Nếu chăm sóc trẻ sơ sinh sai cách, mẹ có thể sẽ phải hối hận khi sức khỏe của con bị ảnh hưởng.

Trẻ sơ sinh non nớt, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện nên cần được chăm sóc một cách đặc biệt cẩn thận. Đó là lý do có rất nhiều mẹ, nhất là những chị em làm mẹ lần đầu thường tỏ ra lóng ngóng, lo sợ không biết liệu mình nên chăm con như thế nào. Dưới đây là những sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh rất nhiều người thường hay mắc phải, mẹ nên tham khảo để chú ý tránh xa.

Những sai lầm thường gặp khi chăm sóc trẻ sơ sinh

1. Quấn trẻ quá chặt

Lo trẻ dùng tay tự làm đau mình hoặc đơn giản chỉ là muốn con ngủ ngon hơn, không bị giật mình, rất nhiều mẹ có thói quen quấn con thật chặt, càng chặt sẽ càng tốt. Sự thật là theo chuyên gia, điều này hoàn toàn sai lầm vì quấn trẻ quá chặt rất dễ gây ra nhiều hậu quả tai hại.

chăm sóc trẻ sơ sinh 1

Không nên quấn trẻ sơ sinh quá chặt

Đầu tiên, việc quấn chặt có thể ảnh hưởng đến khung xương của trẻ, ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình phát triển xương hông. Bên cạnh đó, quấn trẻ quá chặt khi ngủ còn làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, khiến trẻ dễ bị ngạt. Do đó, tốt nhất là các mẹ chỉ nên quấn con ở mức độ vừa phải. Chỉ nên quấn khăn trong tháng đầu để trẻ có cảm giác an toàn và dần thích nghi với môi trường bên ngoài.

2. Cho trẻ dưới 6 tháng uống nước

Một quan điểm sai lầm nữa khi chăm sóc con nhỏ đó chính là cho bé sơ sinh uống nước. Theo các chuyên gia, trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi ti mẹ hoàn toàn sẽ không cần uống thêm nước vì sữa mẹ đã bao gồm tất cả thành phần cần thiết cho con.

Nhiều người có thói quen tráng miệng sau khi ăn cho con bằng một vài thìa nước, cũng hoàn toàn không tốt chút nào. Việc cho trẻ dưới 6 tháng uống nước có thể kéo theo nhiều hệ lụy, nếu trẻ có sức khỏe bình thường, ti mẹ tốt, chị em không cần cho con dưới 6 tháng uống thêm nước đâu nhé.

3. Luôn sợ con bị lạnh

Một trong những nỗi ám ảnh của các mẹ khi chăm con mới sinh đó là luôn lo con bị lạnh. Chính vì thế, nhiều mẹ có thói quen đắp cho con thật nhiều lớp khăn, chăn. Có thể mẹ chưa biết rằng, thân nhiệt của trẻ nhỏ luôn cao hơn người lớn.

Chị em nên duy trì nhiệt độ phòng khoảng 20 độ C, không cần đắp quá nhiều lớp cho con. Mẹ có thể kiểm tra liệu con có đang bị nóng quá không bằng cách quan sát xem con có đổ mồ hôi không, mặt có ửng đỏ, phần bụng có bị nóng hay không.

4. Rơ lưỡi bằng mật ong

Trẻ nhỏ dưới 1 tuổi không được sử dụng mật ong dù chỉ một chút. Trong mật ong chứa nhiều bào tử vi khuẩn Clostridium Botulinum, rất dễ gây ngộ độc cho trẻ nhỏ vốn chưa có sức đề kháng mạnh mẽ. Do đó, mẹ nên gạt ngay suy nghĩ sẽ dùng mật ong để rơ lưỡi cho con. Nếu lưỡi trẻ có vấn đề về nấm, mẹ có thể hỏi xin ý kiến của bác sĩ và sử dụng nước muối sinh lý để vệ sinh sẽ tốt hơn rất nhiều.

5. Rung lắc trẻ

Không ít bố mẹ vẫn còn giữ quan niệm phải rung lắc, đung đưa thì trẻ mới ngủ ngon. Một số còn cho rằng việc rung lắc, tung hứng là một trò chơi thú vị giúp trẻ vui cười nhiều hơn. Tuy nhiên, đây lại là một hành động hết sức nguy hiểm.

chăm sóc trẻ sơ sinh 2

Rung lắc dễ gây nhiều hậu quả tại hại cho con

Đã từ lâu, khoa học chứng minh rung lắc không an toàn cho sức khỏe cũng như sự phát triển của trẻ nhỏ. Trẻ sơ sinh vốn rất non nớt, phần cổ yếu chưa giữ được sức nặng của đầu, màng não mỏng, xương sọ mềm, có khoảng trống nên việc rung lắc dễ khiến não bộ di chuyển, đập vào xương sọ và bị tổn thương.

Đương nhiên tình trạng này chỉ xay ra khi bố mẹ rung lắc con thường xuyên hoặc quá mạnh. Tuy nhiên, tốt nhất bố mẹ cần bỏ ngay thói quen này vì đung đưa, rung lắc nhiều cũng dễ tạo thói quen ngủ xấu cho con.

Một số vấn đề cần lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh

Tiêm ngừa

Tiêm ngừa đúng lịch và đầy đủ là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, các mẹ nên tuân thủ để bảo đảm sức khỏe cho con. Tiêm ngừa giúp con phòng được nhiều bệnh, trong đó có cả những mũi tiêm sẽ bảo vệ con suốt đời.

Chính vì thế, mẹ cần theo dõi, đảm bảo con được tiêm ngừa đúng lịch, đủ mũi tiêm. Tiêm chủng đầy đủ cho con chính là một trong những cách bảo vệ sức khỏe con từ nhỏ tới lớn.

Theo dõi thân nhiệt

Nhiệt độ cơ thể trẻ chứng tỏ được phần nào sức khỏe của con. Nhiệt độ bình thường đối với cơ thể trẻ nhỏ (dựa theo nhiệt kế) sẽ dao động từ 36,5 độ đến 37,2 độ. Nếu nhiệt độ cơ thể con quá nóng hoặc quá lạnh thì sức khỏe trẻ chắc hẳn đang có vấn đề.

chăm sóc trẻ sơ sinh 3

Mẹ nên theo dõi nhiệt độ của con thường xuyên

Trẻ sơ sinh chưa thể nói, thế nên việc theo dõi những dấu hiệu bên ngoài như tiếng khóc, nhiệt độ cơ thể,… cực kỳ quan trọng. Nếu nhiệt độ của con tăng cao hơn 37,5 độ thì mẹ nên tìm cách hạ sốt bằng cách chườm ấm, nới lỏng quần áo,... Trên 38,5 độ tốt nhất nên đưa con đến bệnh viện để theo dõi.

Vấn đề vệ sinh

Nếu không giữ vệ sinh sạch sẽ, trẻ sơ sinh rất dễ bị các tác nhân gây hại tấn công. Đó là lý do mẹ cần chú ý vấn đề giữ vệ sinh cho con. Da, rốn và miệng con là những khu vực nhạy cảm, mỏng manh, cần sự chăm sóc đặc biệt.

Chị em cần tắm cho con bằng nước ấm mỗi ngày, chăm sóc rốn bằng cồn y tế 70 độ cho đến khi rốn khô và rụng đi. Phần miệng trẻ cũng nên được vệ sinh bằng nước muối sinh lý thường xuyên.

Nắm chắc những dấu hiệu nguy hiểm

Chăm sóc trẻ sơ sinh, cái khó của mẹ là tất cả đều sẽ phải dựa vào kiến thức, kinh nghiệm và suy đoán vì con chưa biết nói, chưa thể bày tỏ vấn đề mình đang gặp phải. Chính vì thế, mẹ phải nắm chắc những dấu hiệu bất thường để kịp thời đưa con đi thăm khám.

chăm sóc trẻ sơ sinh 4

Các dấu hiệu bất thường ở trẻ sơ sinh cần được phát hiện kịp thời

Một số dấu hiệu nguy hiểm ở trẻ sơ sinh, khi phát hiện mẹ nên thông báo với bác sĩ ngay đó là con co giật, ngủ li bì không thể đánh thức, hạ thân nhiệt, sốt cao, bỏ bú, thở khò khè, thở rít, nôn liên tục, vàng da đậm,…

Chăm sóc trẻ sơ sinh là chuyện không hề đơn giản với mỗi người mẹ. Nhưng để con lớn lên an toàn, khỏe mạnh, người mẹ nào cũng sẽ phải mạnh mẽ để cố gắng làm mọi thứ tốt nhất cho con. Nắm chắc những sai lầm và các lưu ý cần biết khi chăm sóc trẻ sơ sinh trên đây sẽ giúp chị em tự tin hơn trên hành trình làm mẹ của mình.

Xem thêm bài viết tham khảo: 

https://www.webmd.com/parenting/baby/features/10-mistakes-new-parents-make

https://edition.cnn.com/2018/01/29/health/newborn-mistakes-parents/index.html

https://www.firstpost.com/health/newborn-care-week-2019-seven-common-mistakes-that-most-new-parents-make-7655541.html

Xem thêm bài viết liên quan: 

14 sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh khiến nhiều bố mẹ ân hận

6 sai lầm khi chăm sóc bé sơ sinh

6 sai lầm khi chăm sóc trẻ sơ sinh mẹ cần tránh