Không gì tuyệt bằng việc có thể thưởng thức những bộ phim bom tấn với định dạng 3D trong chính căn nhà của bạn với chất lượng không thua kèm gi rạp chiếu phim.

Wired hay Wireless

Không phải tất cả các mẫu vô tuyến đều được trang bị chức năng thu sóng Wi-Fi. Nếu bạn có ý định lên kế hoạch xây dựng một hệ thống nhà hát tại gia, hãy kiểm tra kỹ các chi tiết, các đòi hỏi, các thiết bị và thông số kỹ thuật. Trong một số trường hợp, các nhà sản xuất sẽ cung cấp cho bạn một adapter dạng USB thu phát sóng Wi-Fi.

Kết nối internet

Đây giống như dây an toàn của một chiếc vô tuyến thông minh. Lấy ví dụ nếu router internet nhà bạn ở phòng khác hoặc nó nằm ngoài tầm phủ sóng của mạng Wi-Fi, bạn nên cân nhắc việc có thêm đường mạng dây để khắc phục điều này.

hình ảnh

3D mới là thời thượng

Những mẫu vô tuyến HD hiện đang chạy theo việc tích hợp công nghệ 3D. Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của mọi người là vô tuyến công nghệ 3D, chiếc nào cũng giống chiếc nào, bạn cần hiểu, hiện nay người ta đang ứng dụng 02 công nghệ hoàn toàn khác nhau cho những chiếc vô tuyến 3D. Một là công nghệ thụ động và một là công nghệ chủ động. Và như đã nói, 02 công nghệ này hoàn toàn khác biệt nên chúng cũng sẽ có những điểm mạnh và điểm yếu khác nhau. Hiện, các thương hiệu như LG, Panasonic và cả Philips, tất cả đều đang giới thiệu các mẫu vô tuyến HD thuộc cả hai nhóm ứng dụng công nghệ này.

3D chủ động là gì?

Công nghệ này đã được áp dụng trong suốt nhiều năm nay. Cụ thể, màn hình sẽ hiển thị liên tục hình ảnh của mắt phải và mắt trái. Điều này dẫn tới việc khi quan sát bằng mắt thường, người ta sẽ chỉ nhìn thấy những hình ảnh mờ ảo. Nhưng khi đeo kính, với thiết kế đặc biệt, đồng bộ hóa với vô tuyến 3D, mắt trái sẽ chỉ nhìn thấy ảnh bên trái, mắt phải sẽ chỉ nhìn thấy ảnh bên phải, từ đó tạo ra cấu trúc ảnh ba chiều.

Tuy nhiên, công nghệ này cũng có những nhược điểm riêng. Đó là hiện tượng nhiễu âm (nếu so với những mẫu vô tuyến 3D thụ động). Lóe hình – hay nhiễu hình cũng là một vấn đề khi xem vô tuyến áp dụng công nghệ này dưới ánh đèn huỳnh quang. Đây chính là tác nhân khiến bạn cảm thấy bị buồn nôn và chóng mặt. Đó là chưa kể việc những chiếc kính để xem ti vi loại này thường là kính chạy bằng pin. Do đó, chất lượng hình ảnh không thể tránh khỏi việc phụ thuộc vào năng lượng của kính. Bên cạnh đó là việc những chiếc kính kiểu này có giá hoàn toàn không hề rẻ. Nhưng bù lại, điểm mạnh của dòng vô tuyến này là chế độ hình ảnh nổi với chiều sâu và độ phân giải lớn.

3D thụ động là gì?

Ở lĩnh vực này, có thể tạm xem LG là cái tên tiên phong khi cách đây khoảng 10 năm đã “châm ngòi” cho cuộc đua sản xuất và giới thiệu vô tuyến thụ động với việc cho ra mắt mẫu vô tuyến 3D FPR (Film Patterned Retarder) của họ. Vô tuyến 3D thụ động có nguyên lý hoạt động khá giống với công nghệ đang được ứng dụng trong việc trình chiếu phim 3D ngoài rạp.

Cụ thể, thay vì lấy mắt kính làm trung tâm như vô tuyến 3D chủ động, vô tuyến 3D thụ động lấy vô tuyến làm trung tâm. Người ta đặt bổ sung một tấm film FPR phía trước màn hình để phân cực, khi kết hợp những hình ảnh riêng rẽ giữa mắt phải và mắt trái đã được lọc qua cặp kính 3D, người xem sẽ có được một góc nhìn rộng 178 độ.

Công nghệ này giúp loại bỏ hoàn toàn các hiện tượng rung nhòe, sọc nhiễu và nháy hình khi xem vô tuyến dưới ánh đèn huỳnh quang. Tuy nhiên, nhược điểm của loại vô tuyến này là do mỗi mắt chỉ nhận biết được 1⁄2 độ phân giải 1080p nên bạn sẽ không nhận thấy hết được độ sắc nét của hình ảnh. (Nhưng bù lại giá mỗi cặp kính dạng này rẻ hơn rất nhiều so với các cặp kính dành cho vô tuyến 3D chủ động.)

Âm thanh

Âm thanh là một tín hiệu dạng analog, tuy nhiên nó thường được biến đổi thành một file dạng số để tiện cho việc lưu trữ. Về mặt kỹ thuật, những biến đổi không hao hụt (lossless) sẽ đòi hỏi một bộ nhớ lớn trong khi nén file lại có thể sẽ giúp tiết kiệm dung lượng bộ nhớ nhưng chất lượng âm thanh sẽ không đạt được như mong muốn. Chính vì vậy, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi có ý định mua một hệ thống âm thanh hoành tráng chỉ để nghe những file MP3.

hình ảnh

Loa Bang & Olufsen

Với những loại file nén MP3 nhỏ, bạn chỉ cần sử dụng những docking thông thường. Tuy nhiên, trong trường hợp bạn thường thưởng thức nhạc qua các CD hoặc các file định dạng nhạc FLAC (Free Lossless Audio Codec) (một định dạng đảm bảo chất lượng của âm nhạc không bị thay đổi sau khi chuyển đổi sang file kỹ thuật số), hãy lựa chọn cho mình sản phẩm là hệ thống âm thanh hàng đầu của hãng âm thanh Bang & Olufsen.

Docking Station

Cùng với việc smartphone ngày càng được yêu mến và sử dụng như một thiết bị lưu trữ và chơi nhạc, docking station đang trở thành một “phụ kiện” thiết yếu trong mỗi ngôi nhà.

hình ảnh

Bang & Olufsen Docking Station

Các docking station này thường được trang bị các driver có kích thước từ 02-03 inch, đủ âm lượng cho một căn phòng. Kết nối mạng không dây hiện cũng đang là một tính năng đượcưa chuộng và phổ biến. Nếu bạn muốn chọn một sản phẩm có chất lượng chỉ dừngở hạng trung nhưng tiện dụng, dễ thích nghi với các thiết bị khác nhau, AD2P sẽ là một gợi ý. Còn nếu trong trường hợp bạn muốn những sản phẩm tốt hơn, hãy lựa chọn những dock của Bang & Olufsen hoặc AirPlay hay Kleer.

Tích hợp hay riêng lẻ

Nếu bạn muốn mang một trải nghiệm đầy chất “xi-nê” đem đặt vào phòng khách nhà mình, bạn cần trả lời câu hỏi mình sẽ mua một hệ thống tích hợp hay mua từng món riêng lẻ. HtiBS (Home theater in a box) và Soundbars là những ví dụ điển hình về một hệ thống đầy đủ bao gồm loa, đầu tiếp nhận và thậm chí là cả đầu đọc đĩa Blu-ray. Những hệ thống này cho phép người dùng có được sự tiện nghi của việc “cắm điện và giải trí”.

hình ảnh

Home theater in a box

Đó là chưa kể tới việc những hệ thống này thường tiết kiệm diện tích và có giá thành rẻ hơn so với việc bạn mua từng thiết bị và ghép thành bộ. Tuy nhiên, một hệ thống hợp thành từ những thiết bị tách rời thường có chất lượng tốt hơn (nếu bạn chịu chi và biết chọn đúng sản phẩm để kết hợp.) Nhưng, việc kết hợp các thiết bị sẽ khá phức tạp và nếu bạn không phải là một người am hiểu các sản phẩm âm thanh và hình ảnh, hoặc nếu bạn không có đủ thời gian, căn phòng của bạn không có không gian đủ lớn, vậy thì hay quay trở lại lựa chọn bộ sản phẩm “rất nhiều trong một” mà chúng tôi đã đề cập ban đầu.

Đầu thu AV

Đầu thu AV có vị trí quan trọng như trái tim hoặc khối óc của bất kỳ hệ thống “rạp hát tại gia” nào. Đầu thu AV có nhiệm vụ như trục trung tâm cho tất cả các thiết bị. Tất cả các nguồn âm thanh và hình ảnh được tiếp nhận từ truyền hình cáp, đầu DVD, đầu đĩa Blu-ray cũng như các thiết bị chơi game, tất cả đều cắm vào đây. Bởi vậy, khi chọn mua một đầu AV cho nhà mình, bạn cũng nên cân nhắc về số cổng của đầu thu đó và khả năng mở rộng của toàn hệ thống trong tương lai.

hình ảnh

Đầu thu AV YAMAHA

Trong trường hợp hệ thống giải trí nhà bạn là hệ thống của các thiết bị tách rời, hãy đảm bảo rằng đầu thu AV nhà bạn có đủ công xuất để khuếch đại các trở kháng của loa. Không cần nói bạn cũng biết, nếu thiếu một đầu thu AV tốt, ngay kể cả hệ thống loa tốt nhất cũng không thể mang lại cho bạn những âm thanh đạt độ chuẩn nhất của nó.

Âm thanh vòm

Hãy nhớ về lần cuối bạn đi xem một bộ phim 3D, và hãy nhớ lại quảng cáo về hệ thống âm thanh của nhà hát đó:  Dolby Surround 7.1 – đối với một rạp chiếu thực sự chuẩn. Hãy phân tích thông số thông tin này, chữ số thứ nhất, số “7” cho biết số driver và số “1” là một loa trầm woofer. Mỗi loa sẽ tương thích với một kênh âm thanh duy nhất được sử dụng để thể hiện âm thanh trong toàn bộ hợp âm. Hiển nhiên, số lượng kênh âm thanh càng lớn, chất lượng âm thanh từ bộ phim của bạn sẽ càng cao. Ngoài ra, hệ thống âm thanh 5.1 và 7.1 là hai hệ thống âm thanh có khả năng mang lại hiệu ứng âm thanh vòm. Với hệ thống âm thanh này và những vị trí đặt loa hợp lý, bạn có thể trải nghiệm một hiệu ứng âm thanh từ mọi góc độ.

hình ảnh

Philips HTS3583

Vậy nên, nếu bạn muốn trải nghiệm một âm thanh đích thực giống phòng chiếu Megastar, bạn hãy sắm cho mình một hệ thống loa 5.1 trở lên. Còn nếu điều kiện kinh tế không cho phép, lời khuyên của chúng tôi là bạn hãy quay trở lại với hệ thống HtiB (Home theater in a box). Các hệ thống này vẫn mang tới cho bạn những hiệu ứng âm thanh vòm, trong khi đó có giá thành không quá “chát”, những ví dụ có thể đưa ra ở đây gồm BDV-E190 hay Philips HTS 5561. Những hệ thống này có giá chỉ khoảng 20 triệu và bạn còn có thể có thêm một đầu đĩa Blu-ray 3D.