Bà vượt qua nỗi sợ đến thành phố, tự qua đường đông xe, chống gậy đi dưới nắng nóng chỉ vì lo cháu gái cưng đi mẫu giáo sẽ khóc.

Với ông bà, các cháu luôn là báu vật trong lòng bàn tay, bao nhiêu yêu thương ông bà đều dành cho cháu hết. Vừa rồi em đọc được câu chuyện về bà 80 tuổi của một em tân sinh viên xúc động lắm mọi người. Làm em cũng nhớ về ngày xưa, thời em mới đi mẫu giáo, toàn được ông cõng trên lưng.

Chuyện xưa thì em chẳng nhớ nổi đâu, nhưng được mẹ kể lại. Đường từ nhà tới trường lúc đó mưa toàn bùn lầy. Ông em sợ cháu bị bẩn chân, bẩn quần áo, thế là toàn cõng, dù ông đã hơn 70 tuổi. Bà thì xót cháu, sợ cháu đi học khóc, mới được vài tiếng đã nằng nặc đòi ông ra trường xem. Cháu có khóc phải đón về ngay.

Đoạn đường từ nhà đến trường mẫu giáo vừa khó đi lại rất xa, đi bộ ít cũng phải 20 phút, với người già, đi bộ lâu thế thì mệt lắm. Thế mà một ngày ông phải đi mấy bận để xem cháu có khóc không. Thời đó làm gì có điện thoại mà gọi đâu, chỉ còn cách đứng núp ở cổng rào hoặc đi đi về về xem cháu thôi. Giờ thì cả ông và bà đều không còn nữa, cứ thấy ai còn ông bà yêu thương là em ganh tị lắm.

Giờ em sinh viên này cũng có câu chuyện gần giống như em. Làm biết bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Bà của em này ngày xưa cũng từng chống gậy đến trường mẫu giáo để xem cháu có khóc không. Thương nhất là bà vượt đoạn đường khó khăn, đến trường lại bị bảo vệ giữ bên ngoài, không cho gặp cháu. Hiện tại, bà của em ấy cũng đã lên thiên đường, giống ông bà của em.

Bà 80 tuổi chống gậy đến trường xem cháu có khóc không

Em sinh viên này có nickname là Wen nha mọi người. Em kể lại câu chuyện ấm lòng nhân dịp lần đầu tiên bước chân vào trường đại học. Khi xưa em cũng lần đầu chập chững bước vào mẫu giáo, nhưng khác là khi đó bà vẫn còn.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: yahoonews

Tiêu đề chia sẻ của em là “Bà nội đến trường mẫu giáo, tìm cháu mà không thấy”. Em kể bà nội sinh ra bố rất muộn, em lại là đứa cháu gái út nhất trong nhà. Nên khi em còn nhỏ, bắt đầu học mẫu giáo thì bà đã ngoài 80 tuổi rồi.

Bà bị chứng đau khớp, đi lại khó khăn, thế mà vừa nghe tin cháu gái bắt đầu đi học mẫu giáo ngày đầu tiên, bà đã từ quê lên thành phố. Trước đó, bà còn lo lắng đến nỗi sụt sịt nước mắt vì sợ cháu đi học khóc, thiếu ăn, thiếu ngủ.

Bà lo là đúng thôi, hầu như đứa trẻ nào ngày đầu tiên đi nhà trẻ đều khóc toáng lên vì sợ bị bố mẹ bỏ lại. Lúc đó, em sinh viên thực sự đã khóc rất nhiều từ ngày trước khi đi học. Bà ra xem cháu thế nào, thấy cháu khóc nên rất lo lắng.

Nhưng có một chuyện mãi đến tận bây giờ em mới được nghe mẹ kể. Mẹ nói em không biết rằng trưa ngày đầu tiên em đi mẫu giáo, bà đã chống gậy lén đi khỏi nhà mà không ai hay. Hôm đó trời nắng rất gắt, bà lại từ quê lên, đâu có quen đường sá.

Mẹ của em lúc đó đang phơi quần áo ngoài ban công nên không hay bà đã lén tự chống gậy đi. Vượt qua nỗi sợ hãi, bà tự đi thang máy một mình, băng qua những tòa nhà và những chiếc xe hơi. Bà tự mình đi trên con phố đông người, đi chậm chậm đến cổng trường, dựa theo trí nhớ của bà.

Vượt qua bao khó khăn, bà cuối cùng cũng đến được, nhưng đã bị bảo vệ chặn lại ở cổng. Họ hỏi tên, lớp của cháu gái. Nhưng bà chỉ nhớ mỗi tên gọi ở nhà của cháu, không nhớ tên trên khai sinh hay lớp. Vậy là bà vẫn không được gặp cháu, phải trở về nhà.

"Cháu gái đi học ngày đầu tiên hôm nay. Mẹ sợ nó sợ hãi. Mẹ đã đến trường vì muốn gặp cháu”. Lúc về nhà, bà đã than thở với mẹ, rồi mới phát hiện vì ở nhà toàn gọi biệt danh của cháu, nên bà chẳng nhớ nổi tên giấy tờ của cháu. Thương bà quá, đến tận trường mà chẳng được vào.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: hk01

Nghe mẹ kể, em rất xúc động và ấm áp. Em biết bà không quen sống ở thành phố. Nhưng vì thương cháu gái, bà từ quê chống gậy lên, ở lại mấy ngày liền. Thậm chí bà còn dám băng qua đường một mình, chỉ để gặp đứa cháu gái quý giá của bà. Ngày nào về bà cũng hỏi xem cháu có khóc ở trường không, ăn uống đầy đủ không.

Em cũng có để lại lời nhắn nhủ với bà rằng năm nay em đã vào đại học, cũng bước vào một ngôi trường mới. “Bà ơi, cháu lớn rồi, đã rất chăm chỉ để trúng tuyển vào Đại học Quốc gia. Bà hãy sống hạnh phúc trên thiên đường. Lần này, cháu sẽ không khóc, cháu sẽ chăm sóc bản thân thật tốt khi vào đại học”.

Ngay sau khi bài được đăng lên đã thu hút hơn 10.000 lượt thích. Nhiều người vào bình luận sôi nổi vì họ cũng nhớ bà và ghen tị với chủ bài đăng. Rất nhiều người kể lại câu chuyện của họ như được bà đạp xe chở đi học. Không được bà thì cũng có ông đưa đi học.

Với mỗi đứa trẻ, có được tình yêu thương của ông bà là một niềm hạnh phúc. Kỷ niệm về ông bà mãi mãi là những điều đẹp nhất, ấm áp nhất không thể nào quên. Dù một ngày nào đó ông bà không còn nữa, những gì ông bà đã làm vì con cháu sẽ được nhớ mãi.

3 kiểu gia đình con trẻ chẳng bao giờ khóc khi đi mẫu giáo

Ngày đầu tiên đưa con đi học mẫu giáo các mẹ có còn nhớ không ạ, xung quanh toàn là tiếng khóc của trẻ thôi. Con em thấy bạn khóc, đang vui vẻ tí tỡn cái cũng khóc theo luôn. Làm em ù chạy ra khỏi đó thật nhanh, chứ đứng lại lâu sợ con đeo không cho mẹ đi.

Nhớ lại thì hôm đó cũng có nhiều bé đi học mẫu giáo rất vui tươi, hồn nhiên, chẳng khóc la gì luôn. Sau này em tìm hiểu thông tin dạy con trên mạng mới biết bé nhà em khóc là do hiệu ứng. Còn các bé không khóc là nhờ vào gia đình hết đó ạ.

Như câu chuyện của bé L. 3 tuổi, đến tuổi phải đi học mẫu giáo. Ngày đầu đến lớp, nhiều bạn khác cứ túm lấy bố mẹ đòi về nhưng bé L. không quấy khóc. Các cô thì hết lời khen ngợi vì con ngoan ngoãn.

Sau đó các cô tìm hiểu thì mới biết gia đình bé L. rất hạnh phúc và yêu thương. Đồng thời, bố mẹ bé L. rất chú trọng trau dồi khả năng tự chăm sóc bản thân cho con. Trước khi đưa con đi học mẫu giáo, bố mẹ đã nói chuyện với con rất lâu, làm công tác tư tưởng thoải mái cho con.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: netease

Nên khi đến trường, con đã có sự chuẩn bị trước, có thể mạnh dạn vào lớp với các cô mà không khóc hay đòi theo bố mẹ. Theo một số bài phân tích, những đứa trẻ ngày đầu đến trường không khóc, thường xuất thân từ 3 gia đình:

1. Gia đình hòa thuận, bố mẹ thương yêu nhau

Không khí gia đình thường có ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của trẻ. Trẻ lớn lên trong gia đình bất hòa, bố mẹ hay cự cãi thường thiếu sự an toàn. Do đó, khi đến nhà trẻ là nơi xa lạ, con rất dễ khóc.

Ngược lại, những gia đình có bố mẹ hòa thuận, yêu thương nhau, con cảm nhận được bố mẹ yêu thương con thì con không lo bị bố mẹ bỏ lại. Môi trường gia đình êm ấm cũng sẽ nuôi dưỡng và phát triển những nhân cách, thói quen tốt cho bé.

Những đứa trẻ lớn lên trong một môi trường gia đình như vậy sẽ có đủ cảm giác an toàn, không sợ bị chia cắt. Nhiều đứa trẻ khóc khi đi nhà trẻ, phần lớn là vì chúng sợ phải xa bố mẹ, lo lắng không bao giờ được gặp lại bố mẹ, trong lòng cảm thấy vô cùng bất an.

Vì vậy, muốn con đi học mẫu giáo không khóc thì bố mẹ phải cho con cảm giác an toàn. Đồng thời cho con tin tưởng rằng khi tan học, bố mẹ vẫn sẽ đến đón con chứ không phải bỏ đi luôn.

2. Gia đình rèn khả năng tự chăm sóc bản thân cho con

Những gia đình quá nuông chiều con, quên mất dạy cho con cách tự chăm sóc bản thân không phải là thương mà là cản trở sự phát triển của con. Có nhiều đứa trẻ đi mẫu giáo vẫn không biết tự ăn, đi vệ sinh cũng không biết. Điều này khiến bé mất đi tự tin ở lớp và thấy lo lắng khi không có bố mẹ ở cạnh bên chăm sóc.

hình ảnh

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: netease

Một khi con trẻ hình thành tính ỷ lại, sẽ rất khó thích nghi với môi trường mới như ở nhà trẻ. Con quen tìm kiếm sự giúp đỡ của bố mẹ trong mọi việc, đến lớp, con sẽ rơi vào cảnh sợ hãi khi phải đối mặt chỗ lạ, phải học cách tự làm mọi việc.

Do đó, nếu muốn con đi mẫu giáo không khóc, không sợ, bố mẹ cần chú trọng rèn luyện khả năng tự chăm sóc bản thân cho con càng sớm càng tốt. Có như vậy, dù đi nhà trẻ hay sang môi trường mới, trẻ đều có thể thích nghi nhanh chóng. Một khi con có thể tự làm mọi thứ, con sẽ không sợ đi học mẫu giáo nữa.

3. Gia đình “thả rông”

Nghe qua tưởng kiểu bố mẹ vô trách nhiệm, thả con ra cho con tự vật lộn, tự sinh tự diệt. Tuy nhiên, kiểu thả rông này không phải bỏ mặc con mà là để con tự do hoạt động. Nhiều khi, chính sự gò bó của bố mẹ khiến con khó phát triển tâm sinh lý.

Gia đình thả rông là chẳng ngại đưa con ra ngoài chơi, tiếp xúc nhiều người để tập tính dạn dĩ cho con. Em từng gặp trường hợp, vì mẹ lo con tiếp xúc nhiều người dễ bị bệnh nên cứ cho ở trong nhà suốt. Đến lúc con 3 tuổi, chuẩn bị đi mẫu giáo mới phát hiện con sợ người lạ, rất nhát. Thế là lại phải tập cho con làm quen người này người kia.

Chỉ khi bố mẹ cho con được ra bên ngoài, tiếp xúc nhiều người, con mới dạn dĩ hơn. Do đó, sẽ không khóc, không sợ khi đi mẫu giáo mà có thể vui vẻ, thoải mái kết bạn mới. Con sẽ không phản kháng trường mẫu giáo mà chỉ nghĩ đang đi đến một chỗ vui chơi nào đó.

Cha mẹ nên chuẩn bị những gì trước khi cho con đi học mẫu giáo?

1. Cho con chơi cùng các anh chị đã đi mẫu giáo

Việc chơi cùng anh chị, nghe anh chị kể về việc đi học mẫu giáo vui ra sao sẽ khiến con dễ tiếp nhận hơn. Con sẽ nhận ra việc đi mẫu giáo rất bình thường, rất vui vẻ. Từ đó, sinh ra sự khao khát đến trường trong con. Nghe lời kể từ những anh chị gần bằng tuổi con sẽ dễ hơn là bố mẹ ngồi nói cho con nghe.

2. Trau dồi khả năng tự lập cho con

Như đã nói ở trên, để con có thể đi mẫu giáo không khóc, bố mẹ nên dạy con càng sớm những việc cá nhân như tự ăn, tự đi vệ sinh, tự mặc quần áo. Không phải dạy con như vậy là để các cô giáo đỡ phiền, mà là để con có thể tự chăm sóc tốt nhất cho mình khi không có bố mẹ ở bên.

3. Nói chuyện trước với con về chuyện đi mẫu giáo

Hầu hết bố mẹ thường sẽ không ngồi xuống nói chuyện đi mẫu giáo với con vì nghĩ con còn nhỏ, biết gì. Tức là họ đột ngột quyết định đi học mẫu giáo, cứ đến ngày đó là buộc đưa con đến trường. Bố mẹ xem nhà trẻ là một nơi để trông chừng con, dạy thế nào không quan trọng, miễn có người xem chừng, ăn no là được.

Tuy nhiên, chính suy nghĩ, tâm lý này của bố mẹ vô tình khiến con khó chịu, lo lắng với việc đi nhà trẻ. Đột ngột đưa con đến một nơi xa lạ rồi để con lại đó, thử hỏi đứa trẻ nào không thấy sợ hãi và khóc lóc. Cho nên, việc trao đổi trước với con về việc đi mẫu giáo, kiên nhẫn nói cho con nghe là điều rất cần thiết.

Nói chung việc trẻ ngày đầu tiên đi mẫu giáo khóc là chuyện rất đỗi bình thường. Việc bố mẹ cần làm là trấn an con, giúp con nhanh chóng hòa nhập ở lớp mẫu giáo. Cũng đừng vì thấy mấy ngày liền con đi học khóc nhiều quá mà vội cho con nghỉ, như vậy sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển vốn có của con.