Vừa mới xông được một lúc thì bé gái 14 tuổi bị lên cơn co giật đột ngột nên đã ngã úp mặt vào nồi nước xông đang sôi khoảng 1 phút

Trị bệnh cho con bằng phương pháp dân gian vốn được nhiều phụ huynh người Việt yêu thích nhưng việc áp dụng một cách mù quáng và thiếu khoa học sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay, nhiều phụ huynh áp dụng việc xông lá thuốc để trẻ phòng bệnh nCoV. Tuy nhiên câu chuyện bé gái 14 tuổi ở Đồng Nai phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch bỏng toàn thân do phụ huynh sử dụng phương pháp xông lá thuốc để phòng dịch bệnh dưới đây  hy vọng sẽ là bài học rút kinh nghiệm đối với tất cả các bậc làm cha, làm mẹ.

Bé gái bị bỏng nước sôi do xông thuốc ngừa nCoV

Theo báo Tuổi Trẻ thông tin thì ngày 18-12, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) cho biết tiếp nhận bé gái 14 tuổi tên T.L.N.P. được Bệnh viện Đồng Nai chuyển đến trong tình trạng bỏng nặng toàn thân do nước sôi. 

Gia đình bé P. cho biết nguyên nhân dẫn đến tình trạng đáng tiếc này là do trước đó cả nhà đã cho em xông lá thuốc để phòng ngừa nCoV, tuy nhiên vừa mới xông được một lúc thì bé P. bị lên cơn co giật đột ngột nên đã ngã úp mặt vào nồi nước xông đang sôi khoảng 1 phút, sau đó bất tỉnh. Mặc dù người nhà đã nhanh chóng đưa P. đến Bệnh viện Đồng Nai nhưng do tình trạng diễn biến xấu nên các bác sỹ đã chuyển em lên Bệnh viện Nhi đồng 2.

hình ảnh

Nguồn hình: Báo Tuổi Trẻ

Tại đây em P. được để hỗ trợ thở bằng máy, truyền dịch nuôi ăn, khống chế nhiễm trùng từ các vết bỏng bằng kháng sinh mạnh nhưng do tình trạng bỏng nặng ở vùng đầu, mắt, cổ nên các bác sỹ nhận định bé gái có thể ảnh hưởng đến ngoại hình và sinh hoạt từ các sẹo dính về sau. 

Câu chuyện của bé P một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc cha mẹ khi sử dụng thuốc xông cho con phòng ngừa dịch bệnh. Trước đó vào khoảng tháng 8/2021, một gia đình tại TP.HCM cũng thực hiện phương pháp xông hơi cho con  thay vì mang bé đến cơ sở y tế khám chữa. Kết quả, bé gái này bị bỏng ở mức độ 2 và 3. Vết bỏng chiếm 35% diện thích cơ thể khiến cơ thể mất nước và sốc do bỏng. Các bác sĩ phải nỗ lực điều trị vết bỏng, hạn chế nhiễm trùng, hồi sức kịp thời song song đó phải theo dõi thêm diễn tiến của bệnh nCoV khiến việc điều trị rất phức tạp.

hình ảnh

Bệnh viện Nhi đồng 2, nơi bé P. đang điều trị. Nguồn hình: Internet

Trên thực tế, việc sử dụng các phương pháp cổ truyền để phòng, chống dịch bệnh nCoV trong thời điểm  như hiện nay được nhiều phụ huynh áp dụng, tuy nhiên các bác sỹ cũng khuyến cáo người dân không được xông trực tiếp vào người; không xông tinh dầu trong phòng ngủ có trẻ em dưới 30 tháng tuổi, trẻ em có tiền sử co giật do sốt cao, động kinh, người có dị ứng với tinh dầu.

Phương pháp phòng ngừa dịch bệnh nCoV đối với trẻ em

Bên cạnh một số biện pháp xông phòng, vệ sinh sạch sẽ nơi ở và hạn chế tiếp xúc nơi đông người thì việc tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ khỏe mạnh hơn là điều rất quan trọng để trẻ tự bảo vệ mình trước nguy cơ lây bệnh nCOV. Và cha mẹ cần đảm bảo bé có một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý và lối sống lành mạnh, cụ thể:

- Cho trẻ uống đủ nước

- Bổ sung các thực phẩm giàu protein: trứng, thịt, cá… để tăng sức đề kháng cho trẻ.

- Tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc, không chỉ cung cấp đầy đủ chất kẽm cho cơ thể mà còn giúp tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại những vi rút gây bệnh.

- Bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón ở trẻ.

- Ba mẹ cũng cần tập cho bé một lối sống lành mạnh: đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ; rèn luyện cơ thể thường xuyên; tắm nắng để hấp thụ vitamin D.