Các cơn gò cứng bụng thường không gây đau đớn, nhưng có thể gây khó chịu cho mẹ bầu, thậm chí là dấu báo sinh non.

Khi bắt đầu bước vào tam các nguyệt thứ ba, mẹ bầu sẽ bắt đầu cảm thấy các cơn gò cứng bụng xuất hiện nhiều hơn. Bài viết dưới đây sẽ giúp mẹ hiểu hơn về nguyên nhân gây ra các cơn gò cứng bụng trong tam cá nguyệt thứ ba.

Cơn gò cứng bụng là gì?

Các cơn gò cứng bụng hay còn gọi là cơn co thắt Braxton Hicks ở phụ nữ mang thai thường diễn ra không liên tục, không mang lại cảm giác đau đớn quá nhiều và có thể diễn ra từ 30 giây đến 1 phút. Các cơn co thắt này thường bắt đầu trong tam cá nguyệt thứ ba, mặc dù mẹ cũng có thể nhận thấy chúng trong tam cá nguyệt thứ hai nếu đây không phải là lần mang thai đầu tiên.

cơn gò cứng bụng khi mang thai

Nhiều mẹ bầu bị cơn gò cứng bụng khi mang thai 3 tháng cuối

Các cơn co thắt này có thể bắt đầu với cảm giác giống như những cơn đau bụng kinh quen thuộc, nhưng có thể gây cảm giác khó chịu hơn trong vài tuần cuối của thai kỳ.

Vào cuối thai kỳ, mẹ có thể gặp phải các cơn co gò cứng bụng thường xuyên hơn, có thể nhiều nhất là 10 đến 20 phút một lần. Đây là một dấu hiệu cho thấy mẹ đang chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ.

5 nguyên nhân gây ra cơn gò cứng bụng khi mang thai 3 tháng cuối

1. Chuyển dạ sinh non

Chuyển dạ sinh non thường xảy ra trước khi mẹ kết thúc tuần thứ 36 của thai kỳ, điều này có thể gây ra các cơn co thắt ở phụ nữ mang thai. Vì vậy nếu mẹ cảm nhận thấy có nhiều cơn co thắt trong vài giờ liên tiếp thì mẹ cần phải đến bệnh viện để được kiểm tra. Chuyển dạ sinh non có thể dẫn đến sinh non, ảnh hưởng đến các vấn đề về hô hấp của thai nhi, trẻ sơ sinh nhẹ cân, các vấn đề về thị lực và sự phát triển trí não…

2. Vận động quá sức

Hoạt động quá sức của cơ thể có thể khiến tử cung của mẹ bầu bắt đầu xuất hiện các cơn co thắt giả, hơi khó chịu và kéo dài từ 30 giây đến 2 phút.

hoạt động quá sức làm tăng cơn gò cứng bụng

Vận động quá sức khi mang thai là một trong những nguyên nhân gây nên cơn gò cứng bụng

Trong trường hợp này, mẹ không cần phải gọi cho bác sĩ vì hầu hết phụ nữ cảm nhận được vào khoảng sau 20 tuần của thai kỳ. Mẹ hãy thử ngồi tựa vào ghế hoặc nằm gác chân lên gối sẽ giúp cơn gò cứng bụng biến mất.

3. Mất nước

Mất nước cũng có thể bắt đầu các cơn co thắt, vì vậy hãy đảm bảo rằng mẹ đang uống đủ nước. Bên cạnh đó, các bác sĩ cũng cho biết rằng khi mẹ bầu nhịn tiểu quá lâu cũng cũng có thể gây ra các cơn co thắt này, vì vậy hãy đảm bảo mẹ đi tiểu thường xuyên.

4. Quan hệ tình dục

Quan hệ tình dục khi mang thai cũng có liên quan đến các cơn gò cứng bụng. Có thể là do khi mẹ bầu đạt cực khoái, các chất prostaglandin trong tinh dịch khiến tử cung co lại. Tuy nhiên các cơn co thắt này không gây ra cơn chuyển dạ thật nên mẹ hoàn toàn có thể yên tâm nhé.

5. Bắt đầu chuyển dạ

Nếu như đã đến ngày dự sinh, mẹ nhận thấy các cơn chuyển dạ trở nên dồn dập và đều đặn hơn, đó là chuyển dạ thật.

Trong hầu hết các trường hợp, các bác sĩ sẽ khuyên mẹ bầu nên đến bệnh viện sau khi các cơn co thắt của mẹ kéo dài 1 phút và diễn ra cách nhau 4 đến 5 phút để chuẩn bị cho cuộc vượt cạn sắp tới.

Làm thế nào để giảm bớt sự khó chịu của cơn gò cứng bụng

Đối với một số phụ nữ mang thai, các cơn co thắt có thể gây khó chịu và chúng có xu hướng trở nên mạnh hơn khi đến ngày dự sinh.

cơn gò cứng bụng xuất hiện khi mang thai

Càng gần đến ngày dự sinh, cơn gò cứng bụng diễn ra thường xuyên hơn

Để giảm bớt sự khó chịu do các cơn co thắt này, mẹ bầu có thể:

  • Nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế ngồi, nằm để giúp giảm bớt các cơn co thắt
  • Uống một ít nước vì những cơn co thắt đôi khi có thể xảy ra do mất nước
  • Thực hiện các bài tập thư giãn hoặc hít thở chậm và sâu. Mặc dù điều này sẽ không ngăn chặn các cơn co thắt Braxton Hicks, nhưng nó có thể giúp mẹ đối phó với cảm giác khó chịu
  • Uống một tách trà hoặc sữa ấm
  • Tắm nước ấm (nhưng không nóng) tối đa 30 phút.

Nên đến bệnh viện lúc nào khi cơn gò cứng bụng xảy ra?

cơn gò cứng bụng xuất hiện nhiều ở tam cá nguyệt ba

Cơn gò cứng bụng khi mang thai sẽ là dấu hiệu chuyển dạ nếu diễn ra liên tục

Nếu mẹ mang thai chưa được 37 tuần

  • Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức hoặc đến bệnh viện nếu các cơn co thắt của mẹ trở nên thường xuyên hơn hoặc mẹ có bất kỳ dấu hiệu của chuyển dạ sinh non
  • Cảm giác đau bụng, chuột rút giống như kinh nguyệt hoặc đau thắt lưng theo nhịp không thuyên giảm khi nghỉ ngơi
  • Các cơn co thắt thường xuyên (ít nhất 6 lần mỗi giờ hoặc 10 phút một lần, ngay cả khi chúng không đau)
  • Chảy máu âm đạo hoặc ra máu kèm theo cơn gò cứng bụng.

Nếu mẹ đã mang thai qua 37 tuần

  • Vỡ ối kèm theo các cơn gò cứng bụng
  • Mẹ bị chảy máu âm đạo kèm theo cơn gò cứng bụng
  • Các cơn co thắt của mẹ cách nhau 5 phút (hoặc ít hơn)
  • Mẹ bị đau bụng liên tục, dữ dội.

Xem thêm bài viết liên quan tại đây:

Cơn gò tử cung: Cần phân biệt giữa cơn gò sinh lý và cơn gò chuyển dạ

Những dấu hiệu nhận biết cơn gò chuyển dạ để mẹ không nhầm lẫn mà chủ quan