Sau khi hầu hết trẻ từ 15-17 tuổi đã được tiêm vắc xin 'cô vít', nhiều nơi cũng đang bắt đầu tiêm chủng cho các bé từ 12-14 tuổi mọi người ạ.

Trước và khi con được tiêm, nhiều bố mẹ rất lo lắng nên đã tìm hiểu cái này cái nọ, đồng thời cũng nhận được tư vấn của chuyên gia nhưng vẫn không khỏi hồi hộp và lo lắng liệu con mình có được an toàn không.

Đồng thời, nhiều cha mẹ cũng vô cùng lóng ngóng không biết mình cần chuẩn bị những gì, đã đầy đủ chưa để con có buổi đi tiêm được suôn sẻ và thuận lợi.

Bản thân mình cũng có con chuẩn bị đến ngày được tiêm vắc xin, nên sau khi đọc được bài chia sẻ trên báo Zing News thì mình đã rõ cần chuẩn bị gì trước, trong và sau tiêm cho con rồi mọi người ạ. Giờ chia sẻ cho những ai cũng mang nỗi lo giống mình nha.

3 điều cha mẹ cần biết trước khi đưa con đi tiêm vắc xin 'cô vít' cho con như sau:

hình ảnh

Cha mẹ cần chuẩn bị tốt để con tiêm vắc xin an toàn. Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trước khi tiêm: Trẻ cần chuẩn bị sức khỏe tốt từ việc bổ sung dinh dưỡng đến tinh thần

Để con mình có được thể trạng tốt nhất trước khi tiêm vắc xin 'cô vít, cha mẹ cần hạn chế để trẻ tiếp xúc bạn bè hoặc người lạ khoảng 1 tuần trước ngày tiêm. Điều này giảm nguy cơ lây nhiễm virus, vi khuẩn từ người lạ và môi trường bên ngoài.

Ngoài thể trạng, sức khỏe tinh thần cũng rất quan trọng với các bé khi tiêm chủng. Trước khi tiêm, cha mẹ nên trò chuyện với con mình về lý do cần tiêm vắc xin 'cô vít', những triệu chứng có thể xảy ra sau tiêm để con chuẩn bị tinh thần.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, cha mẹ không nên cho các bé uống thuốc giảm đau, hạ sốt trước khi tiêm để giảm tác dụng phụ của vắc xin.

Đến ngày tiêm vắc xin: Bố mẹ đi cùng và hỗ trợ con những tình huống cần thiết

Bố mẹ nên đi cùng con để giúp bé yên tâm về tinh thần, đồng thời hỗ trợ những tình huống con bỡ ngỡ, vừa theo dõi triệu chứng sau tiêm để đề phòng biến chứng nguy hiểm.

Cha mẹ có thể đưa con đi sớm để tránh tập trung đông người vào giờ cao điểm, nhắc con đeo khẩu trang mọi lúc và thực hiện đầy đủ 5K để tránh nguy cơ lây nhiễm virus.

Đồng thời hướng dẫn con điền đúng, đủ thông tin trong tờ khai cũng như thông báo cho nhân viên y tế những bệnh nền của bản thân đang có.

30 phút sau tiêm chủng là khoảng thời gian những triệu chứng phản vệ hiếm gặp của vắc xin có thể xuất hiện. Lúc này bố mẹ cần nắm rõ phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ để báo cho đội ngũ y tế, xử lý sơ cứu kịp thời.

Vì vậy bố mẹ cần cho con ở lại theo dõi ít nhất 30 phút tại điểm tiêm vắc xin 'cô vít' để hạn chế rủi ro không mong muốn xảy ra.

hình ảnh

Tiêm vắc xin xong con có thể gặp các phản ứng phụ không mong muốn: Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Sau khi tiêm: Theo dõi sát sao con, đặc biệt trong những ngày đầu

Bố mẹ cần cho con ăn những thức ăn dễ tiêu như cháo, phở, mì và uống nhiều nước hơn mọi ngày để bù lượng nước mất khi toát mồ hôi do sốt, giúp cơ thể nhanh bình phục.

Quan sát nếu con có triệu chứng bất thường như sốt cao liên tục, tím tái, khó thở… cần đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.

Với các trường hợp thông thường, các bé có thể gặp một số tác dụng phụ như mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt hay buồn nôn. Đây là dấu hiệu bình thường cho thấy cơ thể con đang xây dựng hàng rào miễn dịch, vì vậy bố mẹ không nên quá lo lắng.

Nếu con sốt có thể hạ nhiệt độ cơ thể cho bé bằng cách chườm khăn ấm vào khu vực trán, nách và bẹn. Nếu vết tiêm đau nhức hay cơn sốt khiến con mệt mỏi, bỏ ăn, cha mẹ có thể cho bé dùng các loại thuốc giảm đau hạ sốt để giúp con giảm cảm giác khó chịu.

Ngoài ra, cánh tay nơi được tiêm của con có thể xuất hiện vết mẩn đỏ, sưng tấy, đau. Bố mẹ có thể sử dụng khăn mát để chườm vết tiêm, tuyệt đối không đắp bất kỳ loại thuốc nào lên vết tiêm nếu không có chỉ định của bác sĩ để tránh nhiễm trùng.

Bố mẹ cũng nhắc con mình, ít nhất trong 3 ngày sau tiêm vắc xin bé cần tránh vận động mạnh và hoạt động thể thao cường độ cao.

Bởi vì theo cảnh báo của chuyên gia, các bé hoạt động mạnh sau tiêm sẽ tăng thêm áp lực cho tim, biểu hiện viêm cơ tim có thể trở nên trầm trọng hơn nếu không may bé gặp phản ứng phụ này.

Sau 3 điều vừa được báo chí chia sẻ như vậy, mọi người cũng đã rõ mình cần làm gì để tốt nhất khi đưa con đi tiêm vắc xin 'cô vít' rồi nhé. Chúc các bé nhà mình có buổi tiêm an toàn, thuận lợi nha.

Nguồn: Tổng hợp