảnh đất quê hương theo mô hình chế biến nông sản khoa học tiên tiến, tại sao không?

Phụ huynh có con bắt đầu vào cấp 3 luôn canh cánh niềm lo định hướng nghề nghiệp tương lai cho con. Lựa chọn của phần lớn các gia đình thường là những ngành học hot theo xu hướng phát triển số hoặc bám theo top những ngành học có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường việc làm. Cứ thế, học sinh từ nông thôn cứ đến mùa tựu trường lại nườm nượp kéo nhau vào thành phố trọ học, nỗ lực vì một lai tươi sáng ở phía trước.

Rất hiếm bạn trẻ còn muốn nghĩ đến chuyện sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình bằng nguồn tài nguyên rừng vàng, biển bạc thiên nhiên ban tặng.

Vậy nhưng, ở nước ta, duy nhất có một trường học lại đặt ra một định hướng nghề nghiệp rất rõ ràng và thiết thực cho những học sinh có ý định gắn bó với mảnh đất quê cha đất tổ và muốn làm giàu trên chính quê hương mình. Đó là chính là Trường cấp 3 Nông nghiệp, một trường học áp dụng theo mô hình Nhật Bản.

hình ảnh

Lễ đón học sinh khóa 2 của Trường cấp 3 Nông nghiệp (Nam Định) được các em học sinh khóa 1 tổ chức chuyên nghiệp. Ảnh: Minh Phúc

Theo em đọc được từ báo Nam Định, tại Trường cấp 3 Nông nghiệp, học sinh ngoài việc được dạy văn hóa, được cấp bằng THPT theo đúng tiêu chuẩn đào tạo phổ thông ra thì các em còn được dạy kỹ thuật nông nghiệp từ khâu sản xuất đến chế biến nông sản, thực phẩm theo mô hình Nhật Bản. Mỗi học sinh sau khi tốt nghiệp được cấp Bằng tốt nghiệp Trung cấp (đáp ứng chuẩn kỹ năng đặc định I) và chứng chỉ tiếng Nhật trình độ N4 (JLPT).

Đây là mô hình nằm trong chương trình hợp tác phát triển nông nghiệp giữa tỉnh Nam Định và tỉnh Miyazaki (Nhật Bản) nhằm đào tạo nhân lực chất lượng cao trình độ Trung cấp lĩnh vực nông nghiệp và lĩnh vực khác. Đối tượng theo học ở trường là học sinh tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh Nam Định. Tuy nhiên, học sinh tốt nghiệp THCS toàn quốc vẫn có thể đăng ký học tại đây. Được biết, riêng khóa 2, trường đón 88 em học sinh, trong đó ngoài tỉnh Nam Định ra còn có các học sinh đến từ nhiều tỉnh thành khác như: Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP. Hồ Chí Minh và Cà Mau.

Mô hình này được kỳ vọng sẽ đào tạo ra một thế hệ nông dân mới có kiến thức khoa học, biết áp dụng công nghệ tiên tiến để hoàn toàn có thể chủ động trong việc vận hành mô hình sản xuất, chế biến nông nghiệp và tự tin làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

hình ảnh

Các em thu hoạch lạc tự trồng. Ảnh: Fanpage Trường cấp 3 Nông nghiệp mô hình Nhật Bản

Hiện nay học sinh nông thôn hết cấp 3 lại ùn ùn vào thành phố trọ học. Gia đình làm nông nhưng phải gồng gánh một khoản chi phí vượt khả năng để lo cho con ăn học suốt 4 năm đại học. Nhưng đến khi ra trường, các em lại phải bắt đầu một hành trình chật vật tìm việc mà có thể mất nhiều năm mới tạm đi đến chỗ ổn định. Trong số đó, không ít người rơi vào tình trạng chênh vênh khi doanh nghiệp gặp khó khăn, cắt giảm nhân sự, không thể chủ động được công việc.

Trong khi đó, trong một mô hình vừa học kiến thức vừa học nghề như cách Trường cấp 3 Nông nghiệp đang áp dụng thì các em học sinh vừa rút ngắn được thời gian học tập, vừa được tự tay làm nông nghiệp, nuôi dưỡng tình yêu với việc làm nông và được cập nhật những kiến thức, hiểu biết những mô hình nông nghiệp tiên tiến để hướng đến một tương lai phát triển trên mảnh đất quê hương, chủ động với lựa chọn nghề nghiệp của mình.

Theo em tìm hiểu được từ một bài viết trên Nhịp sống thị trường thì tại ngôi trường này, học sinh còn được học cách sống, cách làm, cách nghĩ có trách nhiệm nên nhiều phụ huynh yên tâm khi cho con theo học.

Chẳng thế mà nhiều phụ huynh khác tỏ ra vui mừng, ủng hộ và bày tỏ mong muốn được nhân rộng mô hình này đến vậy:

“Hy vọng mở nhiều trường như vậy cho con trẻ thêm trải nghiệm!!! Đặc biệt những vùng nông nghiệp chiếm đa số!!! Để con trẻ đỡ phải xa quê!!!”

“Quá tuyệt vời luôn! Rất hay và thực tế cho lớp trẻ bây giờ ạ!”

“Rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu có trường lớp dạy các con học rồi làm ăn trên quê hương mình thật tuyệt vời!”

“Xây dựng nền tảng nhận thức về nông nghiệp bền vững, sau này việc học hỏi và phát triển sẽ có chiều sâu, thậm chí có thể xây dựng quy mô tốt hơn thế hệ trước chỉ làm theo kinh nghiệm cha truyền con nối.”

“Tuyệt lắm luôn, các bạn trẻ nông dân hãy cố gắng học hỏi để phát triển kinh tế, cho quê hương thêm giàu đẹp.”

Hiện nay, tăng trưởng xanh đang dần trở thành xu hướng cho sự phát triển bền vững tại nhiều quốc gia. Đây là một mảnh đất tiềm năng và rất cần nhân lực đủ trình độ để phát triển.

Tất nhiên, để mô hình giáo dục nông nghiệp cho học sinh cấp 3 đi vào thực tế có thể mang lại hiệu quả phải cần thời gian để chứng minh. Nhưng trước mắt, với xu hướng tăng trưởng xanh, những mô hình học tập tương tự như vậy là một kỳ vọng tươi sáng mà phụ huynh ở vùng nông thôn hoàn toàn có thể trông chờ khi đại học hiện nay đã không còn là lựa chọn duy nhất của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.