Khi nghe những lời bà nội của nam sinh này nói, ai cũng phải bất bình thay cho cô giáo.

Đi học lần đầu con lo 1 thì mình là bố mẹ phải lo đến 10, nghĩ đến thôi cũng thấy biết bao nhiêu là chuyện. Chắc chắn ai cũng muốn con cái mình đến trường gặp được giáo viên có tâm, nhưng cũng không ít người quên xem xét lại những hành động, cử chỉ của bản thân khi gặp gỡ, làm việc với thầy cô giáo của con các mẹ ạ. Điển hình nhất là những phụ huynh luôn bênh vực con mù quáng, rất dễ khiến cô giáo mất cảm tình và “lây sang” cho con mình luôn. Câu chuyện dưới đây là một bài học điển hình cho các phụ huynh về cách ứng xử của mình với giáo viên của con nè.

Bố mẹ ly hôn từ nhỏ, dù sống cùng bố nhưng vì ông mải mê đi làm ăn xa nên từ khi còn nhỏ, cậu bé Yayi chỉ có mỗi bà nội ở bên cạnh quan tâm chăm sóc. Cũng chính vì thương cháu, bà hết mực cưng chiều, chăm sóc đáp ứng mọi thứ cháu trai muốn. Khi học trung học, Yayi từng nhiều lần bị nhắc nhở về thái độ khi đi học vì vào lớp, cậu bé thường xuyên ngủ gật, bài kiểm tra thì luôn đạt điểm dưới trung bình. Mỗi lần ngủ quên trong lớp, Yayi lại bị cô giáo nhắc nhở và bắt đứng lên tại chỗ để tỉnh táo hơn.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Trong một lần bài kiểm tra toán bị điểm quá thấp, cô giáo của Yayi đã quyết định về nhà em để trao đổi trực tiếp với phụ huynh. Cô nói về chuyện Yayi ngủ gật trong lớp quá nhiều, học lực cũng sa sút, chính vì thế mong bà để ý nhắc nhở cháu đi ngủ sớm hơn để cải thiện tình hình. Cứ nghĩ bà nội của học sinh sẽ hiểu ra vấn đề, nhưng thái độ của bà lại khiến cô giáo phải nhăn mặt.

Bà nội của cậu bé cho rằng cháu trai học kém là lỗi do giáo viên: “Cô nói học sinh như vậy thì cũng nên xem lại bản thân mình, cô phạt thằng bé đứng trong lớp liên tục, nó kể với tôi mấy lần rồi, cũng vì thế mà xấu hổ không muốn đi học nữa”.

Nghe bà nội của học sinh nói thế, cô giáo liền giải thích rằng mình phạt đứng mỗi lầ phát hiện cậu bé ngủ gật chỉ muốn giúp cho học sinh tỉnh táo hơn. Vả lại, cô cũng chỉ phạt Yayi đứng chưa tới 10 phút mỗi lần, nếu không tin bà có thể xem lại camera.

Bà nộ Yayi thì một mực bênh cháu nên đương nhiên không tán thành ý kiến này. Cô giáo thấy thế lại hỏi vậy theo bà, khi trong lớp có học sinh ngủ gật mà lại không được phạt, giáo viên phải làm sao. Câu trả lời của bà nội Yayi lúc này lại khiến mọi người “ngã ngửa”: “Cô là giáo viên sao lại đi hỏi tôi? Quan trọng là cô đã làm tổn thương lòng tự trọng của thằng bé, vì vậy nó mới chán học”. Nghe đến đây, cô giáo biết không thể trao đổi thêm gì nữa đành bất lực ra về.

hình ảnh

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn: Sohu

Có thể thấy bà nội của Yayi vô cùng yêu thương cậu bé. Nhưng tình yêu thương này đã hóa thành sự nuông chiều quá mức, không phải lúc nào cũng chăm chăm bảo vệ con cháu mình mới là người mẹ, người bà tốt. Khi ở trường, giáo viên sẽ chỉ ấn tượng tốt với những phụ huynh có trách nhiệm với con cái, biết phân định rõ đúng sai và lắng nghe vấn đề. Không ai có thể có thiện cảm với những phụ huynh lúc nào cũng cho con mình là nhất, không nghe lời góp ý của thầy cô và cũng không có trách nhiệm trong việc hợp tác giáo dục con trẻ.

Trường học là nơi sẽ dạy các con nhiều bài học hay, nhưng dạy dỗ con trẻ không phải là trách nhiệm hoàn toàn thuộc về giáo viên, nhà trường. Trên hành trình đó, nhà trường còn cần có sự hợp tác nghiêm túc từ phía phụ huynh để góp phần uốn nắn, dạy dỗ các con trở thành những con người giỏi giang, có đạo đức. Chính vì thế, phụ huynh nên suy nghĩ nhiều hơn về trách nhiệm của mình đối với nhà trường trong vấn đề giáo dục con trẻ, chứ không phải một khi đã gửi con đi học thì coi như không còn liên quan gì đến vấn đề dạy dỗ con nữa. Chỉ khi phụ huynh thấu hiểu và hỗ trợ nhà trường một cách kịp thời, đúng đắn thì tương lai của con trẻ mới có thể đảm bảo các mẹ ơi.