Mỗi lần chia tay với bạn trai hoặc chồng, Múi lại trở về bên cha già. Hoàn cảnh khó khăn vô cùng, tình yêu cứ đến rồi tan vỡ, hôn nhân gãy gánh, cô vẫn ngây thơ như thuở còn 16.

Là người dân tộc Dao, H.U.M (sinh năm 1994, quê ở huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) cũng giống như bao chị em khác, cũng kết hôn sớm với người mà bản thân thấy ưng ý. M. lấy chồng khi tuổi đời còn khá sớm, cơ duyên gặp được chồng đầu là vào một lần cô đi đốt than: “Khi mình đến xã Đồng Thắng (cùng huyện) đốt than, có người thích, bảo: “Nhà anh nghèo, chẳng có gì đâu nhưng mấy hôm nữa bố mẹ sẽ lên hỏi em làm vợ, mua ít thịt để mời anh em đến ăn một bữa!”.

Thế là anh dẫn mình về. Bố mẹ anh hỏi: “Cháu về đây với thằng T.S để đi kiếm tiền hay vào chơi?”. Mình trả lời: “Cháu về đốt than, lấy tiền mua mỡ, mua gạo ăn thôi!”. Hôm sau, mẹ anh bảo mình đi bắt con gà thịt ăn, không biết vì sao, nhưng lúc thịt xong thấy có người lạ đến cúng. Chắc là báo ông cụ, bà cụ anh để mình về làm vợ.”

M. là người Dao, không biết chữ nhưng nói tiếng Kinh rất giỏi do cô đi làm từ sớm. M. bước vào cuộc hôn nhân đầu với sự vô tư, không tìm hiểu gì và cũng không có cân nhắc gì. Chính vì vậy, 2 tháng sau khi về chung nhà với T.S, gia đình anh nói đôi trẻ không hợp tuổi nên dừng lại.

Mỗi lần gặp chuyện trục trặc trong tình cảm, M. lại về nhà bố ruột ở sâu trong rừng thông rậm rạp. Ngôi nhà cũ kỹ, xiêu vẹo và tuyệt nhiên không có bất kỳ tài sản nào giá trị. Bố của M. năm nay 80 tuổi, sức khỏe không tốt nhưng ông là chỗ dựa tinh thần để M. tìm về sau những lần đổ vỡ tình cảm.

Chia tay chồng đầu, M. về cạo mủ 300 cây thông của gia đình, mỗi tháng kiếm được 1-2 triệu đồng. Số tiền này chỉ đủ cho hai bố con mua gạo, còn thịt là thứ không dám mơ tới. Cuộc sống khó khăn đến mức từ đầu năm tới giờ, hai bố con chỉ được 2 lần ăn thịt: lần đầu là khi M. bị bệnh, lần hai lấy mỡ làm dầu.

hình ảnh

Ngôi nhà đơn sơ và không có tài sản nào giá trị, là nơi tìm về của M. sau những lần đổ vỡ tình cảm. Ảnh Báo Nông nghiệp

Cuộc hôn nhân thứ 2 của M. là với Q. người ở cùng huyện. Vì đi chơi chung, gặp lúc trời mưa không về nhà được nên ở lại nhà anh ta để đi cấy, cạo nhựa thông. Rồi anh ta mổ heo đãi bạn bè đến ăn uống, thế là thành vợ chồng. Được nửa năm, M. lại cuốn gói về nhà vì bố chồng cư xử không đứng đắn, dù trong người đang mang đứa con của Q.

Lần 3 là một anh chàng có ngoại hình sáng, cũng người cùng huyện: “Sáng lên chơi, chiều anh về, bảo mẹ đến hỏi, bố mình bảo 17 triệu nhưng giảm cho 1 triệu để lấy chăn, lấy quần áo còn rượu không lấy, thịt không lấy”. Do M. đã có chồng trước đó nên lần này được “giảm giá”. Nhưng anh chàng này nhậu nhẹt bê tha, la rầy M. nên sau đó cô không chịu nổi mà tiếp tục con đường về nhà bố ruột.

Chồng thứ 4 muốn lấy M. làm vợ nhưng chỉ vì một lần anh điện thoại, cô bận đi hát karaoke với bạn nên anh tức tối dừng lại. Chồng thứ 5 thì muốn tiến đến hôn nhân nhưng lúc này cô bị anh chồng thứ 3 quấy phá, làm tiền nên anh chàng thứ 5 biết chuyện bèn rút lui. 

“Chồng thứ sáu gọi thế cũng được mà không cũng được. Tên là V. ở xã Đồng Thắng, lúc mình đang ở nhà Th (chồng thứ năm), thì anh ta làm quen, rủ về nhà ở chung mấy ngày, ăn cùng nhau nhưng không ngủ cùng nhau. Lúc đầu anh bảo lấy nhưng sau lại không lấy mình nữa…”, M. cho biết.

hình ảnh

Bố của M. đã già nhưng vẫn là chỗ dựa tinh thần cho con gái. Ảnh Báo Nông nghiệp

Hiện tại, M. đang có quan hệ tình cảm với người thứ 7 quê ở huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang. Mới chỉ có 20 ngày nhưng cô cũng đặt không ít sự tin tưởng vào mối tình này. Múi cho biết ít bữa nữa anh lên gặp mặt rồi cưới. Lúc đang nói chuyện, bạn trai gọi đến, M. bắt máy: “Anh ơi, có nhà báo dưới Hà Nội đang hỏi chuyện em, thế anh họ gì, tên gì ấy nhỉ?”. Sau khi có tiếng trả lời, tôi lại nghe chàng trai kia hỏi vọng: “Thế còn em, họ gì, tên gì nhỉ?”.

Câu chuyện tình yêu, hôn nhân của M. thật sự làm người ta phải choáng bởi số lượng chồng và người yêu. Không bàn đến phong tục tập quán, chỉ thấy việc kết hôn mà không có sự tìm hiểu kỹ càng thì thật sự chưa ổn. Người ta tìm hiểu nhau 5-7 năm có khi cưới về còn lầm, huống chi vừa gặp đã tính chuyện về chung nhà, vì cơn mưa mà quyết ở lại nhà bạn trai. Quen 20 ngày qua mạng chưa biết mặt, họ tên không biết mà chuẩn bị kết hôn rồi.

Thời đại bây giờ thoáng hơn nên việc tái hôn mấy lần không phải là vấn đề to tát. Vì con người ai cũng có nhu cầu tìm hạnh phúc cho riêng mình, chọn sai thì chọn lại. Nhưng việc kết hôn bừa bãi, thiếu cân nhắc sẽ để lại không ít hậu quả mà điển hình là việc những đứa trẻ sẽ thiếu mẹ hoặc cha, cuộc đời chúng lớn lên trong sự khiếm khuyết mặt này mặt khác, không được yêu thương hay chăm sóc tử tế.

hình ảnh

Ảnh minh họa, Vietnamnet

Từ xưa đến nay, hôn nhân vốn được xem là chuyện hệ trọng cả đời. Các cặp đôi khi tiến đến hôn nhân đều phải trải qua giai đoạn tìm hiểu, dẫn về ra mắt và được sự đồng thuận của gia đình hai bên. Phải trải qua các bước, quan trọng nhất là giai đoạn tìm hiểu tính ý của đối phương để cân nhắc, để tự nguyện hòa hợp với nhau cho thời điểm hiện tại và tương lai khi về chung nhà. Chuyện gì có thể ẩu được nhưng chuyện hôn nhân thì nhất định phải cẩn trọng vì đó là tương lai, là hạnh phúc cả đời.

Nên nhớ, không phải sự bắt đầu nào tốt đẹp cũng có cái kết viên mãn. Đã có không biết bao nhiêu cặp đôi đành phải chia tay, ly dị sau thời gian sống chung không hòa hợp. Chuyện đó không ai muốn nhưng sau lần đổ vỡ ấy liệu người trong cuộc sẽ rút ra được điều gì hay tiếp tục lao vào yêu và cưới như một con thiêu thân để rồi dễ giẫm lên vết xe đổ? Hôn nhân nên có sự cân nhắc cẩn trọng, quan sát kỹ đối phương thì mới lâu bền hạnh phúc.