Trẻ con hiếu động, hay thích cái trò nhảy tưng tưng trên ghế, trên nệm, vui thì có vui nhưng rất không an toàn.

Ở nhà có trẻ con là phải luôn mồm thôi các mẹ, nhất là mấy đứa nhỏ nó cứ thích nhảy nhót, leo trèo thì càng phải la phải nhắc. Như cháu nhà em đây, hết mẹ rồi tới ngoại, tới dì cứ phải canh chừng. Có khi đang cầm đũa ăn cơm cái hứng lên bỏ chạy. Cái đũa nó xóc vào một cái là khỏi cứu, cả nhà rượt theo muốn xỉu.

Rồi cứ mỗi lần lên giường là nhảy tưng lên, nhún đủ trò, lỡ mà rớt khỏi giường, đầu chạm tường, chạm đất có khổ không. Thành ra nhà có con nhỏ là phải kỹ, phải nhắc thường xuyên mấy cái vụ chạy nhảy này. Chứ không là có khi khóc không kịp đó các mẹ.

hình ảnh

Ảnh: HK01

Em xem được một chuyện trên trang nước ngoài, thương đứa nhỏ quá chừng. Chơi giỡn trong nhà mà cũng không an toàn. Mới 7 tuổi mà đã ra đi sớm, chỉ vì nhảy nhót trên ghế rồi ngã xuống trúng cái bàn trà. Cứ vậy mà không còn nữa, cha mẹ phát hiện đưa đi viện ngay đó nhưng bác sĩ bó tay rồi.

Như đã nói trẻ con rất hiếu động, chạy nhảy ở trong nhà là điều khó tránh khỏi. Nhưng cha mẹ phải chú ý nhắc nhở hoặc tránh những chướng ngại trong nhà khiến con bị thương.

Ngày 16/9 vừa rồi, bé trai 7 tuổi tên Muhammad Arif Fayyadh bin Wahyu Asmi, ở Selangor, Malaysia đã gặp nạn thương tâm. Chiều hôm đó bé chơi và nhảy lên xuống trên ghế sofa trong phòng khách. Trong một lần nhảy lên thì bé bị hụt chân và rơi xuống bàn trà ngay đó.

hình ảnh

Ảnh: HK01

Cú té khiến mặt bàn kính bị vỡ, những mảnh kính ấy chẳng may “đính” vào ngực của bé. Lúc xảy ra sự việc, cha mẹ của Asmi cũng có mặt ở nhà. Ngay khi phát hiện, họ đã lập tức đưa con đi bệnh viện cấp cứu. Nhưng do bị thương nặng nên phải chuyển viện.

Tuy nhiên sau đó, bác sĩ xác nhận bé đã ngưng thở trước khi đến bệnh viện. Một đứa bé hiếu động cứ nói đi là đi nhanh vậy đó mọi người. Tưởng con đi đâu bị ngã, bị thương thì không nói. Đằng này con gặp nạn trong chính ngôi nhà mình.

Mà nói chứ cái trò leo lên ghế, lên bàn, lên giường nhún nhảy trẻ con cực kỳ thích. Em thấy trẻ nhà nào cũng chơi trò này, cứ gặp nệm mềm là nhảy cho nó bật lò xo, đúng vui. Nhưng các mẹ thấy đó, trò này rất nguy hiểm, tưởng bình thường lại lấy đi sự sống của một đứa bé 7 tuổi.

Để đảm bảo an toàn khi trẻ con vui chơi ở nhà, ngoài việc nhắc con bớt leo trèo, nhảy nhót, cha mẹ nhớ thêm 10 biện pháp phòng ngừa ngã và 6 cách sơ cứu dưới đây.

Các biện pháp phòng tránh trẻ ngã

1. Luôn dọn dẹp đồ chơi và đồ lặt vặt trên mặt đất.

2. Khi trẻ tập đi cần cha mẹ theo sát con.

3. Không để trẻ ngồi ở nơi cao như trên ghế, trên giường, trên lầu, ban công mà không có người giám sát.

4. Luôn kiểm tra nền nhà đảm bảo con không vấp.

5. Giữ sàn khô ráo.

6. Với trẻ sơ sinh, trẻ mới biết đi, nên rào chắn an toàn đầy đủ, nhất là ở bậc thềm, bậc cầu thang, nôi, giường.

7. Con ngồi vào ghế nên có điểm tựa, hạn chế cho con đứng, trèo, nhất là trong lúc ăn uống.

8. Các cửa ra vào và cửa sổ nên được khóa thường xuyên, nên lắp thêm lưới/chấn song cửa sổ để tránh con bị ngã.

9. Không đặt bất cứ vật gì có thể dùng để giẫm lên cửa sổ như ghế nhỏ, hộp gỗ… để tránh trẻ em trèo lên.

10. Chú ý đến độ an toàn của xe đẩy, xe tập đi trẻ em để tránh bị thương do lật nhào.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: HK01

Kiến thức sơ cứu khi trẻ ngã

1. Giữ bình tĩnh, gọi thêm người hoặc gọi cấp cứu để được trợ giúp ngay lập tức nếu cần.

2. Kiểm tra mức độ tỉnh táo của trẻ.

3. Kiểm tra xem đường thở của trẻ có bị cản trở không (có thể khóc và nói được không), nhịp thở đã đủ chưa và tuần hoàn có bình thường không (quan sát sắc diện, độ thở, nhịp thở).

4. Nếu nhịp thở và tuần hoàn của trẻ bình thường, hãy kiểm tra các tổn thương khác.

5. Nếu có chảy huyết, kiểm tra vết thương xem có dị vật không. Nếu không có dị vật, có thể băng vết thương bằng một số băng sạch, dùng tay đè lên vết thương để cầm lại và nâng chi bị thương lên để giảm chảy huyết ra ngoài.

6. Nếu có bất kỳ biến dạng hoặc sưng tấy nào ở vùng bị thương, không được di chuyển vùng bị thương và gọi trợ giúp ngay lập tức.

Việc bắt một đứa trẻ ngồi yên, không được chơi đùa, nhún nhảy, leo trèo là rất khó. Tuy nhiên, cha mẹ phải nhắc nhở trước về những chỗ không an toàn để con tránh đi. Đừng để như bé 7 tuổi, chẳng may nhún nhảy rồi ngã ngay vào bàn kính, thế là ra đi mãi mãi.