Bác nông dân chạy xe đạp, ăn mặc giản dị vậy thôi chứ nghi là đại gia ngầm khiến hàng xóm phải nể. Người có tiền thật sự không cần phải khoa trương.

Không nên chỉ dựa vào vẻ bề ngoài mà đánh giá một con người. Ngày nay thật giả khó lường, người giàu hay nghèo nhìn cũng khó phân biệt. Đừng nghĩ người ăn mặc sang trọng lộng lẫy là sẽ giàu nứt đố đổ vách, người mặc lấm lem là nghèo khó. Nếu không tìm hiểu kỹ thì sai lầm như chơi.

Trên trang Beatvn vừa chia sẻ câu chuyện về một bác nông dân chạy xe đạp cũ nhưng được đồn là đại gia ngầm. Nhóm người thuê nhà cũng không biết vì nhìn chú có vẻ vất vả, nói chuyện bình dân. Đến khi hàng xóm tiết lộ họ mới giật mình:

“Lần đầu đi thuê nhà, tìm nhiều nơi lắm rồi mà chả chỗ nào ưng í, tự dưng hôm đấy anh em ngồi quán nước được cô hàng nước mách cho một chú đang cần tìm khách thuê nhà. Liên hệ tới thì thấy quý chú vì chú hiền lành, lại trông khá vất vả mà căn nhà chú cần cho thuê cũng hợp ý bọn mình nên gật đầu luôn. 

Xong đến hôm tới nhận nhà, mình đứng ngoài cửa rồi gọi điện chú bảo đợi tí tao đang cuốc dở vườn rau, giờ ra ngay đây. 

10p sau chú đạp xe đạp ra, lững thững tay cầm theo cái hộp rồi tỉnh bơ đi vào dốc ra một đống khóa, chú bảo "Đấy tìm chìa đi, chứ tao cũng chả nhớ nhà này là chìa nào" .

Mấy anh em sững sờ, chú dốc xong hộp khóa thì cũng đạp xe đi mất hút. Cô hàng xóm thấy thế mới chạy sang cười khúc khích: 

- Ông này đại gia ngầm đấy, mấy lần còn gạ tôi bán nhà để ổng đập thông 2 căn cho thuê lại cho được giá”.

hình ảnh

Bác nông dân khiến 2 thanh niên bối rối vì đống chìa khóa nhà. Ảnh Beatvn

Chẳng biết lời người hàng xóm nói có thật hay không, nhưng bác chủ nhà đúng kiểu không câu nệ chuyện cho thuê, ném đống chìa khóa rồi rời đi khiến 2 chàng thanh niên loay hoay cả buổi. Nhìn cảnh này, cư dân mạng khuyên họ đánh liều cưa ổ chìa khóa đi mua cái mới trả lại cho bác chứ biết mở đến khi nào:

- Chứng tỏ chú rất nhiều nhà mới không nhớ cái khoá nào với khoá nào.

- Đại gia ngầm là đây, ăn mặc bình thường nhưng tài chính không tầm thường.

- Khu mình ở, đồ bộ, đạp xe đạp, chạy xe thồ hoặc đi bộ, toàn vài trăm tỷ trong tay, người khu khác tới không biết đâu, người ở lâu năm mới biết.

- Ra đường nhìn khắc khổ thế này ai bảo chú đại gia. Một đống chìa khoá thế kia thì biết rồi.

- Những người giàu họ toàn giản dị lắm đây gọi là khiêm tốn chứ sợ nhất các bác có tí khoe của.

hình ảnh

Kiểu này không biết bao giờ mới mở được cửa. Ảnh Beatvn

Thật ra mỗi người mỗi tính cách. Có người dù giàu đến mấy cũng nhất định không khoe khoang. Có người trong túi bao nhiêu tiền là bấy nhiêu tự mãn, muốn ai nấy phải trầm trồ xuýt xoa. Cũng có người sợ ai đó biết mình giàu, cố gắng giấu diếm, sống khổ để che lấp tài sản đồ sộ... Nhưng trong câu chuyện trên đây, nếu giàu thật như những gì hàng xóm nói thì phong cách của bác nông dân là vậy, cứ xuề xòa giản dị mà sống cho nhẹ nhàng.

Còn nhớ hồi đầu năm nay có câu chuyện về tỷ phú Yao Zhenhua đi ăn trong một tiệm mì bình dân. Người này là chủ tịch của Baoneng Group - tập đoàn bất động sản và dịch vụ tài chính của Trung Quốc, và là người giàu thứ 52 của Trung Quốc tính đến tháng 8 năm 2020. Người ngoài nhìn vào không thể biết ông là chủ tịch tập đoàn lớn, nhưng người nhận ra thì rất bất ngờ.

hình ảnh

Tỷ phú BĐS ngồi ăn mì trong tiệm bình dân. Ảnh 2dep

Vị tỷ phú mặc áo sơ mi, quần tây và ngồi trên chiếc ghế nhựa màu đỏ. Ông đang ăn một tô mì có giá hơn mười tệ (khoảng 35 ngàn đồng) quá rẻ so với khối tài sản hơn 200 tỷ NDT mà ông đang sở hữu. Một người như ông Yao đi ăn chỗ bình dân bỗng trở thành tâm điểm của sự chú ý bởi mọi người luôn nghĩ tỷ phú sẽ không lui tới những nơi như thế này. Sự việc ngay lập tức gây xôn xao và trở thành “câu chuyện khích lệ”, “tinh thần khởi nghiệp”, “bài học cuộc sống”... 

Người đi lên bằng lao động chân chính, biết coi trọng giá trị đồng tiền và trân quý thành quả đạt được thường thích sống giản dị và không muốn phô bày bất cứ thứ gì. Người ta biết họ giàu hay không đều chẳng phải là thứ họ quan tâm. Họ có thể đến cửa hàng tạp hóa nhỏ, xách giỏ đi chợ bình dân, mặc đồ bộ, đi dép lê giá rẻ... chỉ cần họ biết mình đang sống cuộc sống chất lượng, đầu óc không phải đấu tranh về cơm áo gạo tiền là đủ.