Link bài viết gốc: https://i-values.com/1001-cach-kiem-loi-tu-tien-ma-hoa/

Chúng ta đã đi qua khái niệm của Tiền mã hóa (hay hiện được gọi là tiền điện tử ở khá nhiều các phương tiện truyền thông) ở bài viết trước. Hiểu được điểm đặc biệt của chúng, nhưng câu hỏi quan trọng nhất thì vẫn ở đó: “Vậy chúng ta có thể làm được gì để kiếm được tiền từ cơn sốt Tiền mã hóa?”

Hãy cùng iValue đi vào tìm hiểu các phương án kiếm tiền từ Tiền mã hóa trong bài viết này nhé.

Đầu cơ

Như  moi dạng tài sản khác, cách trực tiếp nhất để kiếm lợi ích từ Tiền mã hóa là…mua thấp bán cao (buy low sell high). Trong 35 tháng từ T1/2019 tới T11/2021, giá Bitcoin (BTC) tăng từ 3K8 USD/BTC lên kịch trần 69K9 USD/BTC (1740%, xấp xỉ 50%/tháng). Cùng thời gian đó Ether (ETH) tăng từ 120 USD/ETH lên kịch trần 4,858 USD/ETH (tăng 3,949%, tức 113%/tháng). Bạn thấy đó, nhiều người đã trở thành triệu phú đô la nhờ Tiền mã hóa là có thật.

Tuy nhiên trước khi bạn đổ xô lên mạng mở tài khoản Binance và giao dịch thì hãy bình tĩnh nghe phân tích của iValue về bản chất của sự việc  cùng những rủi ro đi kèm đã nhé.

Rủi ro đầu cơ Tiền mã hóa (đã ngoại trừ yếu tố biến động thị trường cao)

Rủi ro từ các sàn giao dịch Tiền mã hóa

Nhà đầu tư thường sẽ phải giao dịch Tiền mã hóa qua các sàn giao dịch tương tự như các loại tài sản khác. Tuy nhiên, do Tiền mã hóa vẫn còn là một hình thức tài sản tương đối mới nên hầu như các sàn giao dịch Tiền mã hóa vẫn nằm ngoài tầm quản lý của các Tổ chức giám sát tài chính và các Chính phủ, đặc biệt là các sàn có xuất xứ ngoài thị trường Mỹ. Có nghĩa là nhà đầu tư hầu như không được bảo vệ nếu có rủi ro xảy ra với các sàn giao dịch này. Thực tế là đã có rất nhiều sàn giao dịch trở thành nạn nhân của hacker và người bị thiệt hại cuối cùng là các nhà đầu tư. Đó là chưa kể rủi ro chọn phải sàn giao dịch không uy tín khả năng bị mất (lừa) tài sản là rất cao. Sàn Mt. Gox tại Nhật Bản đã buộc phải đóng cửa khi số Bitcoin trị giá hàng triệu đô bị đánh cắp vào năm 2014. Vụ hack này đặc biệt nổi tiếng và gây chấn động thời gian đó.

Nhà đầu tư cũng có thể lựa chọn rút các tài sản Tiền mã hóa về Ví riêng thay vì lưu chúng trên các sàn để giảm thiểu rủi ro. Hiện tại có khá nhiều lựa chọn từ các loại Ví nóng (hot wallet) lưu trữ Chìa khóa (key) online tới Ví lạnh (cold wallet) lưu trữ trong thiết bị phần cứng (hình minh họa). Điểm trừ của Ví nóng là chúng vẫn khá nhạy cảm với các cuộc tấn công mạng (hack) còn Ví lạnh thì có giá thành tương đối khoảng 50-150 Đô/thiết bị, và bạn phải luôn ghi nhớ mật khẩu. Ví lạnh mà bạn mất (quên) mật khẩu thì nó không khác gì một…cục gạch.

Trezor Model T Ví lạnh Trezor Model T giá 189 Eur. Nguồn: iValue

Hiện tại thì các sàn giao dịch crypto lớn trên thế giới cũng đã cải thiện đáng kể khả năng bảo mật của họ. Ở các quốc gia thân thiện hơn với Tiền mã hóa thì nhà đầu tư thậm chí đã có thể giao dịch crypto thông qua các công ty môi giới (broker) lớn. Và tính bảo mật của các công ty môi giới, các sàn giao dịch ngày càng được nâng cao. Không những thế, nhà đầu tư cũng được cung cấp nhiều lựa chọn hơn tùy vào sở thích bản thân. Tuy nhiên iValue khuyến nghị bạn tìm hiểu kĩ trước khi sử dụng một sàn giao dịch hoặc một công ty môi giới nào, vì một số sàn giao dịch thậm chí không cho phép bạn di chuyển Tiền mã hóa khỏi tài khoản của bạn ví dụ như trường hợp của Robinhood hoặc SoFi. Ngược lại, một số sàn như Coinbase hoặc Gemini lại có cả Ví xây dựng sẵn trong nền tảng, đồng thời cũng cho phép bạn chuyển Tiền mã hóa ra ngoài Ví riêng của bạn (tất nhiên có tính phí). Tại Việt Nam thì sàn giao dịch crypto thông dụng nhất có lẽ là Binance. Các bạn có thể tìm hiểu đăng kí tài khoản Binance tại đây.

Rủi ro pháp lý

Vì bản chất Phi tập trung của Tiền mã hóa, chúng thường gặp rào cản từ phía các Chính phủ (vì khó hoặc chưa thể quản lý được nguồn tài sản này). Việc thiếu quy định thống nhất cùng bộ ứng xử quy chuẩn của Tiền mã hóa cũng đặt ra câu hỏi về tính thanh khoản, tính phổ biến và tuổi thọ của chúng.

Một số chính phủ thì cố gắng ban hành các luật mới cho Tiền mã hóa, số khác thì thẳng tay…cấm luôn. Vào tháng 9 năm 2021, Chính phủ Trung Quốc đã ban lệnh cấm mọi đồng Tiền mã hóa – quy định tất cả mọi hình thức giao dịch tiền crypto và các sản phẩm liên quan là bất hợp pháp. Nhìn chung Tiền mã hóa vẫn đang là một đối tượng nhạy cảm với các quyết định pháp lý về tính hợp pháp của chúng trên toàn thế giới và nhà đầu tư được khuyến nghị về độ rủi ro này.

Rủi ro độ chấp nhận

Như đã phân tích ở bài viết trước, Tiền mã hóa hay bất kì đồng tiền pháp định nào đều không có giá trị nội tại, mà giá trị của chúng nằm ở sự công nhận rộng rãi của thị trường. Tiền mã hóa hiện nay vẫn ở những bước đầu tiên để đạt được sự công nhận trên toàn thế giới. Ngay cả đồng tiền tiên phong và nổi tiếng nhất Bitcoin với 13 năm tuổi đời vẫn còn đang vất vả để được công nhận như một hình thức thanh toán trên trường thế giới. Tới thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 13 quốc gia trên thế giới công nhận thanh toán Bitcoin. Trong khi đó có tới 42 quốc gia ban lệnh cấm một phần và 9 quốc gia cấm hoàn toàn các giao dịch bằng Bitcoin. Độ công nhận thấp khiến các đồng tiền mã hóa ngày càng gần với các công cụ đầu tư hơn là công cụ thanh toán – một trong những yếu tố cơ bản cho các tranh luận Tiền mã hóa có thể thay thế tiền pháp định. Cho tới thời điểm này thì Tiền mã hóa cơ bản là giống với các Kim loại quý (như Vàng) hơn. Nếu chỉ là một công cụ đầu cơ, Tiền mã hóa sẽ có biên độ giao động giá rất khủng khiếp, và không thích hợp để làm một công cụ đầu tư dài hạn cho phần đông các nhà đầu tư.

Rủi ro thị trường bị thao túng

Thêm một điểm đặc thù nữa của Tiền mã hóa, ở đây iValue sẽ lấy ví dụ của Bitcoin, chính là có rất nhiều sự e ngại về tính “hoàn hảo” của thị trường BTC. Một thị trường cạnh tranh hoàn hảo là một thị trường mà trong đó không một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân nào có thể thao túng hay khống chế thị trường, làm ảnh hưởng tới giá cả được cả. Thị trường chứng khoán có thể coi là tiệm cận nhất của một thị trường hoàn hảo. Tuy nhiên trong trường hợp của BTC, có 2 yếu tố khiến sự e ngại về nguy cơ thao túng thị trường là có cơ sở:

  1. Thị trường không được giám sát bởi các Tổ chức tài chính hay chính phủ nào: nhạy cảm với các chiêu trò thao túng thị trường. Có 3 hình thức thao túng chính:
    1. Bơm và xả (Pump and dump): bằng các hình thức truyền thông đẩy giá thị trường lên cao (Bơm) sau đó thoát ra số lượng lớn nhằm kiếm lợi nhuận (Xả)
    2. Lệnh mua/bán ảo: đặt lệnh mua/bán số lượng lớn mà không thực sự có ý định mua bán tài sản đó, tạo ra nhu cầu thị trường ảo với một tài sản cụ thể.
    3. Stop hunting: là một chiến lược tương đối kĩ thuật cao – nôm na là những kẻ thực thi dung thuật toán để tạo ra các lệnh bán ảo khiến giá thị trường sụt giảm, kích hoạt nhiều lệnh tự động bán của nhà đầu tư, những người này sẽ mua được tài sản đó ở giá tốt hơn giá thực tế của thị trường.
  2. Số lượng cá voi (whale) – người sở hữu số lượng BTC lớn tuy ít nhưng lại sở hữu quá nhiều BTC. Tức là một số ít người tham gia thị trường lại sở hữu phần lớn loại tài sản này trên thị trường. Cụ thể: 100 ví BTC lớn nhất thị trường sở hữu tới 18% lượng BTC trên toàn thế giới, mà 100 ví là chiếm bao nhiêu % lượng ví đang sở hữu BTC? Câu trả lời là 0.00025%. Thông tin chi tiết hơn ở bảng minh họa dưới này. Số phận và xu hướng của thị trường BTC bị e ngại là nằm trong tay của những cá voi này. Nhà đầu tư có khá ít
Số lượng BTC nắmSố lượng ví% trên tổng số víSố lượng BTC% số lượng BTC
0 - 0.00120,748,75651.8281%4,271 BTC0.02%
0.001 - 0.019,896,99124.7216%37,606 BTC0.20%
0.01 - 0.16,087,29815.2054%196,790 BTC1.04%
0.1 - 12,486,1546.2101%772,880 BTC4.08%
1 - 10666,9951.6661%1,702,870 BTC9%
10 - 100131,5230.3285%4,291,306 BTC22.68%
100 - 1,00013,9160.0348%3,994,359 BTC21.11%
1,000 - 10,0002,0540.0051%5,174,230 BTC27.35%
10,000 - 100,000840.0002%2,074,147 BTC10.96%
100,000 - 1,000,00040.0000%672,630 BTC3.55%

Theo bitinfochart.com

Đào (mining) Tiền mã hóa

Mục tiêu chính của công nghệ blochchain đó là liên tục tạo ra các khối (block) mới trong hệ thống (network) của chúng. Phần thưởng của việc tạo ra những chuỗi mới này chính là đơn vị tiền tệ của hệ thống (ví dụ hệ thống Bitcoin sẽ thưởng cho tài khoản tạo ra một chuỗi mới bao nhiêu đó đơn vị Bitcoin (BTC), tương tự thì Ethereum thưởng Ether (ETH)…) Vì thế một cách khác để kiếm tiền là bạn có thể đào (mining) những chuỗi mới này trong hệ thống của các đơn vị Tiền mã hóa. Công việc đào này thực chất là sử dụng những con chip để xử lý những “bài toán” hóc búa cần nhiều sức mạnh của vi xử lý.

Một góc xưởng đào Bitcoin ở Iceland Một góc xưởng đào Bitcoin ở Iceland. Nguồn: iValue

Đây thực chất là một dạng đầu tư vào phần cứng và những yếu tố quyết định lợi nhuận của bạn sẽ bao gồm giá điện, giá phần cứng (ở đây thường là những card xử lý đồ họa hoặc những con chip chuyên dụng để đào tiền mã hóa), các thiết bị phụ trợ (làm lạnh, dây điện…) và khả năng sửa chửa/tái sử dụng những thiết bị hư hỏng của người đào. Nói chung Đào là một mảng kinh doanh liên quan nhiều tới phần cứng và cần tiền đầu tư xuống trước (upfront).

Đầu tư đào Tiền mã hóa cũng chứa đựng tương đối rủi ro. Ví dụ như cuộc khủng hoảng chính trị hiện tại ở Kazakhstan được cho là có liên quan trực tiếp tới giá Bitcoin giảm thời gian gần đây. Nguyên nhân là quốc gia này chính là nơi các thợ đào Trung Quốc chuyển các "trang trại đào Bitcoin" của họ sang sau khi bị chính phủ cấm Tiền mã hóa vào năm ngoái. Khủng hoảng chính trị khiến các trang trại đào Bitcoin ở Kazakhstan bị cắt internet khiến hoạt động đào bị ngưng trệ. Hiện quốc gia này chiếm tới 18% tỉ lệ hashrate - nôm na là tỉ lệ băm, có thể tạm hiểu là "năng suất" đào Bitcoin, của toàn thế giới. Nguồn cung bị ảnh hưởng khiến giá Bitcoin chao đảo suốt những tháng qua.

Vì những yếu tố rủi ro trên, những thợ đào không chuyên được khuyến nghị tìm hiểu kĩ trước khi  đầu tư vào mảng này.

Giữ và cho vay lại (Staking and lending)

Việc đào nói ở trên là để được hệ thống tưởng thưởng các đơn vị tiền mã hóa của hệ thống dựa trên một cơ chế gọi là Tưởng thưởng bằng sự đóng góp (Proof of work), thì hiện nay đã có những cơ chế thưởng khác, một trong số đó là Tưởng thưởng bằng hành động giữ và cho vay (Proof of stake). Nôm na thì cơ chế này khuyến khích Người có Tiền mã hóa giữ lại số tiền của họ trong hệ thống và hệ thống sẽ thưởng cho các ví này một số lượng coin xem như phí phụ thuộc vào số lượng coin và thời gian giữ. Khái niệm này khá tương đồng với…lãi gửi tiết kiệm, bởi vậy mới có thuật ngữ cho vay (lending) coin. Hiện tại khá nhiều các hệ thống đã bắt đầu áp dụng cơ chế thưởng này thay cho cơ chế POW cũ của Bitcoin.

Chơi game NFT (P2E)

Kiếm tiền bằng cách chơi game NFT đang trở thành một trào lưu trong giới Tiền mã hóa không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Những NFT game (hay P2E, hay GameFi) là một dạng game có cho mình một nền kinh tế riêng – người chơi có thể kiếm được vật phẩm, tiền tệ trong game (đã được mã hóa dưới dạng NFT) và những NFT này sau đó có thể được giao dịch thông qua các sàn giao dịch mở.

Nói ngắn gọn lại thì những game NFT hiện tại có giá trị kinh tế rất lớn nếu thu hút được nhiều người chơi. Vì mỗi một game là một nền kinh tế riêng biệt, càng nhiều người chơi thì càng nhiều cầu – nhu cầu sử dụng vật phẩm và tiền tệ trong game, những thứ sau đó được sử dụng để thúc đẩy nền kinh tế ảo phát triển mạnh hơn nữa.

Thậm chí ngoại trừ phương án…tự cày game NFT để kiếm vật phẩm, một cách tương đối nhàn hơn là bạn có thể chỉ đầu tư vào các đồng tiền mã hóa của những game hot. Vì cũng theo quy luật cung-cầu thôi, khi càng nhiều người tham gia trò chơi thì các đồng tiền nãy sẽ trở nên khan hiếm, theo đó giá trị của chúng sẽ tăng.

Những tựa game NFT nổi tiếng có giá trị vốn hóa cao có thể kể tới như sau:

  1. Decentraland (MANA): vốn hóa $5,185,105,598
  2. The Sandbox (SAND): vốn hóa $4,147,600,175
  3. Axie Infinity (AXS): vốn hóa $3,495,890,942
  4. Gala (GALA): vốn hóa $2,031,041,607
  5. WAX (WAXP): vốn hóa $674,983,317
  6. Illuvium (ILV): vốn hóa $402,965,629
  7. Yield Guild Games (YGG): vốn hóa $253,888,764
  8. MOBOX (MBOX): vốn hóa $229,295,554
  9. MyNeighborAlice (ALICE): vốn hóa $227,545,713
  10. WEMIX (WEMIX): vốn hóa $670,062,671

Lời kết

Trên đây là những phương án chính để kiếm lợi nhuận từ Tiền mã hóa. Nói là chính bởi vì thị trường Tiền mã hóa phát triển một cách chóng mặt và thật sự có rất nhiều các phương án để bạn có thể tham gia thị trường ở thời điểm hiện tại. Chi tiết về các phương án này iValue sẽ gửi tới các bạn trong những bài viết kế tiếp. Hi vọng bài viết mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích cho hành trình đầu tư của mình.

Link bài viết gốc: https://i-values.com/1001-cach-kiem-loi-tu-tien-ma-hoa/