Bất kể người bà nào cũng thương cháu và mong cháu sẽ khôn lớn và khỏe mạnh, ngày ngày dù bận rộn đến mấy bà cũng lo đủ cho cháu 3 bữa ăn hàng ngày, tuy nhiên, đôi khi vì một chút sai lầm trong cách chế biến hằng ngày lại vô tình ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, dễ gây hậu quả khôn lường.

Như câu chuyện em vừa đọc được trên báo sáng nay đây cả nhà. Cụ thể thì bé gái 9 tháng tuổi này thường được bà nấu ăn mỗi ngày. Thời gian rồi bé bỗng dưng sổ mũi nhiều ngày không khỏi và được gia đình đưa đi khám ngay sau đó. Bác sĩ sau khi kiểm tra cũng có hỏi thêm về tình hình ăn uống, chăm sóc trẻ ở nhà thì bố mẹ cháu có chia sẻ, do ở tháng thứ 9 chưa vững đầu nên mỗi khi nấu cháo cho cháu, bà ngoại bé đã nêm khoảng 1/4 muỗng cà phê muối và nước mắm vào. Vì bà cho rằng, trẻ ăn muối sẽ giúp ngon miệng hơn và giúp “chắc” người hơn.

Theo như em có tìm hiểu từ ý kiến của các bác sĩ, trẻ ăn dư muối thì sẽ dễ tổn thương thận, trào ngược và nôn ói. Nhất là với các bé dưới 2 tuổi, thận còn non nớt nên khả năng đào thải muối kém, vì vậy khi cho trẻ ăn cháo, ăn dặm không nên nêm gia vị. Việc nêm mắm muối vào nồi cháo của trẻ để cho thức ăn đậm đà vừa miệng hơn chỉ là suy nghĩ của người lớn. Còn với trẻ nhỏ thì không cần đâu cả nhà ạ.

hình ảnh


Ảnh minh họa

Kế đến, muối ăn nếu được sử dụng đúng cách sẽ mang lại những lợi ích nhất định cho cơ thể như cung cấp iot khiến chúng ta không bị bướu cổ hay hỗ trợ tư duy,.... Tuy nhiên nếu sử dụng quá nhiều muối và duy trì thói quen ăn mặn hằng ngày sẽ mang lại những ảnh hưởng không nhỏ đến cơ thể, nhất là hệ tiêu hóa, thải độc của trẻ sơ sinh lúc này còn yếu và chưa được hoàn thiện.

Hơn nữa, theo một số nghiên cứu cũng cho thấy trẻ ăn nhiều muối ở thời gian này có thể dễ làm tổn thương não bộ. Chính vì thế, khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi, cha mẹ không nên cho muối. Thực tế, trong một số thực phẩm hằng ngày như sữa, trứng, thịt, rau tươi,... đều đã cung cấp đủ natri cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi.

Vậy bổ sung muối như thế nào cho trẻ mới là chuẩn?

Ở trẻ nhỏ, thận còn chưa đủ trưởng thành và vì vậy, năng suất và khả năng làm việc của hai máy lọc này còn yếu kém, cũng như dễ mệt hơn so với người lớn. Khuyến cáo về lượng muối tối đa cho trẻ vì vậy cũng khác xa so với người trưởng thành.

Hiện nay, khuyến cáo lượng muối tối đa cho trẻ như sau:

- Trẻ dưới 1 tuổi: Dưới 1g muối/ngày (có nghĩa là dưới 0.4g natri)

- Trẻ từ 1-3 tuổi: Tối đa 2g muối/ngày (0.8g natri)

- Trẻ từ 4-6 tuổi: Tối đa 3g muối/ngày (1.2g natri)

- Trẻ từ 7-10 tuổi: Tối đa 5g muối/ngày (2g natri)

- Trẻ từ 11 tuổi trở lên: Tối đa 6g muối/ngày (2.4g natri)

Có nghĩa là, nếu bạn tính đơn vị Natri (như trong các thành phần dinh dưỡng biểu hiện trong các hiệu thức ăn), thì phải nhân với 2.5, để tính ra đơn vị muối.

Với trẻ nhũ nhi bú mẹ hoàn toàn, trẻ đã được cung cấp đầy đủ lượng muối qua sữa mẹ. Sữa công thức cũng có hàm lượng muối y như sữa mẹ, nên trẻ bú sữa công thức cũng được cung cấp đủ lượng muối cần thiết cho cơ thể.

hình ảnh

Một số điều phụ huynh cần lưu ý theo từng độ tuổi của bé

Với bé từ 6 – 11 tháng tuổi

Theo lời khuyến cáo từ các chuyên gia dinh dưỡng và tổ chức y tế dành cho trẻ khỏe mạnh, sinh đủ tháng là nên bắt đầu ăn bổ sung từ khoảng 4 – 6 tháng tuổi, muộn nhất là 6 tháng tuổi. Ở giai đoạn đầu, thức ăn dặm của bé nên được làm mềm, được nghiền nhuyễn. Có thể cho bé thích nghi từ từ, cho bé làm quen bằng 1 bữa/ngày rồi tăng lên 2 bữa/ngày.

Mục đích của việc ăn bổ sung ở giai đoạn này là rèn luyện khả năng nhai và nuốt thức ăn của bé. Các mẹ có thể đa dạng thực đơn cho bé. Bé bắt đầu làm quen với bún, mì, phở, hoa quả xay nhuyễn, rau cắt nhỏ, xay nhuyễn thịt, cá… Tiếp cận nhiều loại thực phẩm một cách từ từ sẽ đem lại hiệu quả tốt. Điều đặc biệt cần ghi nhớ là trước 1 tuổi, đồ ăn dặm của bé không có muối hay bất cứ loại gia vị nào khác.

Với bé từ 12 – 24 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, lượng sữa hàng ngày của trẻ nên duy trì ở mức 500-800ml. Khẩu phần ăn hàng ngày nên có đủ 4 loại gồm rau, tinh bột, đạm động vật và chất béo. Nên ưu tiên bổ sung dầu thực vật vào mỗi bữa ăn của bé. Bởi nó có thể giúp trẻ cung cấp các axit béo thiết yếu. Ngoài ra, còn rất cần thiết cho sự phát triển của não và hệ thần kinh của trẻ. Gợi ý tốt nhất dành cho mẹ là lựa chọn dầu óc chó, dầu ô liu,…

Với bé trên 24 tháng tuổi

24 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé đã hoàn thiện dần. Chế độ ăn của bé có thể gần giống với bữa ăn của người lớn. Nhưng các mẹ vẫn nên chú ý giảm dầu mỡ và ít muối. Đồng thời cố gắng tránh cho bé ăn thức ăn nhiều đường, muối và chất béo.