Bill Gates từng nói: "Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn".

Càng ngẫm thì càng thấy câu này đúng lắm mọi người nha, nhất là với những bạn trẻ mới ra trường, đừng lười biếng, đừng ngại ngần xông lên phía trước. Hãy lấy câu chuyện mà tôi từng đọc được trên VNE sau đây để làm động lực cho mình nhé!

Theo như tôi từng đọc trên VNE thì cô nàng Lê Thanh Huyền làm Marketing Specialist của Phòng Marketing, Công ty Asahi Kasei Medical Europe, một trong những tập đoàn hàng đầu Nhật Bản. Huyền đồng sáng lập trang song ngữ Anh - Việt, với các khách mời Việt Nam và thế giới - Beyond Trà Đá Podcast và Joylists.

“Tôi sinh ra ở ngôi làng nhỏ ở Thanh Hóa, trong gia đình nghèo có bố mẹ làm nông. Mẹ mất lúc tôi 13 tuổi. Đến tận bây giờ, quê tôi vẫn chưa có máy rút tiền tự động. Tôi học ở Đại học Hà Nội khóa 2003-2007, được một công ty Nhật tuyển vào chương trình đào tạo của họ, được đưa sang TQ học việc.

Do công việc không phù hợp, tôi chuyển sang làm cho một số công ty khác ở Việt Nam. Tôi có cơ hội nhận được một công việc tốt ở Singapore và chuyển sang đó làm. Khi đang làm ở Singapore, tôi nhận học bổng 75% MBA của trường Vlerick Business School ở châu Âu và hai thư mời nhận việc khi gần tốt nghiệp từ công ty ở Bỉ và Đức. Tôi chọn công việc ở Đức.

hình ảnh

Thanh Huyền là cô gái đi lên từ nghèo khó (Ảnh: VNE)

Sau khi ở Đức hai năm và thi bằng tiếng Đức, tôi đã có thẻ thường trú vô thời hạn (Permanent Resident). Khi nói chuyện với bất kỳ ai ở đây, tôi đều nhận được câu hỏi: Tại sao có thể ở vị trí của mình ngày hôm nay khi xuất phát điểm như vậy?"

Vâng, khi biết được câu chuyện của cô gái này, nhiều bạn trẻ cũng sẽ đặt câu hỏi tương tự như thế. Hẳn nhiên, chúng ta sẽ nghĩ cô gái này giỏi từ trong máu, thành công là điều hiển nhiên. Điều này đúng nhưng không đủ, vì chính Thanh Huyền chia sẻ, dù nghèo nhưng cô tự tin, dù xuất phát điểm thấp nhưng cô biết liều lĩnh. Và sau đây là kinh nghiệm mà cô đã đúc kết để thanh đổi cuộc đời của mình.

Tìm người hướng dẫn (mentor) phù hợp

Mentor đầu tiên của Thanh Huyền là ông Eric, người Mỹ. Ông trở thành triệu phú khi còn trẻ, đến tầm 40 tuổi ông đã về hưu và cùng vợ du lịch vòng quanh thế giới rồi quyết định xây dựng dự án làm từ thiện ở Việt Nam. Chương trình của vợ chồng ông Eric (và những người ông kêu gọi hỗ trợ từ New York) đã cung cấp học bổng cho hàng nghìn học sinh, sinh viên khó khăn ở Việt Nam, từ bậc tiểu học đến khi học xong đại học.

Năm nào, ông Eric cũng sang Việt Nam phỏng vấn từng học sinh cho chương trình. Thanh Huyền có cơ hội gặp ông khi công ty cũ ở Việt Nam cùng tham gia dự án từ thiện. Khi nghe về ông, cô thấy vô cùng ngưỡng mộ. Cô nhận ra trên xe dù có rất nhiều người, song ông Eric ngồi một mình vì không ai dám nói chuyện. Ông nhìn khó gần và có vẻ mọi người sợ nên không dám bắt chuyện. Cô chỉ nghĩ đó là người mình muốn học hỏi nên chủ động chào ông.

hình ảnh

Cô đã đi nhiều nơi ở Châu Âu và đạt nhiều thành tích đáng nể (Ảnh: VNE)

Sau đó, Thanh Huyền và ông Eric nói chuyện về quá trình học tập, về định hướng công việc của giới trẻ, những dự án ông đã làm. Từ đó, cô email hỏi ông những lúc cần lời khuyên, ví dụ có nên đi học MBA khi đang có một công việc rất tốt ở Singapore không, nên chọn công việc ở Bỉ hay ở Đức, hay khi cô bắt đầu dự án start up bên Đức. Ông đã tìm và giới thiệu cho Thanh Huyền một người làm một start up tương tự bên Mỹ để chia sẻ kinh nghiệm.

Đừng quá khiêm tốn, hãy tự tin

Thanh Huyền có người cháu năm ngoái thi lên THPT. Lần nào cô hỏi việc học hành, bé cũng bảo cháu học bình thường, không tốt lắm, không dám mơ thi vào đại học mong muốn vì sợ rớt... Nhưng sau đó, cô ngạc nhiên khi biết bé đỗ cấp 3 và nằm trong top 5 điểm cao nhất trường. Nói chuyện mới vỡ lẽ bé rất thiếu tự tin, luôn nghĩ mình không đủ giỏi, không dám mơ cao.

Khi nhận ra điều này, Thanh Huyền tập trung nói chuyện để bé hiểu rằng chính sự thiếu tự tin đó đang kéo hẹp ước mơ của bé lại. Cuối cùng bé đã quyết định thi vào trường mong muốn...Thanh Huyền  nhận ra đây là điểm yếu nhiều bạn trẻ Việt mắc phải. Các bạn thiếu tự tin khi ra cộng đồng quốc tế, khi không có những thế mạnh như người bản địa.

Tuy nhiên, thay vì nhìn theo hướng đó, bạn có thể nhìn ra mình có những thế mạnh mà người khác không có. Bạn có kinh nghiệm ở châu Á, bạn có sự năng động của Việt Nam - một trong những nước với nền kinh tế tăng trưởng nhanh đáng nể, có lịch sử bề dày của một nền văn hóa chú trọng vào học tập, có chí tiến thủ... 

hình ảnh

Thanh Huyền không bao giờ tự ti "người Việt nhỏ bé" (Ảnh: VNE)

Chủ động trong công việc

Nếu công việc hơi nhàm chán nhưng mọi thứ khác ở công ty đều ổn, hãy nói chuyện với sếp trước khi xin nghỉ việc. Đôi khi sếp không biết bạn chán việc, nói chuyện thẳng với sếp và mong muốn nhận được những dự án thú vị hơn. Trường hợp mọi việc không thay đổi, lúc ấy bạn xin nghỉ cũng chưa muộn. Nếu thấy một dự án nào đó trong công ty bạn muốn tham gia, hãy liên hệ trực tiếp với người phụ trách và nói rằng bạn muốn học hỏi, hỗ trợ họ.

Thay vì chỉ làm việc được giao, Thanh Huyền chủ động tìm kiếm và viết ra những đề xuất dự án tôi muốn làm và có lợi cho công ty. Sếp đồng ý cho cô tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về dự án này. Sau đó, cô được cử sang trụ sở chính ở Tokyo, Nhật Bản, trình bày hai dự án và được thông qua, cấp ngân sách để thực hiện. Ngoài việc được làm những dự án mà mình muốn, cô còn cơ hội mở rộng mối quan hệ với đồng nghiệp ở trụ sở ở Nhật.

Khéo léo trong ứng xử với sếp

Thanh Huyền cũng chia sẻ thêm, khi làm việc với những quản lý mà bạn cho là không giỏi lắm, đừng cố chứng minh bạn giỏi hơn họ. Điều này có thể làm ảnh hưởng đến việc thăng tiến của bạn, hoặc đôi khi là việc bạn có được tham gia một dự án hay không.

Nếu tỏ ra hoặc chứng minh bạn giỏi hơn, họ sẽ càng có thành kiến với bạn. Thay vào đó, bạn hãy chấp nhận họ là sếp mình, tìm cách lôi kéo sự ủng hộ, khéo léo tìm sự đồng thuận của họ cho những dự án của mình. Bạn có thể trình bày riêng với sếp những ý tưởng mà bạn nghĩ là hay và xin ý kiến. Việc này nhằm liên kết ý tưởng dự án của bạn với sếp.