Cháu bé đi học về nói với mẹ bị đau, nhức tay phải. Sau khi đưa con đi khám thì nhận được chẩn đoán bị gãy xương ngón 4, tay phải.

Đôi khi trẻ nhỏ có thể bịa ra chuyện mình ốm mệt, đau nhức ở đâu đó để được nghỉ học. Những bố mẹ tinh ý sẽ phát hiện ra ngay chiêu bài này nên phần lớn khó mà qua mắt để kế hoạch được thành công mĩ mãn như ý muốn. Tuy nhiên nếu ngày thường con không phải là đứa trẻ hay bày trò, lại than đau nhức, khó chịu sau khi đi học về thì bố mẹ có lẽ phải để ý nhiều hơn đến biểu hiện của con.

Như một trường hợp mới đây, phụ huynh H. là mẹ của một học sinh lớp 1 ở trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận Tân Bình sau khi nghe con đi học về chiều ngày 4/10 nói với mẹ bị đau, nhức bên tay phải thì chị đã đưa con đi khám ngay sau đó. Dù trong lòng chị mong con không gặp chuyện gì nhưng cuối cùng, dựa trên kết quả phim chụp, bác sĩ kết luận con bị gãy xương ở vị trí nền của xương đốt ngón, ngón thứ 4 bên tay phải.

hình ảnh

Ảnh: vnexpress

Điều đáng nói theo cháu bé kể trước đó cô chủ nhiệm có dùng cây gõ nhạc cụ đánh vào tay. Trên kết quả chẩn đoán cũng ghi rõ "do chấn thương".

Sau khi hay biết sự việc, hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm đã đến nhà xin lỗi và mong gia đình bỏ qua nhưng chị H. có yêu cầu phải xử lý với hành vi của cô giáo.

Đến cuối ngày 11/10, hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, xác nhận có sự việc nhưng lại đánh giá là “một tai nạn nghề nghiệp không lường trước, từ chối trả lời câu hỏi giáo viên có đánh học sinh hay không”.

Theo cô hiệu trưởng, bình thường, cô giáo này là người chăm chút cho học sinh và hiện tại "trường đã tạm đình chỉ việc dạy học đối với giáo viên này. Cô giáo lỡ cũng đã lỡ rồi và sẵn sàng nhận mọi trách nhiệm.”

hình ảnh

Ảnh: vnexpress

Sau khi được băng bột ở ngón tay, hiện tại em học sinh lớp 1 đã quay lại trường học và được chuyển lớp theo nguyện vọng của phụ huynh.

Khi biết sự việc và nghe lời giải thích hiệu trưởng rằng đây chỉ là một tai nạn nghề nghiệp thì nhiều người khác tỏ ra không đồng tình.

“Hiệu trưởng đánh giá đây là tai nạn nghề nghiệp!!! Cạn lời. Các cháu lớp 1 như búp măng, sao lại đánh mà không dùng biện pháp nhẹ nhàng hơn?!”

“Đánh đến gãy đốt ngón tay mà lại bảo tai nạn nghề nghiệp. Lại còn là tay phải, băng thế kia thì viết bài sao được. Mới đầu năm lớp 1 mà bị như vậy sẽ ảnh hưởng rất nhiều. Phụ huynh không đồng ý lời xin lỗi cũng dễ hiểu.”

“Chăm chút, nhưng đến mức làm gãy tay học sinh thì căn bản cô giáo đã không biết kiểm soát chính mình.”

“Đành rằng có những cháu rất lỳ, đến con cháu mình đôi lúc lỳ không chịu nổi, nhưng đánh gãy tay cháu là không chấp nhận được.”

“Giáo viên là người truyền thụ niềm đam mê học tập, nghiên cứu cho học sinh chứ không phải làm cho học sinh sợ mà học đối phó. Tôi thấy con tôi cũng như rất nhiều học sinh khác rất rất sợ đến lớp, nhất là khi học bài, làm bài về nhà không kịp. Điều này rất phản giáo dục, tạo tâm lý học hành đối phó cho các bé từ nhỏ.”

Những người khác cũng đặt ra câu hỏi "Dạy lớp 1 có khó không? Có khó đến mức cô giáo phải chịu áp lực mà dùng đến biện pháp nặng với học sinh?"

Nếu xét về lượng kiến thức thì không khó với người đã qua trường lớp sư phạm nhưng với việc nắm bắt tâm lý học sinh thì không phải ai cũng làm được dù có qua đào tạo.

Trẻ từ mẫu giáo vào tiểu học có những đặc điểm phát triển thể chất và tinh thần đáng được quan tâm.

Về thể chất, nhìn chung khi vào lớp 1, giữa học sinh nam và học sinh nữ có sự khác biệt nhất định về chiều cao, cân nặng, dung tích phổi. Về chiều cao và cân nặng, chiều cao trung bình của bé trai là 114,7 cm, cân nặng là 19,2 kg; chiều cao trung bình của bé gái là 113,9 cm và cân nặng là 18,2 kg. Trọng lượng não, bé trai và bé gái đạt tới 1280 gam, gần bằng trọng lượng não của người trưởng thành (1400 gam). Riêng về xương, các bé lớp 1 cũng mềm hơn và cơ bắp của các em cũng mỏng manh hơn. Đó là lý do trong các tiết tập thể dục cần hạn chế những bài tập thể dục quá sức và chú ý đến tư thế đi bộ, tư thế ngồi viết để tránh phát triển các dị tật về thể chất. Bất kỳ tác động nào với lực mạnh đến xương của trẻ cũng dễ gây ra chấn thương như gãy xương.

Về sự phát triển trí tuệ, tốc độ phát triển của học sinh lớp 1 rất nhanh, được đánh giá là giai đoạn đỉnh cao trong sự phát triển trí tuệ của trẻ nhưng sau đó tốc độ chậm dần.

Tư duy của học sinh lớp 1 vẫn chưa thoát ra khỏi phạm vi mầm non, đặc biệt trong học kỳ 1, tư duy của học sinh vẫn là sự tiếp nối lối tư duy của trẻ mầm non, rất cụ thể và sống động, đặc biệt trí nhớ máy móc rất tốt. Trẻ có thể ghi nhớ thuộc lòng mà không xem xét đến ý nghĩa của bài viết. Nhưng cũng bởi vì học sinh ghi nhớ toàn bộ một cách máy móc nên không thể nắm chắc được nội dung, ý nghĩa của những gì đã ghi nhớ và ghi nhớ một cách có trật tự còn rất kém.

Cũng chính đặc điểm nhận thức chưa phát triển đầy đủ nên khi làm bài tập về nhà các em thường đọc sai câu hỏi hoặc hiểu sai hướng dẫn. Nếu đòi hỏi óc quan sát, các em vẫn còn rất kém, chỉ rải rác và thiếu tổ chức, thiếu hệ thống, không có điểm bắt đầu cũng như điểm kết thúc. Nhưng những điều này sớm được khắc phục khi trẻ bước qua học kỳ 2 và nhất là khi lên lớp 2.

Một trong những đặc điểm của sự chú ý ở học sinh lớp 1 là một khi tập trung chú ý về một vấn đề quan tâm nhất định, các em sẽ nhớ nó và quên đi những thứ khác.

Tóm lại, sự phát triển về thể chất và tinh thần của trẻ lớp 1 tương đối nhanh, các em bước vào một môi trường xã hội mới đúng nghĩa “hai chân hai xuồng”, ở tiểu học nhưng tâm trí vẫn còn gắn bó với môi trường mẫu giáo, với cuộc sống vui chơi tự do, thoải mái.

Hiểu được những đặc điểm của sự chuyển giao giai đoạn phát triển tâm lý và thể chất của trẻ mới vào lớp 1, thầy cô và bố mẹ sẽ biết mình cần phải kiên nhẫn và yêu thương các con nhiều hơn. Sự theo sát  và rèn luyện thói quen tốt của cha mẹ và thầy cô từ lúc này sẽ giúp trẻ nhanh chóng thích nghi và dần quen với môi trường học tập. Những phương pháp cứng rắn, đe dọa hoặc thậm chí dùng đến đòn roi sẽ khiến trẻ biết sợ nhưng có thể không mang lại hiệu quả giáo dục như điều mà phụ huynh, giáo viên mong muốn. Trên hết, phụ huynh và giáo viên cần xác định mục tiêu phải hoàn thành của trẻ lớp 1 là gì để tránh áp đặt quá mức lên trẻ rồi tự gây áp lực cho chính mình, nảy sinh tâm lý tiêu cực và hành vi không đúng.